09:48 - 08/01/2024
Nhiều thành phố ngày càng ‘yếu ớt’ trước biến đổi khí hậu
Vào năm 2050, hơn 2/3 dân số toàn cầu sẽ cư ngụ tại các thành phố. Bởi vậy, các khu vực thành thị sẽ đóng vai trò là tuyến đầu của nhân loại trước những thách thức khó lường của khí hậu đang ngày càng thường xuyên và tàn khốc hơn.
“Vật lộn” với nắng nóng
Theo báo cáo Chỉ số Chống chịu của các Đô thị (RCI) mới đây được Economist Impact công bố, rất ít thành phố an toàn trước các đợt nắng nóng trong tương lai khắc nghiệt hơn. Không chỉ vậy, sự chênh lệch về năng lực chống chịu giữa các thành phố trên toàn cầu tỷ lệ thuận với mức thu nhập – cho thấy những bất ổn ngày càng tăng về môi trường, xã hội và kinh tế cho các nước nghèo hơn.
Dựa trên hơn 40 khía cạnh về khả năng phục hồi, báo cáo đã xếp hạng 25 thành phố dựa trên năng lực ứng phó với các hiện tượng cực đoan. Theo đó, Mỹ có 2 thành phố đứng đầu trong danh sách (New York và Los Angeles), tiếp theo là London (Anh), Singapore, Paris (Pháp). Những cái tên có chỉ số thấp nhất là New Delhi, Jakarta, Cairo, Dhaka, và Lagos.
Khả năng ứng phó với nắng nóng đang là vấn đề được nhiều quốc gia và chính quyền thành phố quan tâm. Nhiều nơi trên thế giới đã trải qua các đợt nắng nóng kỷ lục khiến hàng nghìn người thiệt mạng, mất sinh kế và phải di tản. Nhưng trong những năm tới, giới khoa học cảnh báo mức nhiệt sẽ không dừng ở lại đây.
Có những nơi giàu có nhưng không hề được đánh giá cao về tiêu chí này, điển hình như Thượng Hải (Trung Quốc) lại nằm trong số năm thành phố xếp cuối bảng về khả năng hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất. Thành phố này đã hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục trong hơn một thế kỷ vào tháng 5 năm 2023.
Giải pháp đã được nhiều thành phố xếp hạng cao đưa ra. Phần lớn chính quyền các thành phố này đều có kế hoạch chi tiết về vấn đề nắng nóng hoặc đã điều chỉnh quy hoạch phù hợp với những thách thức căng thẳng dự kiến, bao gồm từ việc điều chỉnh cơ sở hạ tầng đến bổ nhiệm nhân sự, chẳng hạn như giám đốc phụ trách nhiệt lượng.
Từ Miami, Melbourne, Dhaka hay Athens, ngày càng nhiều thành phố có giám đốc cơ quan quản lý nhiệt độ, những người điều phối ứng phó khẩn cấp với các đợt nắng nóng (chẳng hạn như thiết lập các trung tâm làm mát và phân phối nước) và lên kế hoạch cho các biện pháp thích ứng.
Các biện pháp can thiệp mang tính cơ cấu để giảm nhiệt độ đô thị bao gồm tối đa hóa không gian xanh và xây dựng bóng mát nhân tạo. Dự án “Làm mát Singapore” đã phát triển lộ trình giải quyết tình trạng nóng bức ở đô thị bằng cách kết hợp nhiều thảm thực vật hơn, bổ sung thêm các tính năng nước hoạt động như bể làm mát và xây dựng các cấu trúc bóng mát cố định và có thể di chuyển được.
Các thành phố không có kế hoạch lại đều nằm ở các thị trường mới nổi, được chỉ ra là bởi thiếu nhận thực đầy đủ từ chính quyền địa phương và không đủ các nguồn lực cần có.
Nỗi khổ bất bình đẳng
Theo các chuyên gia, chỉ số này là một ví dụ rõ ràng về câu chuyện khủng hoảng khí hậu là một trong những vấn đề bất bình đẳng rõ nét nhất. Các thị trường thu nhập thấp tiếp tục phải vật lộn với các vấn đề cơ bản, như nghèo đói, cơ sở hạ tầng quan trọng xuống cấp, bao gồm cả nguồn cung nước và điện không đầy đủ.
Mối đe dọa cao nhất về nắng nóng lại tập trung ở một số nơi ít được chuẩn bị nhất để đối phó, như Cairo (Ai Cập) hay Dhaka (Bangladesh). Theo các chuyên gia, rủi ro phần lớn là do thiếu các kế hoạch làm mát toàn diện, cộng với việc thiếu điều hòa không khí rộng rãi và hệ thống chăm sóc sức khỏe kém hiệu quả.
Ở Ấn Độ, gần 323 triệu người sẽ phải đối mặt với nắng nóng cực độ, ngay cả khi ở trong nhà, theo tổ chức Năng lượng Bền vững cho Tất cả được Liên hợp quốc hậu thuẫn. Cục thống kê nước này ước tính chỉ có khoảng 12% người dân sống ở khu vực thành thị sở hữu máy điều hòa không khí.
Những yếu tố này phổ biến ở các thị trường thu nhập thấp, cản trở khả năng thích ứng và phát triển của thành phố, tạo ra hố sâu ngăn cách giữa người có và người không có. Riêng châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai năm ngoái với 81 thảm họa được ghi nhận liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước.
Các thành phố châu Á như Bangkok, Cairo, Jakarta và New Delhi xếp hạng cuối cùng về khả năng đối phó với nắng nóng, nhưng GDP bình quân đầu người của họ chỉ dao động trong khoảng từ 2.400 USD đến 6.900 USD/năm. Ngược lại, Thành phố New York, nơi đứng đầu về khả năng phục hồi tổng thể, có GDP bình quân đầu người hơn 76.000 USD/năm – cho thấy một bài toán tài chính khó có thể san bằng nếu không có sự cam kết mạnh mẽ hơn của các nước đi đầu.
Theo Trường Đặng/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này