
10:46 - 05/01/2018
Chính phủ: nhiệt điện than vẫn là nguồn chủ lực
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lo ngại thiếu điện trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao mà đầu tư cho ngành điện còn khó khăn.

Trước mắt, nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than vẫn là nguồn điện chủ lực trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Dũng nhận xét, nhu cầu điện ngày càng tăng cao. Theo dự báo, nhu cầu năm 2020 có thể gấp rưỡi hiện nay, trong khi đó thuỷ điện đã đến “ngưỡng”, không thể tiếp tục phát triển.
Trong cơ cấu nguồn điện hiện nay, thủy điện chiếm khoảng 40% nhưng tỷ lệ này sẽ ngày càng giảm. Do đó, bắt buộc phải phát triển các nguồn điện thay thế. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể triển khai trên quy mô lớn do chi phí quá cao.
“Nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy than, chạy khí vẫn là nguồn điện chủ lực trong giai đoạn từ nay đến 2030 và có thể những năm sau đó”, ông Dũng cho biết.
Cũng theo Phó thủ tướng, sức ép đối với ngành điện còn đến từ sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng của từng vùng. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng, miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10% thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc (trên 50%). Nguồn cung điện tại miền Nam dưới 40%, do đó, tình trạng thiếu điện cục bộ hiện cũng đang là bài toán khó đối với ngành công nghiệp này.
“Nguy cơ năm 2018 sẽ thiếu điện ở phía nam nếu các nhà máy đang đầu tư không đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề”, ông cảnh báo.
Ông Dũng cho biết, phát triển nguồn điện còn gặp khó khăn do cần kinh phí rất lớn, trong khi đó năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế. Việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng, vốn nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn do trần nợ công đang ở mức cao. Ông yêu cầu tất cả các dự án phải bảo đảm tiến độ như quy hoạch; bảo đảm chất lượng công trình, chất lượng đầu tư xây dựng, chất lượng quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng.
Theo báo cáo của EVN, công tác thu xếp vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn liên quan chủ trương tạm dừng cấp bảo lãnh của Chính phủ và các ngân hàng vượt hạn mức cho vay đối với EVN và các đơn vị thành viên.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án bị kéo dài. Ví dụ, : các bước thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình, Ialy, đường dây 500 kV Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku 2…,
EVN cho biết, tình hình thiên tai, biến động bất thường của thời tiết ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng điện và gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện trên 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số chi phí đầu vào tăng, ví dụ như tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng. Sự mất cân đối cung cầu khu vực phía Nam khiến cho tình trạng thiếu hụt điện cục bộ tiếp tục diễn ra, hệ thống điện 500 kV Bắc – Nam phải truyền tải cao. Việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện hiện cũng gặp khó khăn.
Doanh thu bán điện toàn tập đoàn EVN năm 2017 ước đạt 289.250 tỷ đồng, tăng 8,94% so với năm 2016; điện thương phẩm ước đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này