10:31 - 08/12/2023
Ấn Độ nỗ lực cân bằng phát triển kinh tế và chuyển đổi năng lượng
Căng thẳng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là trọng tâm của các cuộc thảo luận toàn cầu về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng.
Theo Liên Hợp Quốc, mặc dù Trái đất hiện đang nóng lên đến mức nguy hiểm nhưng nhiều chính phủ trên thế giới vẫn kiên trì coi than, dầu và khí đốt là nguồn phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng.
Một trong những quốc gia đốt một lượng than và dầu lớn nhất thế giới là Ấn Độ. Quốc gia này đang tiêu thụ một số lượng lớn nhiên liêu hóa thạch để cố gắng đáp ứng nhu cầu của 1,4 tỷ dân. Mặc dù vậy, vẫn có một số dấu hiệu cho thấy New Delhi đang cố gắng vạch ra một lộ trình hướng đến phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc UNEP cho biết Ấn Độ đã đầu tư đáng kể và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho năng lượng tái tạo, đồng thời lưu ý rằng nền kinh tế này đã dành hơn 4 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngân sách quốc gia năm nay.
Các cơ quan toàn cầu khác cũng ghi nhận tham vọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong việc theo đuổi năng lượng xanh. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo vào tháng 10 rằng Ấn Độ đang chuyển sang một giai đoạn năng động mới trong quá trình phát triển năng lượng được đánh dấu bằng tham vọng dài hạn về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Vào năm 2021, Thủ tướng Ấn Độ Modi cam kết Ấn Độ sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, tức là vẫn muộn hơn vài thập kỷ so với các nền kinh tế phát triển. Và dự kiến trong ba thập kỷ tới, quốc gia Nam Á này sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Hiện nay, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới, mặc dù mức sử dụng năng lượng và lượng khí thải bình quân đầu người của nước này thấp hơn một nửa mức trung bình thế giới.
Quốc gia này được kỳ vọng sẽ đạt được một số cột mốc kinh tế ấn tượng. Các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Ấn Độ có đủ điều kiện để tăng trưởng với tốc độ hàng năm ít nhất 6% trong vài năm tới và có thể trở thành quốc gia thứ ba có GDP hàng năm là 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Và khi Ấn Độ phát triển và hiện đại hóa, dân số đô thị sẽ tăng lên, dẫn đến sự gia tăng lớn trong việc xây dựng nhà ở, văn phòng, cửa hàng và các tòa nhà khác. Chính phủ Ấn Độ cũng đang cố gắng thúc đẩy sản xuất trong nước và điều đó đã tạo ra làn sóng bùng nổ xây dựng hạ tầng đường bộ, cầu cống, cảng và đường sắt trên khắp đất nước. Các cơ sở hạ tầng này sẽ dẫn đến nhu cầu về than và thép tăng vọt, vốn là những nguồn phát thải carbon khổng lồ.
IEA cho biết vào năm 2050, tổng nhu cầu điện từ máy điều hòa không khí dân dụng của Ấn Độ sẽ vượt quá tổng mức tiêu thụ năng lượng ở toàn châu Phi hiện nay. Nhiên liệu than chiếm gần 70% sản lượng điện của cả nước và khó có khả năng thay đổi trong thời gian tới.
Ông Siddharth Singh, nhà phân tích đầu tư năng lượng tại IEA, cho rằng để đạt mức phát thải ròng bằng 0, không nhất thiết phải trả giá bằng sự tăng trưởng. Đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy, việc phát triển kinh tế và lượng khí thải carbon đang dần tách rời nhau.
Trong báo cáo của mình, các chuyên gia của IEA chỉ ra rằng nếu New Delhi có thể đáp ứng các cam kết của mình, lượng khí thải carbon sẽ giảm hơn 40% vào năm 2050, ngay cả khi GDP của nước này tăng gấp bốn lần trong giai đoạn này.
New Delhi cũng cam kết năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ vào cuối thập kỷ này. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đạt 500 GW công suất phát điện từ nhiên liệu không hóa thạch vào thời điểm đó – tăng từ khoảng 173 GW năm ngoái.
Ấn Độ đã đưa ra một chương trình khuyến khích nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước trong các lĩnh vực quan trọng bao gồm mô-đun năng lượng mặt trời và pin tế bào hóa học tiên tiến. Nếu chương trình này thành công, Ấn Độ có thể tự khẳng định mình là nhà sản xuất các mô-đun năng lượng mặt trời đáng tin cậy,
Ông Tim Buckley, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Tài chính Năng lượng Khí hậu có trụ sở tại Sydney, nhận định: “Có lẽ chưa có thời điểm nào tốt hơn bây giờ để Ấn Độ phát triển bền vững hơn. Trong bối cảnh phát triển của mình, các mục tiêu năng lượng sạch của Ấn Độ thực sự rất ấn tượng.”
Theo Cẩm Anh/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này