12:23 - 15/12/2016
Trung Bộ tiếp tục lũ chồng lũ trong 10 ngày tới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, gió mùa Đông Bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông tiếp tục gây mưa đến hết ngày 17/12 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa trên 200mm, riêng các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to (300-400 mm/đợt).
Từ ngày 18/12, mưa vừa, mưa to có xu hướng mở rộng xuống phía Nam và duy trì ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ đến khoảng ngày 20/12.
Mưa kéo dài khiến lũ trên các sông ở nam Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi đến Phú Yên, hạ lưu sông Thu Bồn tiếp tục lên, các sông ở Thừa Thiên-Huế có khả năng lên lại. Tình trạng ngập lụt xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên, đặc biệt tại các huyện Hương Trà, Phong Điền, Bình Điền, Phú Lộc, Quảng Điền, Thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế), Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Tiên Phước, Nông Sơn, Bắc Trà My (Quảng Nam), Minh Long, Nghĩa Hành, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Đức Phổ (Quảng Ngãi), An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước (Bình Định), Sông Cầu, Tuy An, Sơn Hòa (Phú Yên).
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên.
Quảng Ngãi ngập sâu
Mưa lớn trong đêm 14/12 đã làm một số đoạn của các tuyến đường chính ở thành phố Quảng Ngãi như Hùng Vương, Phan Bội Châu, Nguyễn Tự Tân, Phan Đình Phùng, Chu Văn An… bị ngập sâu, người dân không thể đi qua lại đoạn đường này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hành, Bùi Đình Thời cho biết mưa lớn trong đêm qua đã làm ngập nước một số tuyến đường liên xã, liên thôn làm chia cắt một số khu dân cư như thôn Kim Thành (xã Hành Dũng), thôn Phú Khương (xã Hành Tín Tây).
Hiện huyện đang tích cực triển khai các phương án ứng phó và thông báo cho dân để thực hiện phòng chống lũ kịp thời.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, đêm 14 đến sáng 15/12, lũ trên các sông trong tỉnh lên cao. Dự báo đến trưa và chiều nay, lũ trên các sông có khả năng lên ở mức cao.
Bình Định: Nguy cơ vỡ hồ chứa nước
Mưa lớn trong nhiều ngày qua đã khiến hàng loạt hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bình Định trong tình trạng nguy cấp bởi các hồ đều đã đầy, phải xả tràn để cứu hồ.
Nhiều khu dân cư sống vùng hạ du các hồ chứa vô cùng lo lắng khi sống dưới những túi nước khổng lồ, những đoạn đê bị sạt lở, đe dọa đến an toàn và tính mạng của người dân.
Hồ chứa nước Đập Cùng nằm ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định với sức chứa 360.000 m3 nước đang trong tình trạng nguy cấp.
Mưa lớn trong suốt hơn một tháng qua làm hồ chứa này ở trong tình trạng no nước, khiến cho thân đê bị sạt lở nghiêm trọng.
Ở phần chân đập hồ chứa xuất hiện nhiều vị trí thẩm thấu; một lượng lớn nước trong hồ đã rò rỉ qua thân đê. Với tình hình hiện nay thì hồ chứa nước này được tỉnh Bình Định xác định có nguy cơ bị vỡ nếu không kịp thời gia cố khẩn cấp.
Ngay trong chiều 14/12, sau khi đi kiểm tra, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã yêu cầu địa phương khẩn trương huy động lực lượng, dùng 3.000 bao tải cát gia cố tạm thời các điểm sạt lở, đồng thời tháo nước để tránh tình trạng vỡ đê.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho biết toàn tỉnh Bình Định có 166 hồ chứa nước, hầu hết các hồ chứa đều được xây dựng từ những năm 80-90, trong đó có 44 hồ chứa đang trong tình trạng nguy cấp.
Hiện các hồ này đã bị thẩm thấu nước qua thân đập và chảy về hạ lưu. Đây là một trong những nguyên nhân đe dọa vỡ đập.
Ngoài ra, tất cả các hồ chứa đều có nguy cơ nước dâng cao, tràn qua đập đất, nguy cơ rất lớn có thể dẫn đến vỡ đập.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện và chủ các hồ chứa nước phải tăng cường kiểm tra thân đập để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.
Hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh đang thống kê và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương đầu tư, sửa chữa các hồ chứa đang trong tình trạng nguy cấp này.
Trước mắt, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện phải tập kết bao tải cát sỏi để gia cố các thân đập, chủ các hồ chứa nước phải có người ứng trực 24/24 giờ để kịp thời cảnh báo và ứng phó nếu xảy ra tình huống xấu.
Các phương án di dời dân và gia cố các hồ chứa đang bị mưa lũ đe dọa cũng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đặt ra.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho biết tỉnh vừa quyết định phân bổ 1.108 tấn gạo hỗ trợ của Trung ương cho 11 huyện, thị trong tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt và hạn hán mất mùa năm 2016.
Đối tượng được nhận cứu trợ thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt và hạn hán mất mùa năm 2016, ưu tiên xét các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để cứu trợ trước; mỗi nhân khẩu được cấp 15kg gạo.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với Cục dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình và các địa phương tổ chức tiếp nhận và phân bổ khẩn cấp số gạo nêu trên đến các hộ dân đảm bảo đúng đối tượng được hỗ trợ theo quy định.
Liên tiếp 4 đợt mưa lũ vừa qua khiến hàng ngàn căn nhà ở tỉnh Bình Định bị ngập sâu, nhiều khu dân cư bị cô lập trong nhiều ngày.
Mưa lũ đã làm gần 400 căn nhà bị sập, 17 người chết, 5 người bị thương, gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồng.
Bước đầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị Trung ương hỗ trợ 300 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất.
Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này