
12:04 - 24/02/2016
Chuyển giao thế hệ doanh nhân Việt, những ngã rẽ lý thú
Một lớp trẻ còn ít kinh nghiệm nhưng bù lại được đào tạo quản trị hiện đại trong môi trường khá “phẳng” đang mang lại cho chúng ta “tín hiệu xanh” về những doanh nghiệp hội nhập thành công.
Cuộc chuyển giao thế hệ của “ông chủ chân đất” miền Tây Phạm Văn Bên coi như đã thành công. Năm người con ông không chỉ tiếp quản sáu nhà máy và khu resort mới mở, một tấm lòng nhân hậu thăm thẳm suốt 30 năm từ người cha… mà còn giúp ông đưa nghiên cứu, công nghệ hiện đại của thế giới vào nông nghiệp một cách bài bản, hiệu quả.
Phạm Minh Thiện, giám đốc điều hành Cỏ May chia sẻ về ước mơ lớn biến Mekong “đen” với đất, nước, giống đều bị nhiễm độc… thành Mekong xanh của anh.
“Khi trở về với cơ ngơi quá lớn của cha mẹ, cảm nhận đầu tiên của tôi là về lòng tốt, sự tử tế nơi mình làm việc. Sự tử tế bắt đầu từ hai phía, từ lãnh đạo đối với người lao động và từ người lao động đối với lãnh đạo”.
“Nhiều khi anh kỹ sư bất chấp mưa gió, đêm hôm, đội mưa chạy một 20 cây số đến nhà máy sửa, mặc dù chẳng ai biết. Được làm thành viên trong doanh nghiệp mà chữ tình rất đầy, rất lớn khiến tôi cảm thấy tự hào, động lực cống hiến đẩy lên rất nhiều”.
“Khả năng tới đâu đóng góp tới đó, ngày qua ngày, điều kiện và cơ hội cống hiến thuận lợi hơn. Đầu tư lớn cho nhà máy chiết xuất hợp chất Gamma Oryzanol từ cám gạo, chúng tôi có sẵn nhiều lợi thế để triển khai, dù đây là lãnh vực rất mới mẻ”.
“Sự táo bạo này sẽ có nhiều rủi ro, nhưng đó là rủi ro cần thiết. Nếu ngại rủi ro, không dám dấn thân, không thể tạo ra những giá trị gia tăng tốt hơn. Chiến lược phát triển nông nghiệp, yếu tố khoa học công nghệ, đó là nền tảng, là hướng đi cho Cỏ May sắp tới”.
Còn rất nhiều câu chuyện để kể… Như nữ tướng nhà Biti’s Vưu Lệ Quyên chẳng hạn. Ông Vưu Khải Thành, tổng giám đốc Biti’s đã giao công việc “nâng niu bàn chân Việt” cho cô con gái của mình là Vưu Lệ Quyên.
Quyên hiện là phó tổng giám đốc của Biti’s và đang là chủ của thương hiệu thời trang mới Gosto.
Hay hai anh em nhà họ Lê là Lê Diệp Kiều Trang và Lê Trí Thông của nhà ông Lê Văn Trí, cựu phó tổng giám đốc Casumina, cũng thành tích lẫy lừng.
Trang là thủ khoa của rất nhiều trường từ Việt Nam đến Anh hay Mỹ, đã khởi sự bằng công nghệ với chồng mình là Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ) với Misfit Wearables, công ty về thiết bị công nghệ có thể đeo được vừa bán lại cho hãng đồng hồ Fossil giá 260 triệu USD.
Anh trai của Trang là Lê Trí Thông giữ chức vụ lãnh đạo nhiều công ty lớn, từ ngân hàng Ðông Á, Boston Consultant Group và hiện là phó tổng giám đốc Prudential Việt Nam.
Những ngã rẽ cuộc đời đã khiến cho Nguyễn Hồng Trang đang học trường sư phạm với ước mơ làm cô giáo thì lại quay sang hướng khác để trở thành tổng giám đốc.
Không hề dự tính kế nghiệp mẹ (bà Nguyễn Thị Sơn, người mà tên tuổi gắn với Legamex), nhưng Nguyễn Hồng Trang sau nhiều ngày phụ tá mẹ làm việc với đối tác Nhật Bản, đã được “chấm” làm việc điều hành doanh nghiệp may Sơn Kim của gia đình.
Rất nhiều các câu chuyện về truyền nghề và kế nghiệp đang được các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng. Nếu để ý sẽ thấy rằng trong thời gian gần đây, ông chủ Mỹ Hảo là Lương Vạn Vinh thường hay dẫn cậu con trai lớn của mình là Lương Tuấn Hùng tham gia các hoạt động.
Ông Vinh có bảy người con, vẫn quyết giữ cơ nghiệp của mình dù có nhiều lời chào mua hấp dẫn, và truyền lại cho con cháu.
Bà Nguyễn Thị Ðiền, tổng giám đốc An Phước, thì đòi hỏi khắc nghiệt cậu con trai phải bắt đầu từ nhân viên kinh doanh.
Hoàng Phi – Hương Xuân
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này