08:47 - 08/09/2023
Hai bộ ‘nhường nhau’, nhập khẩu xe quà biếu, quà tặng bế tắc
Khi các bộ “nhường” nhau quyền quản lý, đã tạo ra khoảng trống pháp lý, khiến nhập khẩu ô tô quà biếu, quà tặng, bị “tắc” đường về Việt Nam suốt cả năm qua.
Khoảng trống pháp lý
Ngày 22/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6454/VPCP-KTTH, về việc trả lời kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, theo đó Phó Thủ tướng Lê Minh khái đã có ý kiến chỉ đạo: Bộ Công Thương khẩn trương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, xây dựng chính sách quản lý xe ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm múc đích thương mại, Báo cáo Chính phủ trong quý 3/2023, theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 23/5/2023.
Bộ Tài chính, chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, xem xét kiến nghị của doanh nghiệp gửi kèm phiếu chuyển đơn của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, về việc thủ tục thông quan với các xe đã về đến cảng hoặc xe đã xuống tàu trước thời điểm ban hành thông tư số 45/2022/TT-BTC ngày 27/7/2022, để xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định của Pháp Luật; có văn bản thông báo kết quả xử lý cho đại biểu Lê Thanh Vân trước ngày 15/9/2023.
Trước đó, vào ngày 1/8/2023, Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đã có phiếu chuyển đơn kèm theo kiến nghị của doanh nghiệp, gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, về khó khăn vướng mắc trong việc xin cấp phép nhập khẩu ô tô là hàng quà biếu, quà tặng.
Sự việc này đã diễn ra từ 1 năm qua, khi các bộ “nhường” nhau quyền quản lý, đã tạo ra khoảng trống pháp lý, khiến ô tô quà biếu, quà tặng bị “tắc” đường về Việt Nam.
Vào giữa năm 2022, trước những bất thường liên quan đến hoạt động nhập khẩu xe quà biếu, quà tặng, ngày 27/7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 45/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC, quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng, được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu, không nhằm mục đích thương mại.
Theo đó, Thông tư 45/2022/TT-BTC đã bãi bỏ quy định giới hạn mỗi tổ chức, cá nhân, chỉ được nhập 1 xe ô tô và 1 xe gắn máy/năm, do nước ngoài biếu, tặng. Thay vào đó là: “chính sách quản lý xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển, thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”. Thông tư 45/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/9/2022.
Tuy nhiên, “thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, là quy định nào, ở đâu thì không thấy có hướng dẫn.
Hai bộ “nhường” nhau
Đến ngày 13/9/2022 Tổng cục Hải quan, đã có Thông báo số 3789/TB-TCHQ, thông báo kết luận của Tổng cục trưởng, theo đó thống nhất thực hiện theo Thông tư số 45/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong thời gian chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách quản lý nhập khẩu, đối với mặt hàng xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu theo hình thức tài sản di chuyển, hàng mẫu, quà biếu, quà tặng của Bộ Công Thương thì Cơ quan Hải quan chưa giải quyết thủ tục hải quan.
Tiếp đến, vào ngày 19/9/2022, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3863/TCHQ-CSQL gửi Bộ Công Thương, đề nghị sớm ban hành chính sách quản lý xe ô tô, xe gắn máy, nhập khẩu theo hình thức tài sản di chuyển, hàng mẫu, quà biếu, quà tặng, để thực hiện thống nhất.
Về phía Bộ Công Thương cho biết, đã có công văn gửi Bộ Tài chính từ ngày 29/7/2022, khi góp ý dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và dự thảo sửa đổi Thông tư 143/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, hàng hóa là tài sản di chuyển, hành lý cá nhân, hàng hóa vụ nhu cầu của các nhân có thân phận ngoại giao, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Nghị định 69/2018 NĐ-CP ban hành ngày 15/5/2018).
Theo Luật Quản lý ngoại thương và Luật Thương mại, Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lời. Bộ Công Thương không được giao nhiệm vụ quản lý các hoạt động nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô không nhằm mục đích thương mại. Các quy định liên quan đến nhập khẩu ô tô không nhằm mục đích thương mại từ trước đến nay đều do Bộ Tài chính hướng dẫn, hoặc chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương, sau khi nhận được công văn 3863/TCHQ-CSQL của Tổng cục Hải quan “thúc” sớm ban hành chính sách quản lý xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu theo hình thức tài sản di chuyển, hàng mẫu, quà biếu, quà tặng, ngày 7/10/2022 đã có văn bản trả lời cho rằng: việc Bộ Tài chính đơn phương sửa đổi thông tư 143/2015/TT-BTC, đã tạo ra khoảng trống pháp lý về quản lý xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu theo hình thức tài sản di chuyển, hàng mẫu, quà biếu, quà tặng. Vì vậy đề nghị Tổng cục Hải quan liên hệ với Bộ Tài chính để được hướng dẫn.
Suốt 1 năm qua, hai bên đã cãi lý với nhau và không bên nào chịu nhận trách nhiệm quản lý. Đến nay vẫn cứ “nhường” nhau quản lý xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu theo hình thức tài sản di chuyển, hàng mẫu, quà biếu, quà tặng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH TMDV- XNK Hưng Trường Phát (Tây Ninh), không ít xe ô tô quà tặng nhập về bị ách tắc tại cảng từ ngày 10/9/2022 đến nay, không được thông quan, gây thiệt hại rất nhiều cho bên được biếu, tặng. Cũng không chỉ có xe quà biếu, quà tặng mà cả xe mẫu của các doanh nghiệp nhập về phục vụ cho phát triển sản phẩm mới hay trưng bày và xe nhập khẩu theo hình thức tài sản di chuyển của các cá nhân, cũng gặp nguy cơ bị ách tắc.
Chờ đợi mãi không thấy bộ nào chịu đứng ra nhận quyền quản lý và có nguy cơ khoảng trống pháp lý còn kéo dài đến vô tận, các doanh nghiệp đã phải “kêu cứu” tới đại biểu Quốc hội.
Theo Trần Thủy/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này