
09:04 - 09/02/2017
Không say không về, những cái chết quá trẻ
Tết năm nào số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ở nước ta cũng cao. Nhưng bất chấp cảnh báo, rượu, bia vẫn chảy tràn mỗi dịp tết và sau đó là tiếc nuối.
20 giờ mồng 3 tết Đinh Dậu (30/1/2017), khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM không khác gì hình ảnh một bệnh viện dã chiến thu nhỏ. Tại căn phòng lớn của khoa, nơi khoảng 50 bệnh nhân nằm san sát nhau trên giường và băng ca, hàng chục nhân viên y tế căng thẳng làm việc. Ngưng lại đôi chút, bác sĩ Dương Thái Bình nói: “Ở đây người nào mặt mày đỏ đều là nạn nhân của rượu, bia”. Nói xong ông kéo tôi đến từng nạn nhân cho xem, họ đủ thành phần và lứa tuổi, nam có và nữ cũng có.
Quá trẻ để chết
Ở góc trong cùng phòng cấp cứu nơi có phòng chụp X-quang, D., 24 tuổi, từ bệnh viện Kiên Giang chuyển đến, nằm bất động, mặt mũi sây sát, sưng vù, chờ đến lượt vào chụp. Người nhà anh kể: “Em tôi hôm qua tụ tập với đám bạn uống rượu. Trên đường chạy xe về nhà, nó tông một người đi trước rồi bị một xe phía sau tông tiếp. Nằm một ngày ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ nói tình hình xấu nên chuyển lên đây”.
Không biết D. nặng đến mức nào, nhưng trong phòng hồi sức tích cực cạnh đó T. không còn hy vọng. Chuyển đến từ Bình Dương, T. được chụp CT đầu khẩn tại bệnh viện Chợ Rẫy. Chỉ vào tấm phim cầm trên tay, bác sĩ trực nói với người nhà: “Máu tụ trong đầu và chèn ép não quá nhiều. Mới vào đây chỉ số Glasgow được 7 điểm, nhưng giờ đây còn 3 điểm, trường hợp này xem như hết cứu”.
Một cô gái trẻ là chị nạn nhân thẫn thờ khẩn khoản: “Xin bác sĩ cứu em tôi, bao nhiêu tiền cũng được”. Người bác sĩ nói: “Giờ cô có cho tôi 1 tỉ đôla tôi cũng không cứu được”. Nghe thế, cô gái bật khóc.
Trong khi chờ người nhà làm thủ tục đưa xác T. về, tôi hỏi một người đi cùng vì sao T. bị như thế. Anh nói: “Nó đi chơi với bạn, tết nhất cũng uống chút chút và bị xe đụng trên đường”. Không dám hỏi T. bao nhiêu tuổi, nhưng liếc nhanh qua giấy nhận xác tôi cũng kịp nhìn thấy anh sinh năm 1996. Năm nay 21 tuổi, T. chết quá trẻ và chết vì tai nạn giao thông do rượu, bia, cả một tương lai rộng mở bỗng sụp đổ.
Khó biết trong số hàng trăm bệnh nhân vào cấp cứu tối mồng 3 tết tại bệnh viện Chợ Rẫy có bao nhiêu người bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia, nhưng chắc chắn phải nhiều hơn thường ngày. “Ngày tết ai cũng uống rượu, bia, nhưng dùng xong để vào đây, thay vì về với người thân thì thật đáng tiếc”, bác sĩ Bình nói.
Tiếc nuối muộn màng
Thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015 cho thấy 5 quốc gia đứng đầu thế giới về tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia là Nam Phi (58%), Canada (34%), Mỹ (31%), Úc (30%), Pháp (29%). Không có Việt Nam trong số này, nhưng với mức tiêu thụ rượu, bia “vô địch thế giới” của người Việt vài năm qua, có lẽ chẳng mấy chốc nước ta cũng lọt vào tốp đầu.
Tại buổi trao đổi với báo chí về tác hại rượu, bia hồi cuối năm qua, tiến sĩ Trương Đình Bắc, phó cục trưởng cục Y tế dự phòng, cho biết lượng rượu, bia sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam tăng “chóng mặt”, từ 2.400 triệu lít bia và 59 triệu lít rượu công nghiệp năm 2010 tăng lên 3.400 triệu lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu năm 2015.
Trong khi đó, theo báo cáo của uỷ ban An toàn giao thông quốc gia vào tháng 6.2016, rượu, bia là nguyên nhân gây ra 70% số vụ tai nạn giao thông, gây thiệt hại 250 tỉ đồng/ngày và 2,9% GDP/năm thông qua các vụ tai nạn giao thông. Dựa theo con số này, nếu cả nước một ngày không có tai nạn giao thông do rượu, bia, xã hội tiết kiệm được tiền đủ để xây dựng 25 trường trung học cơ sở mới, mỗi trường có mười phòng học hoặc 50 trạm xá vùng núi, mỗi trạm có 12 phòng làm việc.
Và còn nhiều chữ “nếu” với người trong cuộc. Ngồi ở cửa sau khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy tối mồng 3 tết chờ nghe tin tức chồng đang được cấp cứu, bà X., Việt kiều từ Mỹ về ăn tết, lo lắng thở dài: “Ngày mốt ổng cùng chúng tôi về bên đó. Thường ngày hầu như không đụng giọt rượu nào, về đây uống làm chi mà ra nông nỗi”.
Chồng bà X. là một trong số những người nằm trong phòng hồi sức tích cực, nơi tiếp nhận bệnh nhân bất ổn về dấu hiệu sinh tồn (huyết áp, nhịp thở, nhịp tim, tri giác…). Phòng kê mười băng ca, nhưng bốn trong đó là nạn nhân của rượu, bia, tất cả đều mê man, thở bằng ống nội khí quản.
Cũng ở khu vực chờ thông tin, chị N., đến từ Hậu Giang, ngồi ôm bọc đồ cá nhân, bơ phờ mệt mỏi chờ tin chồng cấp cứu bên trong. Chị nói: “Hôm qua ổng hứa đưa tôi và hai đứa con về ngoại chơi, nào ngờ thằng em họ rủ qua nhà uống vài ly rượu. Uống xong chạy xe về nhà thì ổng bị xe tông rồi chuyển lên đây. Nếu không ham vui giờ đây đâu phải khổ gia đình. Ổng có mệnh hệ gì, tôi và các con không biết ra sao vì ổng là người kiếm tiền chính”.
Cũng như bà X. hay chị N., những người ngồi chờ tin người thân ở cửa sau khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy đều căng thẳng, hồi hộp. Thi thoảng có người được đẩy ra để chuyển lên khoa điều trị hoặc đi mổ cấp cứu. Nhưng cũng có người được quấn toàn vải trắng để người thân mang về vì bác sĩ bó tay. Dù ở dạng nào, cái giá để trả cho việc tham gia giao thông sau khi uống bia, rượu cũng quá lớn.
bài, ảnh Phan Sơn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này