10:31 - 06/07/2023
Sức mạnh của Edtech
Giữa tháng 5 này, công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) trong mảng công nghệ giáo dục (Edtech – Education Technology) Teky Alpha vừa huy động thành công 5 triệu USD (khoảng 117,3 tỷ đồng) từ Sweef Capital có trụ sở tại Singapore.
Teky thành lập năm 2016 và tập trung vào việc cung cấp giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (STEAM). Nguồn vốn mới huy động sẽ được công ty sử dụng để mở rộng các dịch vụ giáo dục của mình trong hệ thống trường học Việt Nam.
Tháng trước, công ty khởi nghiệp sáng tạo MindX, cũng trong mảng EdTech, cũng vừa nhận đầu tư 15 triệu USD từ quỹ của Singapore.
MindX được thành lập năm 2015 tại Hà Nội, chuyên về đào tạo kỹ năng công nghệ cho người Việt ở nhiều lứa tuổi. Dự án hiện có cơ sở tại nhiều thành phố, kết hợp với hình thức đào tạo qua các lớp học online về công nghệ và lập trình, như lập trình blockchain, phân tích dữ liệu, thiết kế UI-UX, kiểm thử phần mềm.
Con số 15 triệu USD của MindX là một trong những khoản gọi vốn lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ giáo dục tại Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Những sự kiện các công ty EdTech liên tục gọi được vốn thành công trong thời gian ngắn vừa qua đã tạo nên một sự quan tâm lớn trong các startup nói chung và trong lĩnh vực startup giáo dục nói riêng. MindX hay Teky không phải là đơn vị đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nhận được đầu tư. Tuy nhiên, những sự kiện này được coi như là một tín hiệu tích cực trong “mùa đông” của gọi vốn đầu tư trong thời gian gần đây.
Tạo “luồng gió mới”
Ở Việt Nam, có thể liệt kê một số đơn vị tiêu biểu đã gọi vốn thành công bao gồm: Edupia (14 triệu đô), Azota (2,5 triệu), Vuihoc (2 triệu), CoderSchool (2,6 triệu), Marathon Education (5,1 triệu), v.v..
Điều này chứng tỏ các startup trong lĩnh vực công nghệ giáo dục ở Việt Nam đang hoạt đội sôi nổi. Đấy là chưa kể đến các thương vụ đầu tư và M&A lớn khác như sự kiện tập đoàn EQuest nhận đầu tư 100M (con số không chính thức) từ tập quỹ đầu tư KKK của Mỹ.
Nhìn rộng ra khu vực và thế giới, hoạt động đầu tư trong mảng Edtech cũng khá sôi nổi trong những năm vừa qua. Theo số liệu của HolonIQ, tổng giá trị của hơn 1400 thương vụ đầu tư Edtech trong năm 2022 là khoảng 10.6 tỉ USD, chủ yếu tập trung vào các hệ thống quản lí và hỗ trợ học sinh/giáo viên.
Châu Á cũng đang có nhiều kỳ lân trong mảng Edtech, chẳng hạn như ByJu’s (Ấn Độ), Unacademy (Ấn Độ), Eruditus (Ấn Độ), Fendi (Trung Quốc), upGrad (Ấn Độ), v.v..
Sở dĩ Edtech có sự quan tâm như vậy bởi vì nó mang lại luồng gió mới, tạo ra được nhiều giải pháp cho những vấn đề của giáo dục truyền thống, và tạo ra nhiều cơ hội mới.
Trước tiên, Edtech có thể giúp tăng năng suất và hiệu quả trong đào tạo thông qua ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn, trước đây một giáo viên chỉ có thể giảng dạy từ vài chục đến vài trăm học sinh, nhưng với sự trợ giúp của công nghệ, một giáo viên có thể giảng dạy hàng nghìn đến hàng triệu học sinh một cách hiệu quả. Đấy là chưa kể một số giải pháp còn cho phép tự động hóa hoạt động học tập, không giới hạn số lượng người học.
Tiếp theo, Edtech có thể giúp mang lại trải nghiệm học tập hiệu quả hơn đối với từng người học thông qua việc cá nhân hóa hoạt động học tập và cung cấp phản hồi nhanh chóng cho người học. Dữ liệu học tập của người học được sử dụng và phân tích, để đưa ra các kịch bản học tập phù hợp nhất với từng đối tượng người học, từ đó mang lại sự phù hợp và hiệu quả đối với từng trường hợp.
Các startup về Edtech cũng có sự đang dạng về giải pháp: Nội dung học tập, kênh học tập, trải nghiệm học tập, đánh giá, công cụ hỗ trợ học tập, theo dõi hoạt động học tập, quản trị lớp học, v.v.. Do đó cơ hội để các startup phát triển ở trong mảng này cũng là đa dạng. Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI hiện nay, dự báo trong thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp Edtech ứng dụng AI trình làng mang lại nhiều giá trị vượt bậc.
Edtech cũng giúp mang đến các cách làm mới, cách tiếp cận mới, cơ hội mở rộng quy mô đào tạo cho các đơn vị. Tuy nhiên, bản thân công nghệ không thể tạo nên được sự đột phá nếu không đi cùng với việc thay đổi mô hình và quy trình hoạt động cũng như giải pháp tổng quan nói chung.
Từ góc nhìn của các nhà đầu tư, Edtech có lẽ là con đường duy nhất để các tổ chức giáo dục mở rộng được quy mô, tăng trưởng đủ nhanh để mang lại lợi ích tài chính. Kết thúc năm 2022, có 30 doanh nghiệp kỳ lân trong lĩnh vực Edtech, với tổng giá trị khoảng 100 tỉ USD.
Ở Việt Nam, sự phát triển của các giải pháp Edtech vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, có sự hạn chế cả về số lượng lẫn quy mô và tầm nhìn của các giải pháp. Các yếu tố nền tảng để hỗ trợ và thúc đẩy Edtech vẫn chưa thực sự tốt, từ chính sách của nhà nước, cho đến nền tảng công nghệ, năng lực ứng dụng công nghệ, năng lực của đội ngũ chuyên gia giáo dục, v.v..
Thậm chí, chúng ta vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng để phân biệt liệu một giải pháp có phải là Edtech hay không. Việt Nam vẫn chưa có một kỳ lân hoặc tiềm năng trở thành kỳ lân trong Edtech.
Với sự kiện của MindX, và sự quan tâm của các quỹ ngoại vào lĩnh vực Edtech, kỳ vọng rằng sắp tới sẽ có thêm nhiều thương vụ đầu tư được xúc tiến.
——–
(*) Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình CodeGym.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này