21:30 - 06/08/2021
Cần giải pháp riêng cho doanh nghiệp thực phẩm
Ngày 6/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc về thực hiện mô hình “3 tại chỗ” tại một số DN sản xuất lương thực, thực phẩm chủ lực của TP.HCM.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết công ty đã có nhiều nỗ lực để vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất. Mặc dù gặp khó khăn do trước đó công ty có xuất hiện một số ca mắc Covid-19 khi tiến hành xét nghiệm định kỳ, nhưng Vissan đã tập trung xử lý và nhanh chóng duy trì ổn định hoạt động.
Hiện nay, sản lượng thực phẩm tươi sống đã cung ứng đạt 80% so với trước đây. Dự kiến trong khoảng 2-3 ngày tới, nguồn thực phẩm tươi sống sẽ cung ứng đạt mức ổn định 100%, và từ 15-8 đến 20/8, mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ cung ứng đảm bảo sản lượng như trước.
Để duy trì sản xuất, lãnh đạo Vissan đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho 100% người lao động tại công ty. Vì hiện nay vẫn còn hơn 700 nhân viên chưa được tiêm vắc xin mũi 1. Vissan muốn được chủ động quản lý F1 sau thời gian cách ly theo quy định của Bộ Y tế (có sự hỗ trợ từ cơ quan y tế).
Do một số đặc thù trong hoạt động kinh doanh – sản xuất ngành hàng thực phẩm tươi sống, Vissan cũng mong muốn thành phố quan tâm và ưu tiên về thời gian di chuyển cho bộ phận giết mổ, giao hàng và bán hàng thực phẩm tươi sống trong khoảng thời gian 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Cần xem xét và tách chi phí phòng, chống dịch Covid-19 và chi phí sản xuất.
Cùng quan điểm với Vissan, bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Công ty Vifon, cho rằng, công ty đã sản xuất “3 tại chỗ” hơn 1 tháng, sau 4 lần xét nghiệm thì người lao động đều âm tính. Nhưng khi thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh, như chi phí tăng gấp nhiều lần trong khi năng lực sản xuất giảm chỉ còn khoảng 45%, vì số lao động giảm từ 1.300 người chỉ còn 500 người.
Hiện công ty đang nợ rất nhiều sản phẩm để cung cấp cho các đối tác.
Vifon mong muốn với các DN sản xuất hàng thiết yếu, nên xem xét có cần thực hiện “3 tại chỗ” hay triển khai sản xuất bằng cách nào đó, để giúp DN khôi phục được năng lực 100%, giải toả các đơn hàng đang bị thiếu. Hiện Vifon đang xuất khẩu ra nhiều thị trường, nhưng nếu năng lực sản xuất không đủ thì nhiều khả năng DN sẽ bị phạt hợp đồng, thậm chí mất thị trường.
“DN đang lo miếng ăn cho người dân, không phải DN bình thường”
Về bất cập trong việc giao hàng liên quận, giao hàng tại các “vùng đỏ”; bất cập về kho để hàng tại một số quận có diện tích hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu người dân của Công ty TNHH Tikinow Smart Logistics, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý, DN thiết lập thêm các kho chứa hàng lưu động tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, đồng thời huy động lực lượng tình nguyện, đoàn thanh niên nhận hàng từ địa điểm chốt khu vực vùng phong tỏa, hỗ trợ đưa cho người nhận hàng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho hay ngày 3/8 vừa qua, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc để lắng nghe và giải quyết cụ thể từng vấn đề cho các DN trong Hội Lương thực, thực phẩm.
Những vấn đề còn tồn đọng như vắc xin, cho phép người lao động sau khi hoàn thành cách ly tập trung được quay trở lại làm việc ngay, khó khăn về thời gian làm việc trùng với khung thời gian hạn chế người dân ra đường (từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau), TP.HCM sẽ sớm có giải pháp linh hoạt để đảm bảo an toàn cho người lao động. Đồng thời để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP.HCM phải phòng, chống dịch trong thời gian dài, nên có một số giải pháp chỉ phù hợp trong thời gian ngắn. Về lâu dài không thể áp dụng các giải pháp giống nhau cho cả TP.HCM, ngay trong lực lượng chống dịch, cũng như các ngành sản xuất cũng có mức độ quan trọng rất khác nhau. Do vậy, TP.HCM cần linh hoạt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
“Vấn đề ưu tiên hàng đầu tại thời điểm này là phải duy trì được sản xuất và phân phối những mặt hàng thiết yếu nhất để phòng chống dịch, như trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm và vận chuyển hàng hoá. Để làm được, TP.HCM cần xem các DN này là đối tượng ưu tiên đặc biệt. Vì họ đang lo miếng ăn cho người dân, không phải DN bình thường. Từ đó xây dựng các tiêu chí ứng xử đặc thù, chăm chút tốt hơn cho DN để họ vững tâm sản xuất, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sản xuất bị tê liệt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ những khó khăn của DN, người lao động khi phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” trong một thời gian dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý cần phân chia ca, kíp, nhóm sản xuất theo khu vực cư trú của người lao động. Đặc biệt phải nắm sát công nhân ở “vùng xanh”, “vùng đỏ”; tìm kiếm những khu nhà trọ, khách sạn, ký túc xá, tổ chức đưa đón an toàn cho người lao động từ nơi ở đến nơi sản xuất.
Liên quan đến vắc xin, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM, cho rằng các DN rất khó khăn khi tiếp cận, cho dù đã hoàn thành việc cập nhật dữ liệu người lao động lên hệ thống phần mềm của TP.HCM, nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông báo về chỉ tiêu tiêm trong đợt này.
Theo bà Lý Kim Chi, việc chậm trễ tiêm vắc xin khiến DN đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Điều này đang tạo áp lực rất lớn cho chuỗi cung ứng của ngành. Bởi, các DN chưa được tiêm này là các đơn vị sản xuất, cung ứng nguyên liệu chủ lực nhóm hàng thực phẩm thiết yếu của ngành.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, TP.HCM đang là chiến trường khốc liệt trong cuộc chiến chống Covid -19. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, mà còn tạo áp lực rất lớn đối với các DN trong việc tổ chức sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho thị trường.
Không chỉ các DN như Vissan, Vifon, Phó Thủ tướng đã nhận được rất nhiều phản ánh của các DN chế biến lương thực, thực phẩm về việc phải giảm công suất hoạt động, trong khi nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao.
Để giữ vững trận địa cho sản xuất, Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM khẩn trương tiêm vắc xin cho người lao động tại những DN sản xuất quan trọng. Để làm nhanh, ngành y tế TP.HCM có thể linh hoạt, giao trực tiếp số lượng vắc xin cho từng DN.
Ví dụ nếu Vissan còn 700 công nhân chưa được tiêm thì ngành y tế cần mạnh dạn giao cho DN đủ số lượng, đề nghị họ quản lý và chịu trách nhiệm truớc cơ quan chức năng khi sử dụng vắc xin vào đúng mục đích, đúng đối tượng.
Theo Thúy Hải/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này