22:17 - 08/04/2022
Thượng Hải lao đao vì zero Covid
Quyết tâm theo đuổi chính sách zero Covid tại “thủ đô thương mại” 26 triệu dân của Trung Quốc, đã khiến cư dân cảm thấy bị đe dọa, làm dấy lên lo ngại về thiệt hại lớn hơn đối với nền kinh tế số 2 thế giới.
Việc đóng cửa một trong những thành phố lớn nhất và thịnh vượng nhất Trung Quốc, là đòn giáng mới nhất vào vận mệnh kinh tế của đất nước, thêm rủi ro mới cho mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các thiệt hại kinh tế chỉ mới bắt đầu được xem xét.
Theo các nhà xuất khẩu và chủ doanh nghiệp, việc sản xuất tại các nhà máy ở khu vực Thượng Hải do nhà sản xuất xe điện Tesla Inc. và một số công ty khác điều hành đã bị tạm dừng, còn mạng lưới hậu cần trong nước bị tắc nghẽn, làm chậm chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, hàng trăm nhà hàng, nhà bán lẻ và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác đã tạm thời đóng cửa.
Siêu đô thị với hơn 25 triệu dân, chiếm khoảng 4% tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời là nơi có cảng lớn nhất của đất nước và trụ sở khu vực của hàng trăm công ty đa quốc gia. Đợt khóa cửa mới nhất đã bắt đầu từ ngày 27-3 và dự kiến kéo dài 2 tuần. Câu hỏi đặt ra, liệu Thượng Hải có thể kiềm chế được virus trong thời gian đó hay không, và nếu không, những hạn chế liên tục có thể gây ra thiệt hại gì cho nền kinh tế của đất nước.
Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho biết: “Không ai có thể đảm bảo rằng một đợt bùng phát khác sẽ không xảy ra nữa. Nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách zero Covid, việc khóa cửa liên tục như vậy sẽ gây ra sự gián đoạn cho nền kinh tế Trung Quốc, làm xói mòn khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng của nước này”.
Ông Xing và các đồng nghiệp của ông cho biết, trong 2 năm qua, các biện pháp Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc đã mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế, vì lợi ích từ việc tăng tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc lớn hơn nỗi đau giảm tiêu dùng. Tuy nhiên, với sự bùng phát của biến thể Omicron, Morgan Stanley cho biết các biện pháp này đã trở nên tiêu cực, có khả năng làm giảm ít nhất 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng của năm nay.
Trong khi các nhà kinh tế cho biết các biện pháp đại dịch có khả năng tổn hại nặng các ngành dịch vụ của Thượng Hải, vốn chiếm khoảng 4/5 sản lượng kinh tế của thành phố, các nhà xuất khẩu cũng phải chịu những trục trặc về hậu cần hoặc buộc phải tạm dừng hoạt động.
Zhao Lin, chủ sở hữu một công ty xuất khẩu chủ yếu bán các sản phẩm dệt may như thảm sang Nhật Bản, đã bị giam giữ ở nhà với chồng và con gái ở nửa phía Tây của Thượng Hải trong hơn 10 ngày, trong thời gian đó bà đã phải chịu đựng 4 lần xét nghiệm. Hoạt động sản xuất tại các nhà máy may của bà ở tỉnh Giang Tô lân cận đã chậm lại, do các công nhân phải trải qua các cuộc xét nghiệm Covid mỗi ngày, nhưng Zhao cho biết bà vẫn phải trả lương đầy đủ cho công nhân.
Tuần trước, một chiếc xe tải lấy hàng của bà Zhao đến một thành phố gần đó đã trở về xe không, sau khi các quan chức đột ngột cấm các xe tải từ Thượng Hải, với lý do phòng chống Covid. Bà Zhao cho biết những trục trặc về hậu cần như thế này đã làm chậm trễ việc vận chuyển, do đó đã làm tăng thêm chi phí, trong khi công ty của bà không có lựa chọn nào khác ngoài việc cố chịu đựng. Bà Zhao nói: “Trong khi hầu như không ai có thể thoát khỏi tình trạng bị nhốt mà không bị tổn thương, đòn đánh vào các doanh nghiệp nhỏ như của chúng tôi là rất lớn”.
Hạ triển vọng tăng trưởng
Ngay cả trước khi Thượng Hải đóng cửa, một loạt ngân hàng đầu tư đã dự đoán nền kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng chính thức của Bắc Kinh khoảng 5,5%. Theo Capital Economics, những gián đoạn gây ra bởi làn sóng Omicron hiện tại làm lu mờ sự suy thoái do biến thể Delta gây ra đã quét qua Trung Quốc vào năm ngoái.
Dữ liệu tần suất cao công ty nghiên cứu theo dõi, bao gồm cả doanh thu rạp chiếu phim và lưu lượng truy cập tàu điện ngầm, chỉ ra rằng mọi thứ hoạt động ở mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm 2020. Trong khi đó, Goldman Sachs ước tính các khu vực của Trung Quốc đang phải chịu các hạn chế từ mức độ rủi ro bùng phát trung bình đến cao chiếm khoảng 1/3 GDP toàn quốc.
Natixis SA ước tính các biện pháp kiểm soát Covid sẽ làm giảm 1,8 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên. Trong khi theo UBS Group AG, những hạn chế kéo dài trên toàn quốc có thể khiến tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ khoảng 5,5%. Các nhà kinh tế tại Nomura Holdings Inc. và NatWest Group Plc. đã hạ dự báo tăng trưởng của họ cho quý thứ hai khi dịch bùng phát tồi tệ hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc ước tính, chỉ riêng việc cấm vận nghiêm ngặt ở Thượng Hải có thể làm giảm 4% GDP thực tế của Trung Quốc trong suốt thời gian khóa cửa. Zheng Michael Song, nhà kinh tế học tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, ước tính các hạn chế của Covid có thể khiến Trung Quốc thiệt hại ít nhất 46 tỷ USD mỗi tháng, tương đương 3,1% GDP. Tác động đó có thể tăng gấp đôi nếu nhiều thành phố thắt chặt các hạn chế hơn.
Để giúp doanh nghiệp bù đắp phần nào thiệt hại, chính quyền Thượng Hải cho biết sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh tế, bao gồm cả việc hoàn thuế lên đến 22 tỷ USD vào năm nay. Các nền tảng internet sẽ được khuyến khích giảm phí dịch vụ hơn nữa, và các nhà khai thác viễn thông cung cấp dịch vụ đám mây sẽ miễn phí 3 tháng.
Ngoài ra, sẽ có hỗ trợ cho các công ty trong ngành bán lẻ và ăn uống để cử nhân viên của họ đi xét nghiệm thường xuyên, đồng thời cung cấp cho các nhân viên y tế tuyến đầu và những người tình nguyện tham gia cuộc chiến chống đại dịch của thành phố. Chính phủ sẽ khuyến khích các tổ chức tài chính tăng cường hỗ trợ tín dụng và giảm lãi suất cho vay đối với các công ty liên quan đến cung cấp thực phẩm, đồng thời hỗ trợ cũng sẽ được cung cấp cho các ngành du lịch, vận tải và triển lãm.
Theo Vinh Trang/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này