
11:00 - 11/09/2023
‘Chạy đua’ bán dự án giá rẻ
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang buộc phải chạy đua bán dự án với mức giá rẻ để có nguồn vốn xoay xở trong bối cảnh khó khăn.
Theo báo cáo từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, năm 2023 là giai đoạn đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp BĐS. Điều này buộc họ phải đối mặt với lựa chọn bán dự án, bán tài sản, hoặc bán doanh nghiệp từng phần để tái cơ cấu nợ và bộ máy.
Bán dự án với giá rẻ
Có thể thấy, một số trường hợp chủ dự án đã vào bước đường cùng và buộc phải bán dự án với mức lỗ sâu. Điều này xảy ra là bởi các đơn vị không thể tiếp tục gánh những chi phí cũng như số tiền lãi ngày càng tăng, rơi vào nguy cơ “chết chìm trên đống tài sản”.
Một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại quận 3, TP.HCM đang đối mặt với tình cảnh rất khó khăn. Tổng giám đốc của doanh nghiệp này chia sẻ rằng, vào quý 1, doanh nghiệp đã bị đối tác yêu cầu hoàn trả số tiền đã ứng trước là 300 tỷ đồng, nhưng tài chính của công ty đã cạn kiệt. Sau khi rà soát tình hình, công ty chỉ có cách sử dụng những căn hộ tồn kho tại TP Thủ Đức để cấn nợ đối tác, mặc dù toàn bộ dự án này vẫn đang thế chấp ở ngân hàng.
Ngoài ra, trong qúy 2 vừa qua, hàng chục sản phẩm tại một dự án căn hộ cao cấp ngay trung tâm quận 1 đã được rao bán trên thị trường thứ cấp với mức giá giảm đến 40 – 50% (tương đương 6 – 9 tỷ đồng/căn). Đây đều là những tài sản đã bị gán nợ.
Tuy nhiên, theo các môi giới chia sẻ, loại tài sản này không thu hút nhiều khách mua bởi tâm lý e ngại về tiến độ dự án chậm hoặc tình hình pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Mới đây, trong mùa đại hội cổ đông thường niên, các lãnh đạo doanh nghiệp BĐS đã chia sẻ về thách thức mà họ đã phải đối mặt trong năm 2022, cùng với đó là kế hoạch để vượt qua khó khăn trong thời gian tới.
Đơn cử, tại đại hội cổ đông, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt chia sẻ, trong thời điểm khó khăn, giá cổ phiếu của Công ty chỉ còn 13.000 đồng/cổ phiếu. Theo ban lãnh đạo công ty đánh giá, nếu phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, sẽ không có nhiều người mua do thị trường đang trong tình trạng khó khăn. Hơn nữa, ngân hàng cũng không cho vay BĐS trong thời điểm đó. Do vậy, ông Đạt đã phải bán hoặc thế chấp nhiều tài sản gia đình và cá nhân để đóng góp và hỗ trợ cho công ty.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Khánh Quang – Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, từ năm 2014 đến nay, thị trường BĐS đã phát triển liên tục và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tích luỹ một lượng tài sản khá lớn. Tuy nhiên, tính thanh khoản của các tài sản này hiện rất thấp, do vậy, khi xảy ra khủng hoảng, việc tìm kiếm dòng tiền là điều rất quan trọng. Các doanh nghiệp phải tự mình đề xuất nhiều phương án nhằm tiết kiệm chi phí, và việc bán bớt tài sản với giá rẻ trở nên rất cần thiết để quay trở lại thị trường.
Trong khi đó, năm 2022 – 2023 là thời kỳ “cao điểm” để gán và cấn trừ nợ trong lĩnh vực BĐS. Một số doanh nghiệp có tài sản để bán giá rẻ đều thuộc nhóm còn khả năng cứu vãn tình hình và trả nợ. Mặt khác, thực tế là có nhiều công ty không còn khả năng xoay xở do nợ trái phiếu đáo hạn, các dự án gặp vướng trong vấn đề pháp lý, khó tiếp cận với tín dụng và giá BĐS liên tục giảm trong khi thị trường mất thanh khoản trầm trọng.
Kỳ vọng từ những chính sách mới
Từ những vấn đề trên, ông Quang đánh giá tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp địa ốc đang trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Quang kỳ vọng rằng trong hai quý cuối năm, nếu pháp lý được chính quyền tích cực hỗ trợ và điều kiện vay vốn dễ dàng hơn, lãi suất cho vay giảm đi thì việc gán nợ sẽ nhanh chóng đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, trong cuối năm nay, các luật cơ bản như Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản… sẽ thông qua và có tính đồng bộ và thống nhất hơn, giúp giải quyết khó khăn lớn nhất về pháp lý. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi này, ông Châu hy vọng Chính phủ có thể ban hành một số nghị định để xử lý tình huống.
Ông nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, việc cùng nhau vượt qua là quan trọng nhất, cùng với đó là sự đồng hành của các bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và người dân để tìm điểm cân bằng và hài hoà lợi ích giữa các bên liên quan.
Dưới nhận định của TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, mặc dù khó khăn vẫn “bủa vây” các doanh nghiệp địa ốc, nhưng không thể phủ nhận rằng thị trường đã dần xuất hiện những tín hiệu tích cực hơn trong thời gian gần đây.
Theo dự báo, thị trường sẽ có sự phục hồi rõ rệt hơn từ qúy 4. Đây cũng là thời điểm các chính sách gỡ vướng cho thị trường phát huy hiệu quả, tuy nhiên cần đẩy nhanh quá trình rà soát và giải quyết vướng mắc cho các dự án, tăng cường việc giải ngân cho các dự án đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân.
Theo Vi Anh/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này