10:34 - 21/09/2023
Động lực lớn đằng sau sự trỗi dậy của Ấn Độ
Trong cạnh tranh địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp, Ấn Độ đang sở hữu một tài sản vô giá – dân số hơn 1,4 tỷ người có độ tuổi trung bình hơn 28.
Suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới. Nhưng với Ấn Độ, đó không phải là tín hiệu quá tiêu cực. Sự thoái trào sau thời kỳ bùng nổ kinh tế 40 năm qua của Bắc Kinh đang mở ra cơ hội cho New Delhi tăng cường ảnh hưởng địa chính trị, kinh tế và văn hóa trên toàn cầu.
Nền kinh tế Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 7,8%/năm trong quý 2/2023, trong khi chương trình tiếp cận mặt trăng thành công cũng đánh dấu một cột mốc lịch sử khác cho cường quốc Nam Á. Đáng nói nhất theo các chuyên gia, là sự trỗi dậy của Ấn Độ không đi kèm với một chính sách đối ngoại cứng rắn và đòi hỏi lãnh thổ ngày càng quá đáng.
Nhưng có một yếu tố khác đang trở thành lực đẩy cho triển vọng kinh tế tươi sáng của Ấn Độ, đó là nhân khẩu học. Đầu năm 2023, Ấn Độ đã đạt cột mốc lớn đầu tiên khi nước này chính thức vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong khi dân số Trung Quốc đang sụt giảm và già đi nhanh chóng được chỉ ra là lực cản lớn cho tham vọng tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh, thì Ấn Độ đang bước vào giai đoạn dân số vàng. Nước này là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới với độ tuổi trung bình là 28,2.
Động lực đằng sau sự trỗi dậy
Động lực đằng sau mỗi sự trỗi dậy của các cường quốc là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Với dân số trẻ và nhu cầu tiêu dùng lớn, New Delhi có thể đặt nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng sản xuất và chi tiêu mạnh mẽ trong tương lai.
Ông Saket Gaurav, CEO của thương hiệu đồ gia dụng và điện tử Elista, cho rằng: “Dân số lớn của Ấn Độ là tài sản cho doanh nghiệp. Lượng nhân lực lớn sản xuất và tiêu thụ hàng hóa sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế lớn cho đất nước”.
Để đáp ứng được nhu cầu lượng lớn người tiêu dùng tiềm năng đó, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã tức tốc lên các kế hoạch mở rộng sản xuất trong nước. Nổi bật nhất là chiến dịch Make in India nhằm thu hút nhiều hãng điện tử, xe hơi, dệt may và nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tới đầu tư.
Tầm quan trọng của chi tiêu trong nước đã được chỉ ra với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Lĩnh vực này đóng góp tới 70% trong tổng số hơn 25.000 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội Hoa Kỳ. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng coi đây là một ưu tiên để vực dậy tăng trưởng kinh tế sau Covid-19.
Ngoài bùng nổ tiêu dùng, dân số trẻ của Ấn Độ cũng đang đóng vai trò to lớn trong đổi mới, được thể hiện qua lĩnh vực công nghệ thông tin “đẳng cấp thế giới” của nước này.
Cuộc đổ bộ thành công lên mặt trăng gần đây cũng là một minh chứng hùng hồn cho nền khoa học tân tiến của Ấn Độ, vượt qua cả các cường quốc lâu năm như Nga hay Nhật Bản. Cần nhớ, ngân sách không gian quốc gia của Ấn Độ chỉ bằng 6% so với Mỹ.
“Với Ấn Độ, lợi thế chính của cơ cấu dân số trẻ đang trong độ tuổi lao động là việc những người trẻ có khả năng thích ứng nhanh nhạy và theo kịp thay đổi công nghệ”, bà Vidya Mahambare, Giáo sư kinh tế học tại Viện quản lý Great Lakes ở TP Chennai nhận định.
Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ sẽ chiếm 12,9% tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, vượt qua Mỹ với tỉ lệ 11,3%. Vào 2030, đà tiến này sẽ giúp quốc gia Nam Á vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Dấu ấn lớn từ chính phủ của ông Modi
Nhà lãnh đạo Ấn Độ có thể nói đã có những bước tiến lớn trong cải cách và hiện đại hóa bộ máy quan liêu khét tiếng lỗi thời của Ấn Độ thông qua thúc đẩy chính phủ điện tử. Và trong tận dụng nguồn nhân khẩu học quý báu để biến mình thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, ông tiếp tục có những dấu ấn với những chính sách đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là vào giáo dục và đào tạo.
“Nếu chỉ lao động không thôi thì không thể đưa nền kinh tế của chúng ta lên cấp độ khác được”, ông Poshak Agrawal – đồng sáng lập Công ty Athena Education, đơn vị hỗ trợ sinh viên tìm kiếm các cơ hội được học tập tại các trường đại học chất lượng cao – nhấn mạnh.
Để cải thiện trình độ lao động trẻ, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra sáng kiến Skill India Mission với mục tiêu trang bị các kỹ năng thực tế đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Với sự tham gia chuyên môn của các đối tác như Nhật Bản, Ấn Độ đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo nghề phát triển kỹ năng riêng biệt cho từng lĩnh vực cụ thể.
Ngoài ra, chương trình Pradhan Mantri Kaushal Vikas Yojana (PMKVY) cũng là một dự án lớn nhằm cải thiện trình độ thanh niên Ấn Độ ở mọi thành phần, tầng lớp xã hội có cơ hội được học nghề mong muốn.
Dù vậy, tốc độ tăng dân số quá nhanh cũng đặt ra các thách thức cho New Delhi, như tỉ lệ thất nghiệp cao hay nỗi lo an ninh lương thực. Đầu năm 2023, có khoảng 8% người Ấn Độ thất nghiệp – một tỉ lệ cao. Trong khi đó, với tốc độ tăng dân số khoảng 10 triệu người mỗi năm, Ấn Độ cũng phải suy tính lại nguồn cung lương thực và các yêu cầu cơ sở hạ tầng khác.
Trong xu thế già hóa dân số mà các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt, lợi thế nhân khẩu học của Ấn Độ trở thành một “tài sản lớn” mà New Delhi cần khai thác hiệu quả. Chưa kể, xây dựng một động lực tăng trưởng kinh tế bền vững từ trong nước sẽ giúp đất nước tránh lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như châu Âu đang vướng phải trong quan hệ với Trung Quốc.
Theo Trường Đặng/DĐDN
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng hồi phục của ngành hàng không châu Âu thêm mịt mờ
Xe điện khủng hoảng, xe hybrid sẽ lên ngôi?
Donald Trump: Nếu chủ tịch Tập không tham dự G-20, mức thuế mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức
WHO cảnh báo thiếu nguồn cung vắc xin cho COVAX
Trung Quốc thúc đẩy ‘tuần hoàn kép’
Tags:Ấn Độ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này