14:46 - 13/10/2023
Trung Quốc lo ngại khủng hoảng từ sự suy thoái chứng khoán hoá
Sự suy thoái của chứng khoán đảm bảo bằng tài sản tại Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại về sự lặp lại của năm 2008, khi các sản phẩm không rõ ràng có thể gây ra hiệu ứng domino.
Triển vọng kinh tế của Trung Quốc hiện nay đang được đánh giá là rất phức tạp, do sự gia tăng của các công cụ tài chính giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro trong thời điểm thuận lợi, nhưng lại đẩy nhanh sự suy thoái khi thị trường giá giảm.
Một phán quyết gần đây của tòa án ở Thượng Hải về vụ gian lận chứng khoán đảm bảo bằng tài sản đang phát đi cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của lĩnh vực này.
Chứng khoán bảo đảm bằng tài sản được giới thiệu ở Trung Quốc vào năm 2005 trong một chương trình thí điểm, nhưng kế hoạch này đã bị đình chỉ vào cuối năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra. Tuy nhiên, xem chứng khoán hóa là một nguồn tài chính thay thế quan trọng, nên Bắc Kinh đã tiếp tục chương trình này vào năm 2012 sau khi ban hành quy định toàn diện hơn.
Theo phân tích của Đại học Thanh Hoa, mặc dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khai nhưng chứng khoán đảm bảo bằng tài sản đã phổ biến ở Trung Quốc, với mức phát hành đạt đỉnh 494,7 tỷ USD (3.100 tỷ Nhân dân tệ) vào năm 2021 trước khi giảm xuống còn 292,4 tỷ USD vào năm ngoái.
Ba quý đầu năm nay, mức phát hành 242,8 tỷ USD tính theo năm đã khẳng định sự chậm lại của mô hình này. Trong đó, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp nhà ở chiếm loại tài sản lớn nhất, tiếp theo là tín dụng tiêu dùng.
Người đứng đầu Strategic Communications LLC James David Spellman – một công ty tư vấn có trụ sở tại Mỹ cho rằng, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản của Trung Quốc có quy mô lớn thứ hai sau Mỹ, vẫn chủ yếu là thị trường nội địa, với cả tài sản thế chấp và trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ.
Hầu hết các sản phẩm được giao dịch trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng Trung Quốc, nơi các nhà đầu tư chủ yếu là các tổ chức tài chính địa phương. Nhưng việc nắm giữ chéo lượng lớn của các ngân hàng đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau đáng lo ngại, điều này có thể gây ra hiệu ứng “domino” khi rắc rối nổ ra.
Cùng với đó, ngày càng có nhiều sáng kiến xanh đang khai thác phương tiện này. Dòng doanh thu từ giao thông công cộng và cho thuê các cơ sở năng lượng tái tạo nằm trong số các lĩnh vực được chứng khoán hóa. Các nhà phân tích dự đoán rằng, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” cuối cùng cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng và Bắc Kinh đã có những kế hoạch lớn đối với chứng khoán đảm bảo bằng tài sản trước thời kỳ suy thoái.
Tuy nhiên, khối lượng chứng khoán đảm bảo bằng tài sản của Trung Quốc rất nhỏ (chiếm khoảng 27%) so với bảng cân đối kế toán tổng hợp của các tổ chức tài chính và tập đoàn nước này.
“Vấn đề cần quan tâm ở đây là tại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản đã đóng một vai trò to lớn trong việc đẩy nhanh hàng loạt rắc rối, trong đó giá trị của chứng khoán đảm bảo bằng tài sản sụp đổ chỉ trong vài giờ và các ngân hàng đầu tư cũng như thị trường tín dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sự phức tạp của chứng khoán đảm bảo bằng tài sản khiến việc đánh giá tổn thất trở nên khó khăn, làm tăng thêm sự mất niềm tin vào thị trường tài chính. Nguyên nhân của những vấn đề đó là giá trị chứng khoán đảm bảo bằng tài sản đã bị thổi phồng do những dự đoán về dòng tiền quá lạc quan. Rủi ro tập trung quá mức vào bất động sản.
Đến hiện tại ở Trung Quốc, rắc rối tiềm tàng có thể bắt đầu từ vấn đề thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản sau nhiều năm vay mượn liều lĩnh và xây dựng quá mức. Sự lan tỏa sang nền kinh tế rộng lớn hơn là không thể tránh khỏi, mặc dù một số lưu ý rằng chất lượng tín dụng của chứng khoán đảm bảo bằng tài sản của Trung Quốc cao hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008”, ông James David Spellman phân tích.
Chia sẻ trên SCMP, hai vị Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Thanh Hoa cho rằng, các chính sách của Bắc Kinh có thể đang mất tập trung vào việc nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp thanh khoản. Chúng thường bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn kích thích tăng trưởng kinh tế như đã thấy trong việc nới lỏng định kỳ các quy định về chứng khoán đảm bảo bằng tài sản.
Sau đó lại là những điều chỉnh để hạn chế rủi ro. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cho thấy, sự thu hẹp trong việc phát hành chứng khoán bảo đảm bằng tài sản dường như báo trước một điều gì đó sắp xảy ra trên thị trường…
Theo Diễm Ngọc/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này