10:24 - 21/06/2023
Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là địa chỉ tiềm năng để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp cụ thể và phù hợp với tình hình thế giới.
Đầu tháng 6, thêm 2 nhà sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng và pin của Trung Quốc cho biết có thể đầu tư đến 1 tỷ USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Diễn biến này tiếp nối làn sóng mở rộng sản xuất sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc thời gian gần đây.
Làn sóng đầu tư lớn
Vào tháng 3, hãng thông tấn Reuters cho biết Việt Nam đang trở thành đích đến của làn sóng đầu tư lớn từ Trung Quốc, kể từ khi nước này hủy bỏ chính sách zero Covid (tháng 12/2022). Theo thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc đã dành 50 ngày đầu tiên của năm 2023 để đầu tư vào 45 dự án mới ở Việt Nam. Những dự án mới này chủ yếu đế phục vụ các tên tuổi lớn trước đó đã có mặt tại Việt Nam.
Thực tế, việc đổ bộ của các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, Canon và Apple sang Việt Nam, đã kéo theo các nhà lắp ráp thiết bị như Foxconn và Luxshare Precision, giúp nhanh chóng mở rộng các cụm công nghiệp trong các lĩnh vực đa dạng như điện thoại thông minh và máy in tại Việt Nam.
Lần này, các công ty Trung Quốc cũng bị thu hút sang Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy để cung cấp vật tư và dịch vụ cho các tập đoàn lớn có cơ sở ở Việt Nam. Đến tháng 5 vừa qua, tờ Yicai Global của Trung Quốc ghi nhận nhiều doanh nghiệp nước này hoạt động trong đa dạng lĩnh vực, từ dệt may đến quang điện và viễn thông, đã qua Việt Nam xây dựng nhà máy.
Gongjin Electronics, nhà cung cấp thiết bị đầu cuối băng thông rộng có trụ sở tại Thâm Quyến, đã chi gần 400 triệu NDT (57,5 triệu USD) để hoàn thiện xây dựng 2 giai đoạn cho nhà máy tại Việt Nam. Yicai cho biết khi giai đoạn thứ 3 đi vào hoạt động, nhà máy của Gongjin Electronics tại Việt Nam sẽ có giá trị sản lượng hàng năm 10 tỷ NDT (1,4 tỷ USD).
Tương tự, DBG Technology, nhà cung cấp dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, phía Nam Huệ Châu, cũng chuẩn bị biến chi nhánh của họ tại Việt Nam thành “đại bản doanh” ở nước ngoài, có khả năng sản xuất 40 triệu smartphone và các thiết bị điện tử khác mỗi năm trong vòng 3 năm, với giá trị xuất khẩu hàng năm 4,5 tỷ USD.
Ông Tang Jianxing, Chủ tịch DBG, cho biết công ty có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo khoảng 15.000 lao động ở Việt Nam và thiết lập “chuỗi công nghiệp đa ngành hỗ trợ mua sắm địa phương” tại tỉnh Thái Nguyên, nơi đã có nhiều công ty Trung Quốc hiện diện.
Không chỉ vậy, các công ty ở đầu và cuối các chuỗi công nghiệp còn “rủ rê” nhau vào Việt Nam để có thể liên kết sản xuất. Chẳng hạn, DBG đang hợp tác với nhà sản xuất phần cứng thông minh Huaqin Technology và nhà cung cấp Lingyi iTech của Apple, để xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên.
Trong thông tin mới nhất, Reutes cho biết 2 công ty sẽ đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD vào Việt Nam là Xiamen Hithium Energy Storage Technology và Growatt New Energy. Trong đó, Hithium đã làm việc với các quan chức và nhà quản lý ngành tại Việt Nam, dự kiến đầu tư 900 triệu USD xây dựng nhà máy trên hơn 30ha đất công nghiệp. Còn Growatt New Energy vốn đã thuê nhà máy chế tạo sẵn tại Việt Nam, hiện đang lên kế hoạch chi khoảng 300 triệu USD để mua khoảng 15ha đất công nghiệp xây dựng nhà máy mới.
Tại sao là Việt Nam?
Theo giới chuyên môn, sở dĩ doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt mở rộng sang Việt Nam vì Việt Nam có vị trí giáp giới với Trung Quốc, giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kể cả dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, khu vực miền Bắc vừa gần vừa có giá thuê đất công nghiệp cạnh tranh hơn miền Nam.
Ngoài ra, cấu trúc địa lý đa dạng với núi, cao nguyên và ven biển của Việt Nam cũng phù hợp để phát triển các vùng kinh tế tổng hợp. Nguồn nhân lực ở Việt Nam dồi dào, kể cả nhân lực trình độ cao, trong khi giá nhân công lại rất cạnh tranh và Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, tính hội nhập của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá rất cao. Cho đến nay Việt Nam đã xây dựng quan hệ kinh tế và thương mại với khoảng 224 đối tác từ các quốc gia và khu vực trên thế giới. Điều này giúp doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường của mình, đặc biệt kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung diễn ra điều này càng được xem trọng.
Theo tờ South China Morning Post, một trong những nhà sản xuất mũ bảo hiểm lớn nhất thế giới, Strategic Sports, đang có ý định mở nhà máy thông minh tại Việt Nam vào năm 2024, với tổng mức đầu tư 30 triệu USD. Công ty này xem đây là bước đi “sống còn” vì lý do địa chính trị. “Các khách hàng Mỹ đã thúc giục chúng tôi dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Và vì họ cam kết sẽ đặt đơn hàng từ Việt Nam, nên chúng tôi quyết định đến nước này” – ông Norman Cheng, chủ Strategic Sports, cho biết.
“Chọn mặt gửi vàng”
Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam thời gian qua là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp nhận có tính sàng lọc. Thứ nhất, phải bảo đảm công ty FDI sẽ tạo việc làm cho lao động địa phương, đồng thời có thể đào tạo và chuyển giao nghệ. Nếu các công ty Trung Quốc chỉ đưa thiết bị lạc hậu, công nhân, chuyên gia của họ sang Việt Nam, có nghĩa họ chỉ “mượn” Việt Nam để né các chính sách của Mỹ hoặc châu Âu.
Vì vậy, phải kiên quyết từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng cần cảnh giác tránh trở thành “xưởng gia công” cho doanh nghiệp Trung Quốc mượn thương hiệu để xuất khẩu vào phương Tây.
Để làm được điều này, Việt Nam cần “nâng cấp” bộ tiêu chí về môi trường, tài nguyên, công nghệ, quy chuẩn, quy cách sản phẩm… Đồng thời, cần có các quy định cấm các tổ chức, cá nhân Việt Nam đứng tên hộ trong các giao dịch về đất đai, bất động sản, cũng như kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong các dự án bất động sản… Song song đó, Việt Nam cần ưu tiên thu hút dòng vốn vào lĩnh vực mình đang cần.
Theo Vĩnh Cẩm/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này