08:03 - 12/12/2015
Stephen Gary Wozniak: “Đừng có ý định đầu hàng!”
Tại buổi nói chuyện với hơn 400 doanh nghiệp trong khuôn khổ sự kiện S.M.A.C 2015 với chủ đề “Kết nối giá trị – Khơi dậy tiềm năng” do Mobifone tổ chức tại TP.HCM tuần qua, Wozniak đã xác nhận: ông là “cha đẻ” của hai dòng máy tính Apple I và Apple II vào giữa thập kỷ 1970, những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới.
Theo lời kể của Wozniak, năm 1971, khi biết ông đang nghiên cứu về máy tính cá nhân, Steve Jobs đã động viên ông hoàn thiện sản phẩm và đó là “nguồn vốn” của Wozniak khi xúc tiến thành lập công ty Apple sau đó vài năm. Theo nhiều tài liệu, Wozniak được tôn vinh là “người tiên phong của dòng sản phẩm máy tính cá nhân trên thế giới”.
Dù tự hào là người tiên phong của nhóm máy tính cá nhân cho đến ngày hôm nay, nhưng Wozniak nói: “Không có Steve Jobs sẽ không có một Wozniak của cách đây 40 năm! Ông ấy, Steve Jobs, không học hết đại học như tôi cũng như chưa thông qua khoá đào tạo về quản lý kinh doanh nào, nhưng ông ấy là con người vĩ đại luôn luôn tạo ra ý tưởng mới, biết xây dựng tinh thần dân chủ trong công ty… Steve Jobs luôn tôn trọng đặc biệt những con người có óc sáng tạo. Phải biết tôn trọng và tận dụng những ý tưởng động trời, điên điên thành những sản phẩm hữu dụng trong cuộc sống của chúng ta”.
Người đồng sáng lập Apple không giấu giếm khi nói rằng, cách đây 40 năm, là một kỹ sư nhưng ông đã chịu ảnh hưởng của Jobs về quan điểm nghiên cứu: “Không chỉ sáng tạo mà còn phải cải tiến liên tục sản phẩm để phục vụ con người. Một sản phẩm dù hoàn hảo đến mức độ nào về công nghệ mà không phục vụ con người thì sản phẩm đó không đáng để được nói đến”. Kodak, một khuôn mẫu về sáng tạo trong công nghệ cao nhưng đã phá sản năm 2012 chỉ vì những phát kiến công nghệ của họ không được cộng đồng ủng hộ, hay nói cách khác, những sản phẩm của họ không thiết thực với cuộc sống con người.
Mỗi công ty, theo gợi ý của Wozniak, cần có từ 2 – 3 nhóm nghiên cứu sáng tạo độc lập với nhau và cần một bộ óc chung để nối kết những nghiên cứu riêng thành một sản phẩm hoàn thiện. Quan điểm đó, theo Wozniak, là nguyên tắc chung để một sản phẩm, một công ty tồn tại. Tại buổi nói chuyện, Wozniak còn dẫn chứng những trường hợp nổi tiếng trên thế giới như Hewlett Packard, Dell… Theo Wozniak, Hewlett Packard khởi thuỷ là một công ty chuyên sản xuất máy tính cầm tay, nhưng họ đã tồn tại và phát triển là nhờ biết tích hợp những phép tính phức tạp hơn vào chiếc máy tính để phục vụ học trò, nhân viên văn phòng… “Muốn tồn tại trong thời đại cạnh tranh gay gắt, phải biết tạo ra sự khác biệt trong từng hướng nghiên cứu, sản phẩm. Theo tôi, không cần phải là người tiên phong phát kiến sản phẩm mà chỉ cần biết cải tiến những sản phẩm đã có trên thị trường theo chiều hướng hoàn thiện hơn để có những sản phẩm tốt hơn”, Wozniak chia sẻ.
Chia sẻ với nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam về vai trò con người trong thời đại công nghệ cao, Wozniak nói rằng: “Những chiếc máy tính có thể xử lý hàng tỉ phép tính trong một giây, nhưng máy tính do con người tạo ra. Tôi muốn nói với các bạn, đừng chấp nhận làm nô lệ của công nghệ mà phải là ông chủ của công nghệ. Robot có thể làm những gì mà con người không làm được nhưng nó không có bộ óc”.
“Làm con người trong thời đại này khó lắm. Nên đã làm người, các bạn đừng có ý định đầu hàng hay bỏ cuộc mà phải theo đến cùng với những khát vọng và đam mê của mình”, Wozniak kết thúc buổi nói chuyện bằng những chia sẻ động viên, khích lệ giới chủ trẻ của Việt Nam.
Stephen Gary Wozniak (65 tuổi), còn có biệt danh là “Woz” (viết tắt từ: Wheels of Zeus) là một kỹ sư máy tính và là lập trình viên người Mỹ, cùng với Steve Jobs và Ronald Wayne sáng lập Apple.
Gia Vinh
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này