15:08 - 27/12/2023
Làng cà phê ở Trung Quốc hồi sinh nhờ chuyển đổi số
Cà phê làng Đằng Xung ở TP Bảo Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được trồng ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, đã được Chỉ dẫn Địa lý (GI) của Trung Quốc chứng nhận, không bị chua và công đoạn chế biến sau thu hoạch tạo ra hương vị đặc biệt.
Nhưng trong nhiều năm, sự khác biệt đó không đủ hấp dẫn để ngăn cản thanh niên địa phương rời đi. Vấn đề nằm ở câu chuyện sản lượng và giá cà phê quá thấp để nuôi sống 2.200 người dân ở Đằng Xung. Thanh niên trong làng tìm đến các nhà máy ven biển phía Nam để kiếm sống. Tuy nhiên, vài năm gần đây, một sự thay đổi lớn đang diễn ra ở khu vực núi Cao Lê Cống. Không chỉ thanh niên trong làng quay về, nhiều nhà đầu tư ngoài thành phố cũng chọn Đằng Xung là điểm đến đầu tư.
Lợi nhuận kém từ các cánh đồng cà phê đã đe dọa đến sự tồn tại của nơi được mệnh danh là quê hương cà phê Trung Quốc, khiến chính quyền địa phương phải tiến hành cải tổ quản lý. Từ năm 2013, với khoản ngân sách đầu tư 22 triệu NDT (3 triệu USD), cơ sở hạ tầng viễn thông dần được chú trọng. Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng 5G và áp dụng tính năng livestream để hiện đại hóa các phương thức canh tác; đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp ở nông thôn, nâng cao dịch vụ xã hội đã giúp người nông dân thoát nghèo.
Có 5 trạm phát sóng của China Mobile được đặt tại Đằng Xung hỗ trợ kết nối thông tin và hoạt động thương mại điện tử, cũng như giám sát môi trường cây trồng bằng Internet vạn vật (IoT). Với diện tích 906ha, sản lượng của làng Đằng Xung hiện vượt quá 4.000 tấn, trị giá 120 triệu NDT (16,79 triệu USD) và doanh thu hàng năm trên 70 triệu NDT (9,8 triệu USD). Với 4 trang trại cà phê đặc sản, làng đã thu hút 10 doanh nghiệp cà phê cùng 100.000 khách du lịch hàng năm, đạt xếp hạng Danh lam thắng cảnh du lịch 3A và Làng du lịch nổi tiếng cấp tỉnh Vân Nam.
Cà phê hạt nhỏ tại Đằng Xung đã trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn quốc và được bán với giá cao tương đương với cà phê nhập khẩu. Mô hình phát triển cà phê tổng hợp, chất lượng cao, cùng việc kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt đã giúp cà phê Đằng Xung chiếm vị trí nhất định trên thị trường nội địa. Đằng Xung hiện là nơi trưng bày các sản phẩm đặc trưng như trà cà phê anh đào, trà hoa cà phê, cà phê hạt chưa rang và bột cà phê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Giám đốc Bộ phận phát triển CNTT của Cục Quản lý truyền thông Vân Nam Tô Như Bình cho biết : “Các công nghệ như 5G, đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) đã xây dựng nền tảng để nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nông thôn. Do đó, chúng tôi mong muốn phát huy những thành công đã đạt được cho đến nay cũng như trong năm tới. Vân Nam đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, tạo ra các mạng điện tử địa phương. Không chỉ là hoạt động thương mại mà còn cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe, năng lượng, giao thông và xã hội ở khu vực nông thôn, tiếp tục đưa Đằng Xung, Bảo Sơn và các khu vực khác của Vân Nam thành một dự án kỹ thuật số làm hình mẫu cho phần còn lại của Trung Quốc và phần còn lại của thế giới”.
Theo Phương Nam/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này