14:36 - 02/03/2017
Có tế bào thần kinh xấu hổ?
“Khóc cười theo vận nước nổi trôi” là điều bất khả khi hệ thống thần kinh phản ánh này lâu ngày không dùng đã teo hết.
Cái gọi là dây thần kinh xấu hổ cũng… có lý. Đầu tiên một nhóm khoa học gia sinh lý thần kinh tại đại học Parma của Ý, nhận thấy một số tế bào điều khiển hành vi của khỉ macaque có phản ứng khi quan sát cử động ăn của người khác, y như khi chúng tự ăn (Experimental Brain Research, 1992).
Các nghiên cứu bằng fMRI sau đó tìm thấy ở loài người hệ thống thần kinh này cũng trải đều khắp bộ não. Hệ thống tế bào này ở người không chỉ “kích hoạt” khi quan sát hoạt động, mà còn cả khi nhìn thấy biểu lộ cảm xúc của người khác.
Một nghiên cứu mới xuất bản vào đầu tháng 2, cho thấy người bị chứng ám ảnh sẽ cảm thấy ghê tởm khi nhìn thấy người khác bị nhiễm bẩn y như chính họ bị thực sự (Neurocase, 2017). Bandura như vậy đã tìm được nền tảng thần kinh học cho lý thuyết Học tập Xã hội của mình.
Có nhiều giả thuyết về chức năng của hệ thống tế bào này. Từ việc giúp trẻ con học nói cho đến khi chúng bắt đầu hình thành những giả thuyết về ý tưởng của người khác (theory of mind). Từ việc giúp tăng khả năng sinh tồn khi tránh những hiểm nguy trong môi trường, cho đến việc nhận biết và đồng cảm với nỗi đau thể xác đến tinh thần của những người chung quanh.
Và vì vậy, những nghiên cứu gần đây về hệ thống thần kinh này bao gồm cả nhóm bị tự kỷ, để tìm hiểu lý do tại sao trẻ tự kỷ không có khả năng nhận biết được cảm xúc của người khác.
Hệ thống tế bào thần kinh phản ánh giúp chúng ta cảm nhận được nỗi khổ đau hay vui sướng của đồng loại, bằng cách tái tạo những nét mặt mà nó quan sát được trên mặt người khác trên mặt của chúng ta. Cười, khóc, ngáp đều dễ lây là vì vậy.
Thế nên chích botox để căng da mặt nhiều quá khiến cho nhiều phụ nữ không còn nhận diện được cảm xúc của người khác (Cerebral cortex, 2009). Hay uống nhiều thuốc giảm đau quá cũng khiến chúng ta hết còn thấy “đau” khi chứng kiến khổ đau phiền não của chúng sanh (Social Cognitive and Affective Neuroscience, 2016).
Vì vậy, nếu chúng ta được nuôi dưỡng trong một môi trường không ai biết xấu hổ, chúng ta cũng sẽ không tập được thói quen biết xấu hổ, thậm chí không có bất cứ cảm giác gì liên quan đến xấu hổ.
Lớn lên trong một môi trường không ai biết đồng cảm, chúng ta cũng không biết gì đến đồng cảm. Hay mang mặt nạ lâu ngày dính luôn vào mặt thật thì cũng hết khả năng cười khi người khác cười, khóc khi người khác khóc.
Vì vậy, “khóc cười theo vận nước nổi trôi” là điều bất khả khi hệ thống thần kinh phản ánh này lâu ngày không dùng đã teo hết.
Lê Nguyên Phương
Chuyên viên nghiên cứu tâm lý học đường – The Long Beach Unified School District
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này