
17:31 - 24/11/2015
Cán bộ là gì của dân?
Một người dân bình xét về một lãnh đạo đứng đầu một tỉnh với những lời mang cảm xúc cá nhân trên Facebook. Tưởng rằng đây đơn giản chỉ là một trong những kênh thông tin bày tỏ suy nghĩ cá nhân về người lãnh đạo nhưng hệ quả là những người có tham gia biểu lộ ý kiến cá nhân bị phạt tiền và bị kiểm điểm. Vậy Cán bộ là gì của dân?

Cán bộ là gì của dân? C6au hỏi nhức nhối với câu chuyện về lá đơn của chị Hô đã bị cán bộ địa chính xã ở Đồng Tháp xé. (http://thanhnien.vn/thoi-su/can-bo-dia-chinh-xe-don-cua-dan-528450.html)
Đã có khá nhiều ý kiến thảo luận, vì vậy, bài viết này muốn nhân sự kiện này để thử nhìn về mối quan hệ giữa người lãnh đạo, mà thuật ngữ quen dùng trong hệ thống chính trị Việt Nam là “cán bộ” với người dân như thế nào? Hay một câu hỏi trực diện hơn “cán bộ là gì của nhân dân?”. Có lẽ mọi người sẽ nghĩ ngay đến những câu khẩu hiệu quen thuộc: “cán bộ là công bộc của nhân dân”, “người đại diện nhân dân” hay “phụ mẫu của nhân dân”. Diễn ngôn này phản ánh những chiều cạnh tiếp cận của người làm cán bộ và cả những điều kỳ vọng từ phía người dân. Những diễn ngôn này cũng mang ý nghĩa nhằm nhấn mạnh tính phục vụ của người làm lãnh đạo đối với nhân dân của mình, đề từ đó đón nhận sự kính trọng, nể phục của nhân dân.
Quyền uy và sự tuân phục của dân
Khi bàn về mối quan hệ này, nhà xã hội học người Đức, Max Weber, trong tác phẩm Wirtschaft und Gesellschaft – Kinh tế và Xã hội (1922) đã nhận diện và phân biệt ba loại hình thống trị chính thống trong đời sống xã hội bao gồm: (1) Quyền uy pháp lý – lý tính (Rational-legal authority) là hình thức của quyền uy phụ thuộc vào tính hợp thức (legitimacy). Biểu hiện của quyền uy này là những hình thức cai trị chính thức và được thiết lập bởi hệ thống luật pháp của nhà nước, và nó thường được quy định bằng văn bản pháp luật và rất phức tạp. Sức mạnh của quyền uy pháp lý được quy định trong hiến pháp. Các xã hội hiện đại thì phụ thuộc vào quyền uy pháp lý. Bộ máy chính quyền khắp nơi trên toàn thế giới là ví vụ tốt nhất cho hình thức này. (2) Quyền uy truyền thống (Traditional authority) xuất phát từ những phong tục tập quán, thói quen và các cấu trúc xã hội kéo dài từ đời này sang đời khác. Khi quyền uy được duy trì từ đời này sang đời khác thì nó được biết đến như là quyền uy truyền thống. Quyền cha truyền con nối (hereditary monarchs) trong xã hội phong kiến là một ví dụ rõ ràng về trường hợp này. (3) Quyền uy thiên phú (Charismatic authority – hay cũng có thể dịch là hấp lực) là loại quyền uy có được do người ta khâm phục và kính trọng sự thánh thiện, sự anh hùng, hay sự gương mẫu đối một người nào đó. Nó thôi thúc sự tuân phục của dân chúng đối với người nắm giữ quyền uy này bằng những giá trị mang ý nghĩa tinh thần. Nói cách khác, quyền uy thiên phú có được nhờ hấp lực của người lãnh đạo đối với dân chúng thông qua lòng đạo đức, vai trò lãnh đạo của họ. Theo Max weber, người nắm giữ được quyền uy thiên phú là người có được những quyền uy còn lại, cho dù hoàn cảnh xã hội nào.
Vì sao dân tin tưởng già làng
Khi nói về quyền uy thiên phú, tôi không thể không liên tưởng đến những vị già làng ở các buôn làng Tây Nguyên. Họ không cần một hệ thống cán bộ cấp dưới để giám sát, để xử phạt những ai xúc phạm đến quyền uy của mình. Cái họ có là sự thông thái, lòng đạo đức và sự công minh. Mỗi khi có bất hòa giữa người này với người khác trong buôn làng thì già làng là người đứng ra làm trung gian, hòa giải. Bởi người dân tin tưởng người lãnh đạo của họ hơn bất kỳ ai? Cũng như bao vị lãnh đạo khác trong các xã hội khác nhau, vị già làng muốn được người dân kính trọng, ông ấy cũng phải gương mẫu, công minh. Ở những xã hội cổ truyền, dù rằng quyền uy pháp lý chưa rạch ròi như xã hội hiện đại, nhưng sự ổn định xã hội, những giá trị tốt đẹp của văn hóa luôn được vận hành một cách hợp lý.
Để trở thành một vị lãnh đạo trong lòng dân quả không dễ chút nào? Các nhà nhân học trong các nghiên cứu của mình đã phát hiện ra các lối ứng xử của dân chúng với các loại quyền uy áp đặt lên cuộc sống của mình. Họ có thể ứng xử ngoài mặt và ứng xử sau lưng theo kiểu của người yếu thế trong xã hội. Những ngôn từ ngoài mặt có thể là đẹp đẽ và trọng vọng nhưng có thể sau lưng là sự than trách, phản kháng. Quay trở lại câu nhận xét về thái độ người dân đối với lãnh đạo đứng đầu tỉnh đáng lẽ phải xem là sự phản ứng trực diện của người dân để từ đó điều chỉnh trong lối ứng xử, có lẽ là tốt hơn là cách người ta phản ứng sau lưng hay một lời nhắc nhở của nhân gian: “quan nhất thời dân vạn đại”. Có lễ, để đến khi thấu hiểu được cách nghĩ của dân về việc cán bộ là gì của nhân dân thì các vị lãnh đạo mới hiểu vị thế của mình được kiến tạo từ đầu và tồn tại như thế nào trong lòng dân.
Nguyễn Đức Lộc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này