10:05 - 26/10/2023
Siết chặt công nghệ, ‘con dao hai lưỡi’ với châu Âu
Sự háo hức của Châu Âu trong việc điều chỉnh các công ty công nghệ toàn cầu theo ý mình có thể gây tác dụng ngược cho nền kinh tế.
Vào tháng 7 vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đưa ra một chương trình nghị sự chiến lược mới cho một khái niệm công nghệ mới – vũ trụ ảo (metaverse), bổ sung cho một loạt các quy định cũ như Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh Châu Âu.
Các đạo luật mới nhằm vào các công ty công nghệ và thương mại internet thể hiện nỗ lực lớn của EU trong xây dựng các khuôn khổ quản lý cho thế giới công nghệ tương lai. Thế nhưng, các chuyên gia đang lo ngại rằng Châu Âu đang đi lạc hướng trong các thảo luận chính sách về công nghệ mới và tạo ra các tác động ngược.
Bất chấp sự quan tâm sát sao, xét về mức độ hiệu quả, châu Âu dường như đang tụt lùi so với thế giới. Trong số 50 công ty công nghệ lớn nhất thế giới, có 36 công ty Mỹ, 10 của khu vực Đông Á. Chỉ có 03 công ty châu Âu: Schneider Electric của Pháp, SAP của Đức và ASML của Hà Lan.
Trong giới khởi nghiệp, trong số 51 công ty khởi nghiệp kỳ lân toàn cầu có giá trị từ 10 tỷ USD trở lên, có 30 công ty Mỹ, 12 công ty Đông Á, 4 công ty có trụ sở tại Anh và chỉ một công ty duy nhất đặt tại EU.
Điều này đặt ra một dấu hỏi về tác động của những chính sách kiểm soát của châu Âu đối với sự phát triển của các công ty công nghệ. Liệu cách tiếp cận quy định công nghệ của Châu Âu có ngăn cản lục địa này xây dựng thành công lĩnh vực công nghệ của riêng mình hay không?
Theo các chuyên gia, châu Âu rõ ràng không phải là nơi thiếu các nhân tài. Có rất nhiều người châu Âu đã thành lập các công ty công nghệ thành công, như Stripe, WhatsApp hay Google. Vấn đề là tất cả những người sáng lập đó đều chuyển đến Hoa Kỳ trước khi thành lập công ty của mình.
Báo cáo “Tình hình Công nghệ Châu Âu 2023” của Atomico cho thấy, quy mô toàn bộ ngành công nghệ Châu Âu đang ở mức 3 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, chỉ riêng Apple của Mỹ đã có giá trị 2,7 nghìn tỷ USD.
Các nhà phân tích cho rằng, trong khi các quy định ở Mỹ tương đối tự do, thì châu Âu không chỉ thất bại trong việc khuyến khích mà còn đang đi tới siết chặt nhiều hơn. Ông Jeremiah Johnson, nhà đồng sáng lâp của Trung tâm vì Chủ nghĩa Tự do Mới thậm chí nhận định, “lịch sử ban hành luật công nghệ quan trọng của EU đầy rẫy những nguyên tắc pháp lý kém chất lượng và việc thực thi kém”.
Ví dụ, GDPR tồn tại nhiều quy định gây tranh cãi, như “quyền được lãng quên” hay quy định về chuyển dữ liệu. Meta của Mỹ đã bị phạt 1,3 tỷ USD theo GDPR này.
Các dự luật mới hơn gần đây của châu Âu cũng không tạo được niềm tin cho ngành công nghiệp. Các nhóm xã hội dân sự phương Tây đã lên tiếng cảnh báo rằng DSA có thể hạn chế quyền tự do ngôn luận bằng “cơ chế khủng hoảng” mơ hồ để chặn nội dung.
Chưa kể, cấm mã hóa là một ví dụ. Đây đang là vấn đề chính phủ Anh trong nhiều năm qua muốn thúc đẩy, và gần đây đã thông qua Dự luật An toàn Trực tuyến nhằm thực hiện điều đó. Tình hình căng thẳng đến mức các công ty công nghệ lớn tuyên bố sẽ rời khỏi thị trường Anh thay vì tuân thủ.
Một quan điểm tiêu cực hơn là tư duy bảo hộ đang lên khiến các nhà lập pháp nhắm tới trừng phạt các đối thủ hơn là xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Theo DMA của EU, 22 “dịch vụ nền tảng cốt lõi” phải chịu sự giám sát chặt chẽ, trong đó 21 dịch vụ là của Mỹ, và TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Cách tiếp cận này có những hậu quả thực sự. Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp của châu Âu lo ngại rằng luật pháp của EU sẽ cản trở đầu tư và tài năng.
Dịch vụ tin tức của Google đã rời Tây Ban Nha để phản đối thuế liên kết của Tây Ban Nha. Hàng trăm trang tin tức của Hoa Kỳ đã chặn quyền truy cập của người dùng châu Âu vì họ cho rằng chi phí tuân thủ GDPR quá cao. Cho đến nay, Meta đã từ chối phát hành nền tảng mới của mình, Threads, tại EU do “sự phức tạp” về mặt pháp lý, hay ứng dụng X của Elon Musk—trước đây gọi là Twitter—đang xem xét rời khỏi thị trường EU.
Nghiên cứu cho thấy khoảng cách giữa các công ty công nghệ châu Âu và Mỹ là một trong những lý do cốt lõi khiến châu Âu có lợi nhuận thấp hơn, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thấp hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn Mỹ. Cùng với đó, các rào cản pháp lý mới của Châu Âu có thể đưa ngành công nghệ châu lục tiến tới một thế giới chia rẽ hơn là thu hẹp khoảng cách giữa các lục địa.
Theo Trường Đặng/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này