00:20 - 11/11/2017
Căng thẳng vì các hồ thủy điện đồng loạt xả lũ
Nếu đưa mực nước hồ Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền về mực đón lũ, mực nước hạ lưu sông Hương, sông Bồ sẽ đạt trên báo động 3. Nhưng nếu không điều tiết xả lũ với lưu lượng lớn thì sẽ nguy hiểm hơn khi xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng bão số 13.
Ngày 10/11, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát lệnh cho các hồ thủy điện A Lưới, Bình Điền, Hương Điền cùng hồ chứa nước Tả Trạch đồng loạt điều tiết xả lũ để đối phó với mưa bão số 13.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, từ 13 giờ ngày 10/11, các hồ thủy điện trên địa bàn và hồ chứa nước Tả Trạch bắt đầu điều tiết xả lũ về hạ du.
Trong đó, hồ thủy điện Bình Điền, vận hành điều tiết qua cống tháo sâu và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến, để đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ là +74,5m; thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết qua tràn và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ là +56m; hồ chứa nước Tả Trạch vận hành điều tiết qua cống tháo sâu và qua tuabin, đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ là +35m…
Theo quy định, trong vòng 72 giờ trước khi bão đổ bộ, các hồ thủy điện và hồ chứa nước phải đưa nước trong hồ về mức nước đón lũ. Nhưng hiện tại, nước tại các con sông trên địa bàn đều rất cao, nhiều địa phương đã ngập lụt gần cả một tuần lễ, nếu xả lũ các hồ thủy điện và hồ chứa nước theo đúng quy định thì lũ trên các sông nhanh chóng lên lại; gây ngập lụt trở lại trên diện rộng, người dân các huyện vùng thấp trũng lập tức phải đối mặt với tình cảnh lũ chồng lũ.
“Nếu đưa mực nước hồ Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền về mực đón lũ, mực nước hạ lưu sông Hương, sông Bồ sẽ đạt trên báo động 3. Nhưng trường hợp không điều tiết xả lũ với lưu lượng lớn thì sẽ nguy hiểm hơn vì các hồ chứa sẽ đồng loạt mất khả năng cắt lũ khi mưa lớn do ảnh hưởng bão số 13”, ông Phan Thanh Hùng cho biết thêm: “Trước mắt, điều tiết xả lũ hồ chứa Tả Trạch 650m³/s; hồ Bình Điền 500m³/s; hồ Hương Điền 900m³/s. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước đến các hồ trong từng giờ để có hướng điều chỉnh lưu lượng xả cho phù hợp”.
Tại buổi họp đánh giá công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra và triển khai các phương án đối phó với cơn bão số 13 do UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức trưa 10-11, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, theo dự báo của các trung tâm khí tượng thế giới như Nhật Bản thì bão số 13 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào; Hải quân Hoa Kỳ dự báo ngày 14-11, bão sẽ ảnh hưởng đến Huế và kết hợp với không khí lạnh.
Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế, Lê Trường Lưu lưu ý, về mặt kỹ thuật, các cơ quan hữu quan phải cập nhật số liệu và bàn phương án kỹ đối với các kịch bản, lượng mưa, dự báo chính xác trong thời gian tới để có phương án ứng phó mưa bão kịp thời. Vận hành điều tiết xả nước ở các hồ thủy điện về hạ du nhằm để cắt lũ khi xảy ra mưa to, bão lớn chứ không được gây ra lũ.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Nguyễn Văn Phương bổ sung, Ban quản lý các hồ thủy điện, các công trình thủy lợi, hồ chứa nước phải sẵn sàng trong mọi tình thế trước diễn biến khó lường của thời tiết. Nhất là phải chủ động thực hiện các phương án và kịch bản đối phó để không bị lũ chồng lũ đối với việc xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Các hồ thủy điện và hồ chứa nước vận hành van xả lũ bằng điện thì phải chuẩn bị máy móc phát điện thay thế trong trường hợp mất điện ngay trong bão lũ. Tránh trường hợp khi lũ đến hồ với lưu lượng lớn mà lại không có điện để mở cửa van xả lũ thì hậu quả sẽ khôn lường.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này