21:25 - 15/12/2016
Hà Tĩnh tiêu hủy 275 tấn hải sản bị nhiễm cadimi và phenol
Sáng 15/12, UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường… tiến hành tổ chức đợt tiêu hủy số lượng hải sản bị nhiễm độc cadimi và phenol trên địa bàn huyện Lộc Hà.
Số lượng hải sản nhiễm độc được tiêu hủy lần này gồm 275 tấn, trong đó của hợp tác xã Hùng Mạnh là 49,9 tấn; hợp tác xã Thiên Phú 83,1 tấn; kho đông lạnh Toàn Tứ 70,1 tấn; kho đông lạnh Phạm Thị Nhơn 8,3 tấn; kho đông lạnh Thanh Hiền 3,8 tấn; kho đông lạnh Hội Tạo 0,9 tấn đều ở xã Thạch Kim và kho đông lạnh Cường Loan 1,8 tấn ở xã Thạch Bằng.
Số hải sản này được phát hiện nhiễm độc và niêm phong từ tháng 10/2016 khi có kết quả xét nghiệm phân tích của Viên Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Trung ương.
Sau khi kiểm tra số lượng hải sản lưu kho không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở trên địa bàn mà hội đồng kiểm kê đã niêm phong tại các kho đông lạnh trước đó, Hội đồng tiêu hủy đã cho bốc toàn bộ số hải sản lưu kho lên xe tải, niêm phong cẩn thận và vận chuyển đến bãi rác thuộc Cụm công nghiệp huyện Lộc Hà tại xã Hồng Lộc để tiêu hủy theo hình thức chôn lấp có rải vôi và phun thuốc khử khuẩn Cloramin B theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cùng ngày, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã có chuyến thị sát các cơ sở thu mua cá trong thời gian sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Đoàn đã đến các kho đông lạnh lớn trên địa bàn tại xã Đức Trạch, Thanh Khê (Bố Trạch), cảng cá Nhật Lệ (Đồng Hới).
Đại diện Bộ Y tế cho biết, 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) còn 5.369 tấn hải sản thu mua, tạm trữ còn tồn kho, riêng Quảng Bình tồn nhiều nhất với 3.265 tấn.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong số này có hơn 2.658 tấn bảo đảm an toàn thực phẩm, hơn 606 tấn không bảo đảm do hàm lượng cadimi vượt mức cho phép.
Đến ngày 15/12, UBND tỉnh Quảng Bình đã tiến hành tiêu hủy theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hơn 504 tấn, dự kiến số còn lại sẽ tiêu hủy xong trong thời gian tới.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao các chủ kho đông lạnh đã bảo quản cá tốt theo quy trình, quy chuẩn đạt âm 20 độ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý cần thông tin để người dân biết cá nhiễm độc đã tiêu hủy hết nhằm tháo gỡ bán cá cho ngư dân cũng như các công ty thu mua hải sản.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị UBND tỉnh có phương án để các cơ sở thu mua chủ động, đẩy mạnh việc tiêu thụ hải sản tồn kho, tăng cường khâu chế biến, đồng thời khẳng định Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chi trả việc bồi thường 100% đối với hải sản đưa đi tiêu hủy, hải sản tồn kho được hỗ trợ 30%.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này