11:44 - 28/03/2024
Đồng yen rớt giá, lao động Việt thêm chật vật
Chính sách lãi suất âm đã khiến đồng yên chạm đáy với USD trong vòng 34 năm, điều này khiến nhiều lao động Việt thêm vất vả nơi xứ người.
Đồng yen của Nhật Bản (JPY), ngày 27/3, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm với 1 USD đổi được 152 JPY tại Tokyo. Nguyên nhân là do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì lãi suất ở mức 0%.
Hãng thông tấn Kyodo đưa tin, thành viên hội đồng điều hành BOJ, ông Naoki Tamura, cho biết lãi suất ngắn hạn sẽ vẫn ở mức gần 0% trong thời điểm hiện tại. Tuần trước, BOJ đã chấm dứt lãi suất âm.
Mặc dù BOJ chấm dứt lãi suất âm vào tuần trước nhưng hành động này không đủ để hỗ trợ JPY. Lần cuối cùng đồng JPY mất giá xuống mức 151,94 so với USD là tháng 10/2022, sau đó Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ JPY tránh mất giá thêm.
Mức lương trung bình ở Nhật Bản tính theo đồng USD giảm sâu khi đồng yen lao dốc không phanh. Việc này khiến đời sống của đại đa số thực tập sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập tại nước này chịu nhiều ảnh hưởng. Các mục tiêu, kế hoạch chi tiêu, gửi tiền về quê nhà phải đảo lộn để thích ứng với với tình hình thực tế.
Anh Nguyễn Hồng Quân (quê An Giang), đang làm thực tập sinh ngành cơ khí tại tỉnh Mie, năm thứ 2 cho biết thu nhập hằng tháng của anh được khoảng 220.000 yen (khoảng 36 triệu đồng). So với thời điểm năm 2022, mỗi tháng anh mất gần 8 triệu đồng nếu quy đổi tỉ giá sang tiền Việt.
“Tôi sang Nhật Bản năm cuối năm 2021, giá 1 yen quy ra tiền Việt Nam là hơn 200 đồng. Đồng lương lúc ấy thấp, nhưng đổi ra lại nhiều hơn bây giờ. Trung bình mỗi tháng tôi tích lũy được khoảng 150.000 yen, nếu giá cứ dậm chân tại chỗ thế này, năm nay tôi mất một khoản kha khá, khoảng 240 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ” – anh Quân nói.
Chị Trương Hoàng Thơ (quê Bình Thuận), đang là thực tập sinh hộ lý năm thứ 3 tại tỉnh Osaka cũng phải tính toán kỹ lưỡng khi có ý định gửi tiền về Việt Nam. Hiện thu nhập của chị khoảng 270.000 yen (khoảng 44 triệu đồng)/tháng. Song phải chi tiêu tằn tiện để tích lũy ½ trong số đó gửi về phụ giúp gia đình trả nợ.
“Tôi hiện tại là thu nhập chính của gia đình, tiền hằng tháng gửi về bao gồm trả nợ vay làm hồ sơ đi Nhật Bản làm việc và chi tiêu của 3 thành viên ở nhà. Ba mẹ hiểu con vất vả nên ăn xài hết sức tiết kiệm, riêng tôi chẳng dám mua sắm, chi tiêu cũng phải cắt bớt rất nhiều. Đồng yen rớt giá, tôi vừa bàn bạc với gia đình thay vì gửi theo tháng như trước đây sẽ chuyển sang quý, canh thời điểm có giá thì mới chuyển tiền về” – chị Thơ tính toán.
Số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2023, Nhật Bản đang dẫn đầu về số lượng tiếp nhận người lao động Việt Nam đến làm việc. Trong số 146.156 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nước này chiếm hơn một nửa với 74.354 lao động. Số lao động Việt Nam tại Nhật Bản hiện rất lớn, chiếm tới 1/4 trên tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài. Qua đó, Việt Nam hưởng lợi từ kiều hối tương đương 3 tỷ USD/năm.
Với sự gia tăng về số lượng lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Việt Nam hiện là nước đứng đầu cả về mặt số lượng sang làm việc hàng năm cũng như tổng số đang làm việc tại Nhật Bản trong số 15 quốc gia phái cử thực tập sinh/lao động sang xứ sở hoa anh đào. Nhiều năm qua, nước này được xem là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.
Theo Huỳnh Như/Người Lao Động
Ngày đăng: 28/3/2024
Có thể bạn quan tâm
Nielsen: Niềm tin nhà bán lẻ Việt Nam không vững vàng
Xem xét miễn nhiệm Tổng Thanh tra Chính phủ
Lãnh đạo Mỹ – Triều Tiên đã ký văn kiện ‘rất quan trọng và toàn diện’
Hoa tết lên giàn: bắt đầu đo ‘trúng – thất’
Ông Biden dự định tăng mức thuế lên 28%, cao nhất kể từ 1993
Tags:lao động việt
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này