08:46 - 20/12/2017
‘Chết chìm’ vì mang nặng
“Không có doanh nghiệp nào sử dụng lao động dám trả dưới mức lương tối thiểu”, nhiều doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản, giày dép, may mặc ở miền Tây khẳng định như vậy, dù họ đang trong cơn túng quẫn.
Đầu năm 2018, lương tối thiểu theo nghị định số 141/2017/NĐ-CP sẽ được áp dụng theo vùng, dao động từ 2.760.000 – 3.980.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, tăng khoảng 6 – 7% so với mức lương hiện nay. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp thuộc vùng 1 là 3.980.000 đồng/tháng, vùng 2: 3.530.000 đồng/tháng, vùng 3: 3.090.000 đồng/tháng; vùng 4: 2.760.000 đồng/tháng.
Trong ngành dệt may, khi các hãng may công nghiệp tràn về miền Tây, vừa phải đào tạo nghề cho công nhân, vừa chấp nhận “thử và sai” do công nhân chưa lành nghề, năng suất lao động và hàng đạt chuẩn thấp, vừa phải tính chi phí – lợi ích, trong đó có mức lương tối thiểu khiến mọi thứ trở thành gánh nặng. Mức lương tối thiểu là cơ sở để tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…, do đó mọi chi phí sẽ tăng. Trong vòng ba năm gần đây, sáu nhà máy mới được xây dựng. Năm 2016, các nhà máy này đã lỗ 300 tỉ đồng. “Nếu mọi thứ ổn định, tay nghề công nhân nâng lên, tinh thần kỷ luật lao động công nghiệp cải thiện…, ít nhất năm năm nữa mới hết bù lỗ”, ông Nguyễn Thái Hùng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt – may Việt Nam, chia sẻ.
Công ty may Tây Đô có 1.600 công nhân, năm ngoái ước tính lời 9 tỷ đồng, bù lương tối thiểu hết 3,5 tỷ đồng, trừ các khoản theo quy định, chỉ còn lãi 1,5 tỷ đồng. Một công ty cổ phần đầu tư vào nhà máy 200 – 300 tỷ đồng, nhưng phần lời chỉ còn có 1,5 tỷ đồng, vậy có nên duy trì hoạt động? Theo lời ông Hùng,“Tây Đô đang lặn hụp trong hệ sinh thái khắc nghiệt”.
Nhà máy chết, ai trả lương cho công nhân? Còn muốn sống trong thời buổi cạnh tranh gay gắt trong ngành dệt may, phải tập trung đầu tư máy móc tự động hoá. Ở hội chợ Osaka (Nhật Bản) chào bán thiết bị tự động ngành may với giá ngoài sức tưởng tượng: một dây chuyền hanger tự động trước đây có giá 10.000 USD, nay chỉ còn 1.000 USD.
Nhưng đầu tư thiết bị công nghệ cao (dù giá đã rẻ lắm rồi) phải có nhân lực thích ứng, phải qua đào tạo. Về mặt lý thuyết, khi đưa công nghiệp về nông thôn, rút lao động nông thôn bổ sung cho khu vực công nghiệp, các trung tâm dạy nghề tại các tỉnh phải đào tạo nhân lực, nhưng họ có làm được đâu. Lẽ ra phải chuyển gói đào tạo nhân lực về cho doanh nghiệp, trên thực tế đâu có ai chịu chuyển. Ngành may mặc, thuỷ sản… càng thâm dụng lao động, giờ càng “quắn não” với đủ thứ chi phí, trong đó có cả chuyện tăng lương sắp tới.Nếu đưa tất cả chi phí vào giá thành, cạnh tranh sẽ ra sao đây? Hỏi thì hỏi, nhiều doanh nghiệp đã có câu trả lời là… đóng cửa!
Tại nhiều tỉnh, khi huyện nâng hạng lên thành quận, thị trấn lên thị xã, lương tối thiểu từ vùng 4 lên vùng 3, nhiều người “nâng ly ăn mừng”! Còn doanh nghiệp đang lo “chìm xuồng tại bến”!
bài, ảnh H.L
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này