21:48 - 15/09/2021
Chiến lược quét sạch F0 của Trung Quốc gây tranh cãi
Ngày 14/9, hãng tin Reuters dẫn thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) cho biết nước này trong 24 giờ qua vừa ghi nhận thêm 59 ca nhiễm Covid-19 mới, tăng 22 ca so với 24 giờ trước đó.
Tất cả đều là ca nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam TQ.
Đáng chú ý là trong bốn ngày gần nhất, Phúc Kiến đã ghi nhận tổng cộng hơn 100 ca nhiễm trong cộng đồng. TP Phủ Điền của tỉnh là tâm dịch với hơn 80 ca mới tập trung tại đây.
Delta vẫn là thủ phạm chính
Đáng chú ý, đợt bùng phát nói trên diễn ra chỉ mới vài tuần sau khi TQ tuyên bố kiểm soát thành công ổ dịch ở tỉnh Giang Tô, bắt nguồn từ sân bay Lộc Khẩu Nam Kinh ở TP Nam Kinh làm hàng ngàn người nhiễm bệnh.
Theo đài CNN, ổ dịch ở Phúc Kiến được phát hiện sau khi hai học sinh có kết quả dương tính trong một đợt xét nghiệm Covid-19 định kỳ tại một trường tiểu học ở quận Tiên Du hôm 9/9. Đến hôm sau thì có thêm một học sinh và ba phụ huynh có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hầu hết đều nhiễm biến thể Delta.
Các chuyên gia cố vấn y tế của chính quyền cho rằng một phụ huynh ở trường mới trở về từ Singapore có khả năng là nguồn lây lan mới dù người này đã hoàn thành cách ly 21 ngày sau khi về nước.
Phụ huynh này từ Singapore về Phúc Kiến ngày 4/8 và thực hiện 14 ngày cách ly bắt buộc tại khách sạn. Sau đó, người này tiếp tục được cách ly tập trung thêm bảy ngày tại một địa điểm được chỉ định ở Tiên Du, trước khi được cho về nhà để theo dõi sức khỏe thêm một tuần, theo thông tin từ chính quyền TP Phủ Điền. Người này có kết quả xét nghiệm âm tính chín lần trong 21 ngày cách ly, trước khi có kết quả dương tính ngày 10/9, 37 ngày sau khi nhập cảnh. Đây là thời gian ủ bệnh dài bất thường bởi thường nếu nhiễm biến thể Delta thì đã phát bệnh khoảng bốn ngày sau khi lây nhiễm.
Hiện giới chức Phủ Điền cùng một số TP khác thuộc tỉnh Phúc Kiến như Hạ Môn bắt đầu ban hành các lệnh giãn cách xã hội để chặn đà lây lan. Các dịch vụ ăn uống, giải trí như quán ăn, rạp chiếu phim được yêu cầu ngừng hoạt động, các con đường rời khỏi TP bị chặn lại và người dân được đề nghị ở yên tại nơi cư trú. Dù vậy, cả hai TP đến giờ vẫn chưa công bố lệnh phong tỏa toàn TP nghiêm ngặt như hồi đầu năm ngoái. Tốc độ tiêm chủng đồng thời cũng đang được đẩy nhanh hơn trước.
Đã đến lúc Trung Quốc cần đổi chiến lược chống dịch
CNN cho rằng các đợt bùng dịch mới liên tục xuất hiện sau khi TQ tuyên bố kiểm soát đợt dịch đầu tiên hồi năm ngoái là những thách thức lớn với chính sách chống dịch không khoan nhượng, quyết quét sạch F0 của nước này. Dù lần nào làm mạnh tay, phong tỏa nghiêm ngặt thì TQ cũng sẽ thành công giữ được ca nhiễm ở mức rất thấp nhưng vấn đề là liệu có duy trì được lâu dài hay không, nhất là khi đối mặt với biến thể Delta lây lan rất nhanh như hiện nay. Chuyên gia Yanzhong Huang thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ quốc tế (Mỹ) nhận định cứ mỗi lần bùng phát ổ dịch mới là giới chức TQ phải mất nhiều thời gian hơn để đưa số ca nhiễm về 0 so với trước.
“Một chiến lược quy mô lớn và cứng rắn như vậy qua thời gian sẽ ngày càng khó để duy trì vì yêu cầu đầu tư quá nhiều năng lượng tổ chức, chưa kể gây khó khăn về tài chính và kinh tế cho người dân và chính quyền địa phương có dịch, nếu cứ yêu cầu họ phải quét sạch F0 trong cộng đồng. Hơn nữa, dù siết chặt di chuyển và giãn cách xã hội tới đâu nếu TQ vẫn mở cửa biên giới thì vẫn còn nguy cơ dịch tràn vào từ các vùng dịch khác và lây lan cho người dân, diễn biến ở Phúc Kiến là ví dụ rất rõ ràng” – theo ông Yanzhong.
Thực tế, một số quốc gia từng theo đuổi mục tiêu loại bỏ hoàn toàn F0 như TQ nay cũng chuyển hướng sang thực hiện kế hoạch sống chung an toàn với virus, chẳng hạn như Úc. Dĩ nhiên, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định kế hoạch mở cửa trở lại trên toàn quốc chỉ có thể được triển khai khi tỷ lệ tiêm chủng ở Úc đạt 70%-80%.
Đồng quan điểm, trả lời hãng tin Reuters, chuyên gia virus học Lu Mengji thuộc ĐH Duisburg-Essen (Đức) nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của việc phong tỏa, cách ly chỉ nên là đẩy đường cong của dịch xuống dưới ngưỡng mà hệ thống y tế có thể chịu được mà không bị quá tải. Sau khi đạt được điều đó thì phải thực hiện song song nới lỏng các biện pháp này và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin.
Không chỉ học giả phương Tây mà giới chuyên gia TQ cũng đồng ý là các nước như TQ nên từ bỏ mục tiêu gom hết F0 trong cộng đồng mà nên chấp nhận sống chung với Covid-19 trong tương lai. Phát biểu trong một hội thảo y khoa trực tuyến hồi tháng 8, trưởng nhóm dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh TQ (CCDC) – ông Zeng Guang cho biết biến thể Delta khó kiểm soát hơn gấp 10 lần so với chủng gốc, do đó đặt ra thách thức lớn đối với chiến lược cứng rắn của TQ và mục tiêu loại sạch mầm mống bệnh trong cộng đồng, theo tờ The Nikkei.
“Dù số ca nhiễm ở TQ vẫn còn tương đối thấp so với Mỹ và các nơi khác, khả năng lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khiến cả những người đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cũng có thể nhiễm bệnh. Chúng ta vì thế cần phải chuyển trọng tâm khỏi việc loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 và các ca bệnh vì việc này dường như không thể. Cần phải nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại để tránh ảnh hưởng nhiều hơn tới nền kinh tế” – ông Zeng khẳng định.
Đồng quan điểm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại BV Nhân dân số 8 ở TP Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) – ông Cai Weiping chỉ ra rằng đa số ca nhiễm trong đợt dịch hiện nay đều ở mức nhẹ, do đó không nên cảm thấy hoảng sợ hay bị áp lực.
“Giữ không có ca nhiễm bệnh nào là điều hoàn toàn không khả thi xét trong bối cảnh toàn cầu hầu như nước nào cũng có ca nhiễm biến thể Delta. Nhiều nước cũng đã tính tới mở cửa biên giới mà không cần phải chờ đến khi không còn ca Covid-19 nào” – ông Cai chia sẻ.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này