07:50 - 09/01/2016
Xử hàng đa cấp: Nặng hơn, nhưng e khó thực thi
Từ ngày 5/1, Nghị định 124/2015 quy định về xử phạt vi phạm trong bán hàng đa cấp chính thức có hiệu lực.
Mặc dù mức phạt đã nặng hơn và cũng soi xét một cách toàn diện hơn so với trước đây, nhưng liệu có phải là “thuốc đặc trị” để có thể chấm dứt hay giảm thiểu được quá nhiều những tai tiếng từ mô hình kinh doanh đặc biệt này như suốt thời gian dài vừa qua?
Theo quy định mới, pháp luật đã giám sát một cách khá toàn diện đối với toàn bộ các công đoạn trong chuỗi mắt xích của một quy trình bán hàng đa cấp, bao gồm cả từ phía người tham gia bán hàng đa cấp cho đến thương nhân (công ty) kinh doanh đa cấp.
Phạt người tham gia bán hàng đa cấp: nói dễ làm khó!
Cụ thể người tham gia bán hàng đa cấp nếu không có thẻ thành viên, hoặc khi bán hàng hay tiếp thị, giới thiệu hàng hoá mà không xuất trình thẻ sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng. Hay nếu người bán hàng “cung cấp thông tin không trung thực hoặc không chính xác về hàng hoá được chào bán” bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, có thể thấy là sẽ rất khó để có thể “bắt” được những người bán hàng đa cấp vi phạm những điều trên. Khi mà họ hoạt động hoàn toàn riêng rẽ, ở bất kỳ địa điểm nào, thời gian nào. Và cũng không thể có chuyện người mua hàng sẽ chủ động phát hiện và tố cáo hay khiếu nại đến cơ quan chức năng, để phạt.
Hay như quy định phạt từ 3 – 5 triệu đồng khi người bán hàng đa cấp có hành vi thu của người muốn tham gia đường dây bán hàng đa cấp một khoản tiền, hay bắt họ phải nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng nhất định.
Quy định này thoạt xem thì có vẻ rất hay, ngăn chặn được tiêu cực. Nhưng rõ ràng không đơn giản để có thể phát hiện khi việc thu tiền thường là sự thoả thuận bí mật hoặc biến tướng, lại được cả hai bên đồng lòng che giấu.
Hay việc quy định phạt từ 5 – 10 triệu đồng khi người bán hàng đa cấp “cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hoá” để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp. Vấn đề ở đây là: thế nào là “thông tin sai lệch”? Liệu có thể có chuyện người tham gia sẽ tố cáo tới cơ quan nhà nước, khi chính họ là người cùng chung trên “chiếc thuyền đa cấp”, hoàn toàn biết rõ nhưng chấp nhận im lặng để được tham gia vào đường dây đa cấp.
Phạt thương nhân bán hàng đa cấp: mới chỉ hướng đến những vi phạm bề nổi
Đối với thương nhân kinh doanh bán hàng đa cấp, luật quy định mức phạt có phần nặng hơn. Chẳng hạn phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với thương nhân không đáp ứng đầy đủ các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; không thực hiện thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khi có thay đổi; cung cấp thông tin gian dối trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động…
Phạt từ 20 – 30 triệu đồng đối với thương nhân không thực hiện đúng quy định về đối tượng kinh doanh; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ được pháp luật quy định khi tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp hoặc tiếp tục hoạt động bán hàng đa cấp sau thời gian tạm ngừng…
Phạt từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
với cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Có thể thấy những vi phạm và mức phạt như trên hầu hết đều hướng đến những vi phạm về mặt thủ tục hành chính, mang tính bề nổi. Chứ chưa thực sự hướng đến sự ngăn chặn và xử lý những sai phạm mang tính bản chất, đang tồn tại và được che giấu trong mô hình bán hàng đa cấp.
Như trước đây tôi từng có ý kiến, bản thân mô hình bán hàng qua hình thức đa cấp hoàn toàn không xấu và pháp luật không hề cấm đoán. Nhưng điều gây hại cho xã hội trong thời gian qua, là việc bán hàng theo mô hình đa cấp thực chất đã bị biến tướng về bản chất, không phải hướng đến mục tiêu đem đến sự tiện dụng, lợi ích hay sản phẩm tốt cho người mua, người tiêu dùng, mà đã trở thành một hình thức trung gian, thậm chí có thể xem là lừa đảo, để người này “móc túi” người kia.
Thông qua việc tư vấn, chào mời gian dối, bán hàng hoá với giá cực cao, trong khi giá trị thực tế và giá trị sử dụng của hàng hoá lại rất thấp, thu lợi về dưới danh từ mỹ miều là tiền “hoa hồng” – đây chính là bản chất “xấu xa” cần ngăn chặn và xoá bỏ của mô hình bán hàng đa cấp ở Việt Nam trong suốt thời gian dài vừa qua.
Theo tôi, việc xử phạt hay vai trò quản lý, giám sát của Nhà nước, phải làm sao đi vào đúng thực chất và bản chất của vấn đề. Phải ngăn chặn, xoá bỏ được một vấn đề mang tính bản chất và quan trọng nhất: đó là vấn đề giá thành và giá bán sản phẩm trong bán hàng đa cấp.
Nói một cách đơn giản, là hàng hoá phải được bán đúng với giá trị và công dụng của nó. Hoa hồng hay lợi nhuận của người kinh doanh phải trên cơ sở hợp lý, trung thực và bình đẳng trên thị trường, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người mua, người tiêu dùng.
Tuy mức phạt mới là khá nghiêm khắc và toàn diện, nhưng e rằng khó thực thi và cũng khó đem đến sự chuyển biến mang tính đột phá.
LS Trần Hồng Phong
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này