10:39 - 20/06/2023
Quan hệ Mỹ – Trung sẽ ra sao sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?
Giữa lúc quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục “nổi sóng”, Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến công du tới Bắc Kinh với những mục tiêu khiêm tốn nhưng quan trọng.
Chuyến thăm Trung Quốc ngày 18/6 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh dấu cột mốc đáng chú ý trong quan hệ đang ngày càng băng giá giữa hai nước. Vậy mục đích của chuyến đi này là gì khi chưa bên nào có dấu hiệu “xuống thang” trong các vấn đề tranh cãi?
Mỹ muốn “hàn gắn” kênh liên lạc
Chuyến đi dự kiến hồi tháng 2/2023 của ông Bliken đã đột ngột bị hủy bỏ sau sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay vào không phận Mỹ. Sau đó, hai quốc gia liên tục đáp trả nhau trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại cho tới ngoại giao.
Tuy nhiên với sự kiện này, giới chuyên gia cho rằng mục đích cốt lõi của ông Blinken sẽ là “thiết lập lại các tương tác ngoại giao dưới bất kỳ hình thức nào”.
Vào tháng 5 vừa qua, “tảng băng” quan hệ Mỹ- Trung bắt đầu có dấu hiệu được phá vỡ khi quan chức hai bên gặp nhau tại Vienna (Áo). Nhưng sự kiện mới nhất sẽ đánh dấu ông Blinken là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden công du Trung Quốc, đồng thời cũng là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Bắc Kinh kể từ tháng 10/2018.
Phó Trợ lý Tổng thống, Điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, ông Kurt Campbell, đã nhận định bây giờ là thời điểm tốt để nói chuyện lại vì điều đó sẽ làm giảm nguy cơ xung đột Mỹ- Trung.
Tuy nhiên, thách thức đối với ông Blinken là không nhỏ, trước phản ứng có phần lạnh nhạt của Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang tiếp tục đổ lỗi cho Mỹ về mối quan hệ đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay, thay vì nói đến các khía cạnh hợp tác.
Xoa dịu xung đột thương mại
Mối quan hệ của Tổng thống Mỹ Biden với Trung Quốc bắt đầu không mấy suôn sẻ, một phần vì ông khó có thể bãi bỏ các biện pháp thương mại cứng rắn do người tiền nhiệm Donald Trump ban hành, như hàng tỷ USD thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.
Cùng với thái độ thù địch với Trung Quốc trong lưỡng đảng Mỹ gia tăng, ông Biden thậm chí còn siết chặt hơn nữa trong một số lĩnh vực đối với Trung Quốc nhằm chứng tỏ vị thế của Mỹ, bao gồm việc hạn chế xuất khẩu chip máy tính của Mỹ sang Trung Quốc. Đáp trả, Bắc Kinh ban hành lệnh cấm đối với chip của Micron – nhà sản xuất lớn nhất Hoa Kỳ.
Với những tiếp xúc trực tiếp giữa Ngoại trưởng Mỹ và hàng loạt quan chức Trung Quốc, chính phủ Mỹ kỳ vọng có thể tạo không gian làm rõ những khúc mắc hoặc mở ra những không gian trao đổi mới.
Ông Kurt Campbell cho biết Hoa Kỳ vẫn sẽ bảo vệ các chính sách của mình, giải thích cho Trung Quốc những gì Mỹ đã làm cho đến nay và những gì có thể mở ra phía trước. Theo giới quan sát, công nghệ máy tính khó có thể là lĩnh vực được hai bên chia sẻ, nhưng chống buôn bán ma túy có thể mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn.
Hoa Kỳ muốn hạn chế nhập khẩu các hóa chất do Trung Quốc sản xuất được sử dụng để sản xuất fentanyl – một loại ma túy tổng hợp mạnh hơn nhiều lần so với heroin. Tỷ lệ tử vong do dùng thuốc quá liều ở Mỹ liên quan đến fentanyl đã tăng hơn gấp ba lần trong 7 năm qua.
Ngoài ra, các cuộc tiếp xúc trực tiếp cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tiến bộ trong một số vấn đề kỹ thuật và thương mại, như chuẩn bị cho Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco vào tháng 11/2023.
Chuyến đi của ông Blinken cũng có thể mở ra cơ hội cho những quan chức khác mà Trung Quốc muốn tiếp xúc nhiều hơn, như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và đặc phái viên về khí hậu John Kerry.
Ngăn chặn xung đột
Sau sự cố khinh khí cầu, nhiều nguồn tin cho rằng Trung Quốc đang cân nhắc gửi vũ khí hoặc các trang thiết bị để Nga sản xuất vũ khí cho cuộc xung đột. Điều này khiến giới chuyên gia lo ngại chiến sự Nga – Ukraine có thể trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Với cuộc gặp này, chính phủ Mỹ kỳ vọng ông Blinken có thể gửi tới Bắc Kinh những thông điệp về hậu quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc hỗ trợ quân sự và tài chính cho Nga.
Bên cạnh đó, nguy cơ tính toán sai lầm dẫn tới đối đầu giữa hai cường quốc cũng đang tăng trên Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. Nếu không có một kênh liên lạc chính thức cấp cao, rủi ro là không thể tránh được.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và đoàn ngoại giao cũng đã nói rằng một mục tiêu của chuyến đi này là “giảm thiểu rủi ro” cho căng thẳng và nối lại đường dây liên lạc là điểm bắt đầu.
Đạt được nhiều hơn những mục tiêu này có thể là một nhiệm vụ khó khăn vào lúc này – với các luận điệu căng thẳng nhắm vào nhau chưa có dấu hiệu giảm bớt. Do đó, với Mỹ, thuyết phục Trung Quốc nối lại các kênh liên lạc về thương mại, quân sự và ngoại giao sau chuyến thăm này đã có thể coi là một kết quả khả quan.
Theo Trường Đặng/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này