09:08 - 06/02/2023
Khó dự báo nguồn cung dầu trong năm 2023
Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia vừa đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga từ ngày 5/2.
Các bên nhất trí sẽ áp mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu. Đây cũng là các mức giá đã được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trước đó. Hồi tháng 12/2022, EU và G7 cũng đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển. Trong một tuyên bố mới nhất, G7 và Australia cho biết sẽ đánh giá lại về việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga vào tháng 3 tới.
Tuy nhiên, Nga đã có bước đi trước phương Tây khi ngày 30-1, Thủ tướng Mikhail Mishustin ký nghị định thực hiện sắc lệnh Tổng thống về trần giá dầu, theo đó cấm giao hàng theo hợp đồng mua bán có hạn chế về giá dầu thô.
Theo nghị định, các công ty xuất khẩu dầu mỏ, theo yêu cầu hàng tháng phải cung cấp thông tin về hợp đồng và giá bán, cũng như thông tin để xác minh rằng giá dầu không tuân theo cơ chế xác định giá tới người mua cuối cùng. Ngoài ra, cơ quan hải quan phải ngăn dầu thô rời khỏi Nga nếu họ thấy các cơ chế như vậy được áp dụng.
Trước đó, ngày 27/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu trong vòng 5 tháng, từ ngày 1/2/2023, cho các nước áp dụng trần giá dầu.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo từ tháng 4, sản lượng dầu của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày, khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu của Nga và gần 3% sản lượng dầu toàn cầu. Cơ quan này cảnh báo rằng điều này có thể tạo ra “cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập niên”.
Khó dự báo giá dầu
Trong năm 2022, bất chấp sức ép từ phương Tây, xuất khẩu dầu của Nga tỏ ra linh hoạt hơn, nhờ hoạt động cơ bản của một thị trường toàn cầu linh hoạt, cho phép chuyển hướng dòng chảy thương mại với phần nhiều sản lượng dầu thô của Nga được chuyển hướng từ châu Âu sang châu Á. Dù dầu từ Trung Đông và các khu vực khác bù vào nguồn cung dầu cho châu Âu nhưng so với mức tăng trung bình hàng năm, giá dầu thế giới năm 2022 vẫn cao hơn 43% so với năm 2021.
Phần lớn chuyên gia dự báo giá dầu cho năm 2023 đã được điều chỉnh giảm so với các ước tính trước đó, nhưng vẫn nằm trong khoảng 90-100 USD/thùng. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, dự báo về giá dầu rất kém chính xác và bất kỳ giả định nào cũng có khả năng sai lệch so với thực tế. Với tình hình địa chính trị hiện nay, sai số về dự báo giá dầu thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc và triển vọng kinh tế toàn cầu là những yếu tố liên quan chặt chẽ với giá dầu cũng rất khó đoán nhất trong năm nay.
Theo dự báo mới nhất của IEA, sản lượng dầu của Nga chỉ thấp hơn 200.000 thùng/ngày so với mức trước xung đột. Tuy nhiên, mọi thứ có thể khác trong năm nay, khi các biện pháp trừng phạt ngày càng nghiêm trọng hơn với đất nước xuất khẩu dầu lớn thứ nhì thế giới sau Saudi Arabia.
Theo Ngân hàng Thế giới, gần một nửa mức tăng trưởng tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2023 dự kiến từ Trung Quốc.
Còn Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tăng thêm 1 triệu thùng/ngày nhu cầu dầu toàn cầu (hoặc khoảng 1% lượng tiêu thụ dầu của thế giới), khiến giá dầu tăng thêm 5 USD/thùng.
Do giá dầu cao, tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao nhất trong thập niên và các ngân hàng trung ương vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mức lạm phát mà họ cho là có thể chấp nhận được.
Theo Khánh Minh/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này