09:07 - 24/04/2023
Gói hỗ trợ lãi suất 2% còn dư hơn 37.400 tỷ đồng
Bộ KH-ĐT vừa có báo cáo gửi Quốc hội, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Theo báo cáo, dự kiến đến hết năm 2023, cả nước sẽ chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng trong gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, số vốn dự kiến không sử dụng hết còn tới 37.430 tỷ đồng.
Trước đó, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội quyết định sử dụng tối đa 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách đạt kết quả rất thấp.
Nguyên nhân, theo lý giải của Bộ KH-ĐT, là do có khoảng 67% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đủ điều kiện thụ hưởng nhưng lại không có nhu cầu cần hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó, một lượng lớn khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng gặp nhiều vướng mắc. Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 ngày 14/6/2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Tuy nhiên, đến nay, dù đã hết thời hạn thực hiện chính sách nhưng số tiền giải ngân thực tế chỉ đạt 3.757 tỷ đồng, bằng 57,2% so với tổng nguồn lực dự kiến thực hiện. Nguyên nhân là do việc triển khai chính sách, thẩm định hồ sơ, phê duyệt hoặc trình phê duyệt hồ sơ, giải ngân kinh phí cho người lao động thời gian đầu còn chậm. Lực lượng cán bộ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ còn thiếu, phải huy động từ nhiều lĩnh vực, chưa nắm vững chuyên môn, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong triển khai chính sách.
Trong khi đó, đến ngày 31/3, chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt dư nợ 16.400 tỷ đồng, bằng 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị. Tuy nhiên, có đến 4/5 chương trình của chính sách dự kiến không sử dụng hết nguồn vốn của chương trình.
Trong khi đó, nhu cầu vay vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn (43.140 tỷ đồng), nhưng mới được bố trí 10.000 tỷ đồng, đã giải ngân trong kế hoạch năm 2022, có khả năng thực hiện tiếp nhưng không còn nguồn.
Theo Anh Thư/SGGP-ĐTTC
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương lật lại quy trình kiểm tra ‘Con Cưng’ của Cục Quản lý Thị trường
Vấn đề: Đế chế zombie, có quá lớn để sụp đổ?
Vốn FDI vào Việt Nam giảm 12%
Những ý tưởng kinh doanh cho năm 2019
Bài học cho các doanh nghiệp địa ốc
Tags:hỗ trợ lãi suất
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này