15:09 - 25/08/2015
Nghèo có nước… chờ chết!
Liên bộ Y tế – Tài chính sắp ban hành thông tư điều chỉnh giá hàng ngàn dịch vụ y tế, trong đó tính thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và cả tiền lương của nhân viên y tế. Mấy tuần qua, không ít người lo lắng.
Nghèo là… có tội!
“Nghèo thì đừng có mơ được… hồi sức”, có lẽ đó là suy nghĩ của không ít người ở TP.HCM. Bởi với mức phí hiện nay họ đã khó có khả năng “gồng gánh” điều trị bệnh cho bản thân cũng như người nhà, huống chi tăng thêm nữa thì chỉ còn nước chờ chết.
“Ai cũng biết, những người nghèo không nơi bấu víu dĩ nhiên phải vào những bệnh viện của nhà nước, đó là lẽ thường tình trong xã hội. Nhưng rồi, đến đó, họ cũng chẳng được yên bởi lẽ viện phí ngày mỗi ngày lại leo thang tăng tốc”, chị Nguyễn Thị Hiền, ngụ quận Bình Tân, đang nuôi mẹ chạy Thận ở bệnh viện 115 than trời.
Theo chị Hiền, sau ngày 1.6.2014, giá giường bệnh/ngày, các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm (477 dịch vụ) tăng với mức bằng 75% của khung giá do Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định, theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, đã thực sự làm cho gia đình chị khánh kiệt.
“Chi phí tăng thêm, chỉ một năm điều trị dài hạn, gia đình 4 người của tôi đã phải rời bỏ căn nhà cấp 4 để sang căn nhà trọ 15 m2, mới có thêm hơn 100 triệu điều trị cho mẹ”, chị Hiền tâm sự.
Theo chị Hiền, nếu như giờ tăng thêm viện phí nữa thì mẹ chị chỉ còn có cửa “chờ chết” chứ bản thân chị và chồng không thể kham nổi tiền viện phí.
Dĩ nhiên, tăng viện phí để việc chữa trị tốt hơn nhưng đáng tiếc đồng lương và an sinh xã hội vẫn tăng một cách khiêm tốn so với chi tiêu mỗi ngày cũng như chi phí phải trả khi nằm viện. “Nghèo là có tội thật sao”, chị Hiền, rơi nước mắt hỏi.
Không chỉ riêng chị Hiền, trước thông tin viện phí sẽ tăng, nhiều bệnh nhân đang bị bệnh nặng, cần điều trị lâu dài đã tỏ ra lo lắng vì đời sống còn nhiều khó khăn. “Đọc báo thấy tới đây sẽ tiếp tục tăng viện phí nữa. Kiểu này chỉ còn nước về nhà hốt thuốc uống, chớ không kham nổi việc điều trị bằng tây y”, bà Quất, quê Long An đang điều trị bệnh ở bệnh viện Ung bướu, chia sẻ.
Cũng theo bà Quất, nhiều khi đọc tin trên báo chí thỉnh thoảng lại thấy có người tự tử vì bệnh nặng, bà thường bảo họ là cạn nghĩ. Giờ nghĩ lại thấy đôi khi cũng có lý. “Nếu thấy nhà mình bị bán, con cái không nơi đi về. Thử hỏi người bệnh như tôi sao đành lòng nằm lại bệnh viện”, bà Quất chua chát.
Người giàu quá nhiều lựa chọn!
Trong khi người nghèo đang dần bít cừa… hồi sức!, thì người giàu ở TP.HCM đang có quá nhiều lựa chọn khi vướng phải bệnh tật.
Bằng chứng là ngay tại thời điểm này, ngành y đang đầu tư ồ ạt kể cả trong lĩnh vực công và tư nhân. Chuyện bệnh viện tư, người bệnh giàu có được hưởng “sự mát lạnh” thì không có gì phải bàn. Vì các bệnh viện này mở ra là để kinh doanh thu lãi.
Ở các bệnh viện công như Từ Dũ, Tai Mũi Họng, Trung tâm tim mạch, ung bướu,… đâu đâu cũng thấy các khoa dịch vụ khang trang sạch sẽ, cao cả chục tầng. Phòng ốc thì rộng cả vài chục mét vuông chỉ để phục vụ một bà đẻ với mức giá lên tới 1,5 – 2 triệu đồng/ ngày.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như ở các bệnh viện, trung tâm của nhà nước kể trên vẫn có chỗ ở cho bệnh nhân nghèo, hưởng bảo hiểm y tế. Đằng này ở các bệnh viện công trên, người nghèo thì phải nằm ghép (Nhi đồng là một điển hình). “Nhìn cảnh kẻ ăn không hết, người lần không ra ở các bệnh viện công thử hỏi ai không thấy chạnh lòng và thấy bất công”, anh Hoàn, một thân nhân bệnh nhân ở bệnh viện Nhi Đồng 2, tâm sự.
Anh Hoàn chia sẻ thêm: chẳng ai muốn mình phải rơi vào cảnh bệnh tật. Lỡ rơi vào rồi thì chỉ mong ngành y tế đối xử với bệnh nhân nghèo sao cho coi được. Chứ cứ như bây giờ nhìn vào thấy tủi hổ quá!
Dịch vụ y tế còn “cõng” lương nhân viên y tế
Không chỉ “gánh” khoản tiền phụ cấp trong phẫu thuật,… dự kiến từ đầu năm 2016, các dịch vụ y tế sẽ tiếp tục “cõng” thêm chi phí lương của nhân viên y tế. Theo dự thảo nêu trên, việc đưa lương vào các dịch vụ y tế chuyên khoa kéo theo dịch vụ này sẽ tăng khoảng 700.000 đến 1 triệu đồng/ca phẫu thuật loại đặc biệt (tùy chuyên khoa) và 400.000 – 600.000 đồng/ca phẫu thuật loại I.
Theo một chuyên gia y tế, việc điều chỉnh giá hàng chục ngàn kỹ thuật y tế chắc chắn sẽ tác động mạnh đến người không có thẻ BHYT nếu chẳng may ốm đau.
Hoài Thanh
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này