
15:00 - 26/02/2016
Khó hiểu chuyện kênh rạch lấp rồi lại đào
“Thích thì đóng, hứng lên thì mở” là bình luận của không ít người dân, chuyên gia trong các quyết sách của chính quyền TPHCM liên quan đến số phận các kênh, rạch. Các lý do nêu ra đều được cho là chính đáng.
“Phải lấp vì không tiền”
Lãnh đạo TPHCM đã chấp thuận thay thế toàn bộ tuyến rạch Bùi Hữu Nghĩa bằng cống hộp, bên trên làm đường giao thông – là thông tin được các phương tiện truyền thông tải đi sau buổi làm việc và khảo sát của ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TPHCM.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 mà quận Bình Thạnh duyệt năm 2011, rạch Bùi Hữu Nghĩa được giữ lại để chỉnh trang với hành lang bảo vệ mỗi bên 10m.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, ông Dương Hồng Thắng, phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, lại cho rằng nếu thực hiện theo quy hoạch thì chi phí giải toả 190 hộ dân sinh sống ven rạch có thể lên đến 500 – 600 tỉ đồng.
Thêm nữa hiện tại rạch đã bị lấn chiếm quá mức có nơi chỉ còn 0,3m. Do đó, hàng năm, quận Bình Thạnh phải chi 670 triệu đồng để khai thông dòng chảy. Vì vậy, theo lãnh đạo quận này, thay thế con rạch bằng cống hộp là giải pháp tốt nhất để vừa chỉnh trang đô thị vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm.
Bình Thạnh đề xuất thay rạch bằng cống hộp 2 x 2m, bên trên bố trí đường giao thông 6m. Theo phương án này, vốn ngân sách chỉ tốn khoảng 40 tỉ đồng cho chi phí bồi thường và 110 tỉ đồng cho chi phí xây lắp.
Đồng tình với ý kiến của quận Bình Thạnh, lãnh đạo trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố – đơn vị quản lý rạch Bùi Hữu Nghĩa – cho biết cuối rạch đã được thay thế bằng tuyến cống thu gom đổ vào kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nên con rạch không còn nước ra vào mà chỉ có rác và nước thải sinh hoạt của các hộ dân. Do vậy, trung tâm ủng hộ ý kiến thay thế rạch bằng cống hộp.
Phát biểu trên phương tiện truyền thông, ông Lê Văn Khoa nhận xét việc thay thế rạch Bùi Hữu Nghĩa bằng cống hộp có thể đẩy nhanh được tiến độ chỉnh trang đô thị cũng như giảm ô nhiễm, bảo đảm sức khoẻ cho người dân. Vì thế, thành phố đồng ý với đề xuất của quận Bình Thạnh.
Bài học Hàng Bàng
Kênh Hàng Bàng đã đóng rồi phải đào lên, với kinh phí khủng là 3.000 tỉ đồng – gấp sáu lần việc khơi thông và cải tạo kênh Bùi Hữu Nghĩa – mà chính quyền nói không tiền làm. Bài học lấp rạch Bùi Hữu Nghĩa, theo đó, trở nên khôi hài.
Còn nhớ 16 năm trước, cũng với lý do lấp kênh để chỉnh trang đô thị ít tốn kém nên thành phố đã chi gần 1.000 tỉ đồng cải tạo kênh Hàng Bàng, quận 6, lắp đặt cống hộp, ngăn chặn ô nhiễm.
Qua 16 năm, chính quyền và nhiều người nhận thấy cống hộp không bằng kênh hở, nên dù “đau xót” nhưng TP.HCM cũng đã “ráng” chi tới 3.000 tỉ đồng để đào lại kênh giải quyết vấn nạn ngập do nước thiếu lối thoát!
Theo KTS Nguyễn Quốc Việt, việc trả lại nguyên trạng con kênh Hàng Bàng là hoàn toàn đúng dù đó là một bài học đau xót. Nhiều năm trước đây, không riêng gì TPHCM mà rất nhiều đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long giải quyết ô nhiễm kênh rạch theo kiểu lấp kênh, đặt cống, làm đường là nhất cử lưỡng tiện.
Để rồi, khi thấy biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn, khi thấy những con kênh, con rạch xưa thực sự “sinh ra không thừa” mới hay mình… hố. “Đây là bài học nhãn tiền TPHCM đã thấy. Thế nhưng tôi không biết họ thấy tới đâu mà giờ lại quyết lấp đi con rạch Bùi Hữu Nghĩa. Làm vậy, chứng tỏ họ chẳng thấy gì ngoài… dự án”, KTS Việt bức xúc.
Theo KTS Việt, việc nạo vét, chỉnh trang lại con kênh Bùi Hữu Nghĩa tuy hiện nay tốn kém hơn so với đặt cống hộp (đó là dựa trên tính toán của quận Bình Thạnh) nhưng là việc phải làm, để tránh lâm vào vết xe đổ của con kênh Hàng Bàng.
“Phải chi khi xưa người ta cũng quyết cải tạo, chỉnh trang con kênh Hàng Bàng, tuy có thể là 2.000 tỉ đồng nhưng giờ đâu mất tới 3.000 tỉ để đào nó lên lại”, ông Việt bình luận.
Tương tự, không ít các chuyên gia trong lĩnh vực chống ngập cho rằng đã đến lúc chính quyền TPHCM cần xem việc khơi lại những con kênh đã bị lấp đi với cái lý “chỉnh trang đô thị ít tốn kém” trước đây để trả lại dòng chảy cho nước, trả lại vẻ đẹp vốn có của đô thị Sài Gòn với những con kênh xanh trong uốn lượn từ ngoại thành vô đến nội thành.
Còn nếu chưa có tiền để lại thì cái cần nhất bây giờ là TPHCM phải cải tạo lại những con kênh hở như Bùi Hữu Nghĩa cho thông thoáng, sạch đẹp chứ đừng lấp nó đi. Làm vậy là trái tự nhiên.
Công Anh – Giang Thanh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này