
10:44 - 13/11/2015
Tránh “khô máu” khi khởi nghiệp
Hãy chỉ khởi nghiệp khi chúng ta có một kế hoạch tài chính rõ ràng. Đó là lời khuyên của các chuyên gia.
Trong kinh doanh, tài chính được ví von là dòng máu chạy trong cơ thể. Và vì không quản trị tốt tài chính, nhiều dự án khởi nghiệp (startup) mới khởi sự đã cạn vốn.

Bạn Nguyễn Long Huy, chủ dự án trồng cây chúc giống vui mừng khi được đại diện của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Tổng giám đốc công ty Alpha Books trao số tiền hỗ trợ cho dự án của mình. Ảnh: Trần Quỳnh
“Trăng mật” qua nhanh
Trong các buổi chia sẻ về tài chính khi khởi nghiệp, ông Mai Vũ Thảo vẫn thường chia sẻ với những bạn trẻ về các câu chuyện khởi nghiệp thất bại, những trường hợp thực tế mà ông chứng kiến trên cương vị một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn tài chính. Có nhiều lý do dẫn đến thất bại khi khởi nghiệp, tuy nhiên ông Thảo nhận ra, trong số kế hoạch kinh doanh bị thất bại, có không ít là bởi nhà sáng lập chưa có được một kế hoạch tài chính rõ ràng.
Nói về giai đoạn đầu khởi nghiệp, ông Thảo ví von nó chẳng khác gì cảm xúc của đôi vợ chồng trẻ trong “tuần trăng mật”. Sau một thời gian, sự hào hứng sẽ nhanh chóng bị xen lẫn bởi áp lực “cơm áo gạo tiền” mà doanh nghiệp gặp phải.
“Một nguyên tắc trong kế hoạch tài chính đó là đừng bao giờ nhẩm mà hãy luôn bắt đầu bằng việc ghi chép tất cả những gì mình có, những thứ mình cần, và những gì mình sẽ phải đối mặt” – chuyên gia Trần Vũ Nguyên
Theo lý giải của ông Thảo, thông thường trong giai đoạn đầu, tất cả các nguồn lực liên quan đến tài chính luôn được các starup tận dụng tối đa theo công thức “cây nhà lá vườn”. Không lâu sau, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực, trong đó có áp lực về tài chính. Từ chi phí đầu tư cho thiết bị, nhân công, nguyên liệu sản xuất cho đến vốn lưu động. Bởi ai cũng biết, khi khởi nghiệp thì không phải ai cũng có được nguồn lực về tài chính vững mạnh và ổn định.
Là người cũng từng “bầm dập” với nhiều dự án khởi nghiệp, chuyên gia Trần Vũ Nguyên cũng nhận ra rằng: không ít dự án khởi nghiệp “chết” chỉ vì “thiếu hiểu biết”.
Theo lý giải của ông Nguyên, do kỳ vọng lớn ngay từ đầu nên các nhà sáng lập thường tốn quá nhiều chi phí cho những thứ không liên quan đến kinh doanh chính như xây dựng văn phòng quy mô quá lớn, đầu tư máy móc thiết bị có công suất quá lớn so với thực tế, hoặc không tính tới nguồn vốn lưu động hoặc dòng tiền.
Ông Nguyên chia sẻ thực tế đã có những bài học đắt giá: “Doanh nghiệp khởi nghiệp với số vốn tiền tỉ, sản phẩm tốt, thế nhưng lại phá sản chỉ bởi thiếu vài triệu tiền nhân công”.
Học làm con nợ
Lời khuyên của chuyên gia Trần Vũ Nguyên đưa ra chính là bên cạnh việc xây dựng bản kế hoạch kinh doanh đầy đủ, tìm cho mình một phương thức kinh doanh sáng tạo, hãy đầu tư nghiêm túc cho một bản kế hoạch tài chính.
Theo đó, các bài toán về giá cả, thuế, lãi xuất, dòng tiền lưu động hay hình thức thành lập doanh nghiệp… sẽ phải giải quyết rõ ràng, chi tiết.
Bàn về vấn đề tiếp cận và “thuyết phục” các tổ chức tài chính, chuyên gia Mai Vũ Thảo cho rằng, ở quy mô khởi nghiệp, hiện nay các ngân hàng thường quan tâm tới các dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh, dòng tiền, nhân sự tốt và đặc biệt là khả năng phát triển doanh thu nhanh chóng.
Khi đề cập đến một trong “nỗi khổ” của người khởi nghiệp là rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay, chuyên gia Trần Vũ Nguyên chia sẻ một sáng kiến cũng khá hợp lý đó là hãy tập làm “con nợ”.
Thay vì đợi đến khi cần ngân sách lớn mới gõ cửa ngân hàng, hãy tập mượn khi chúng ta chưa cần. Hãy bắt đầu từ mượn ít và trả đúng hạn, bởi nó không chỉ giúp doanh nghiệp có được ịch sử tín dụng tốt mà còn giúp tự nhận ra áp lực trả nợ”
Để biết được doanh nghiệp có thay đổi hay không, ông Nguyên cũng chia sẻ một trong những kinh nghiệm mà ông học được từ các công ty nước ngoài: “Hãy tạo cho mình một thói quen, chụp hình hoặc ghi lại những việc của công ty theo chu kỳ ba tháng một lần. Cứ sau ba tháng chúng ta đem ra đối chiếu xem có gì thay đổi. Nếu không có sự thay đổi thì chúng ta nên xem lại mô hình và cách làm của mình. Đặc biệt, dù lớn hay nhỏ, mỗi năm nên dành ra tối thiểu 5% số tiền doanh thu để tái đầu tư”.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này