10:52 - 27/09/2022
Người Việt điên đảo vì tiền ảo
Việt Nam là nước duy nhất đạt điểm tuyệt đối, đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số chấp nhận tiền điện tử của người dân trên toàn cầu, bất chấp thị trường đang lao dốc – theo bảng xếp hạng của hãng công nghệ Chainanalysis của Mỹ.
Đây là năm thứ ba Chainalysis thực hiện bảng xếp hạng này, với năm đầu tiên Việt Nam xếp hạng 10 và bất ngờ vọt lên vị trí số một và duy trì ngôi quán quân trong năm nay. Chainanalysis nói rằng những con số trên cho thấy sức mua lớn của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực tiền điện tử và sự chấp nhận cao của người dân về các công cụ tiền số phi tập trung DeFi hay ngang hàng P2P.
Điểm tuyệt đối hoàn hảo?
Dữ liệu được thống kê và xếp hạng từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ từ đầu tháng 7/2021 đến cuối tháng 6/2022, trong đó Việt Nam được chấm 1 điểm (điểm tuyệt đối). Kế đến là Philippines với 0,75 điểm. Ba vị trí tiếp theo là Ukraine 0,69 điểm, Ấn Độ 0,66 điểm và Mỹ 0,65 điểm. Trung Quốc được 0,53 điểm, đứng thứ 10. Bảng xếp hạng dựa trên những chỉ số liên quan đến khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung, khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P), khối lượng giao dịch trên các nền tảng DeFi. Các chỉ số được lấy trung bình trong một năm, thang điểm 0 – 1 cho từng quốc gia.
Sự quan tâm đến tiền ảo của người Việt ngày càng tăng. Theo khảo sát của hãng Statista năm 2020, có đến 21% người Việt được khảo sát nói đã biết hoặc sử dụng tiền số. Một trong những lý do khiến chỉ số chấp nhận tiền điện tử ở Việt Nam ở mức cao là người Việt nắm bắt rất nhanh xu hướng mới của thế giới. Game P2E (chơi để kiếm tiền) có doanh thu cao nhất thế giới Axie Infinity do người Việt phát hành. Các trào lưu mới như M2E (chạy bộ kiếm tiền) cũng nhanh chóng nở rộ và được nhiều người hưởng ứng. Tuy vậy, một khung thử nghiệm (sandbox) pháp lý vẫn chưa được công bố. Ở cấp độ khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan trở thành trung tâm giao dịch tiền mã hóa hàng đầu, vượt qua trung tâm tài chính Singapore.
Thái Lan ghi nhận 135,9 tỷ đô la giá trị tiền điện tử được giao dịch trong năm, trong khi Việt Nam đạt 112,6 tỷ đô la. Singapore chỉ đạt 100,3 tỷ đô la.
“Người dùng ở các nước có thu nhập trung bình thấp và trung bình cao sử dụng đồng tiền điện tử trong các giao dịch kiều hối, nhằm bảo toàn giá trị tiền tiết kiệm của họ trong thời buổi các đồng tiền pháp định biến động. Các quốc gia này cũng có xu hướng dựa vào bitcoin và stablecoin nhiều hơn các quốc gia khác”, báo cáo của Chainalysis viết.
Luật càng chặt, “sự thèm khát” của nhà đầu cơ càng giảm
Những đợt tăng giá đột biến trong năm qua của tiền ảo đã khiến “nhà nhà, người người” lao vào tiền số, đặc biệt là ở những nước nghèo hơn. Ở những nước có hệ thống luật pháp chặt chẽ, người ta lại tỉnh táo hơn, đặc biệt là giới giàu và siêu giàu.
Một khảo sát năm 2022 của ngân hàng đầu tư tư nhân Lombard Odier tại Thụy Sĩ cho thấy: Lo ngại về lạm phát gia tăng và sự biến động của thị trường đã khiến người giàu châu Á thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư hay kinh doanh.
Các cá nhân có giá trị ròng cao – tức những người giàu có thể đầu tư từ 1 triệu đô la trở lên – đang thận trọng và bảo thủ hơn, chuyển dòng tiền sang thị trường tư nhân để bảo vệ tài sản của họ khỏi các biến động của thị trường. Lombard nói rằng người giàu châu Á đang tránh xa cổ phiểu và trái phiếu để tập trung vào doanh nghiệp của riêng mình hoặc các tài sản được xem là an toàn hơn như vàng và tiền mặt. Đồng thời, họ cũng hiểu rõ rằng các đồng tiền mã hóa vốn dễ bay hơi giá trị trong thời gian ngắn. Có đến 83% người giàu châu Á không có bất kỳ khoản đầu tư nào vào tiền mã hóa hoặc có đầu tư nhưng ít hơn 5% tổng danh mục đầu tư.
Lombard hiện quản lý và giám sát khối tài sản hơn 360 tỷ đô la của các khách hàng trên toàn cầu. Ngân hàng đã thực hiện khảo sát hơn 450 cá nhân có giá trị ròng cao ở Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Đài Loan và Úc trong hai tháng 5 và 6/2022. Số người được Lombard thăm dò ở Indonesia cao hơn ở các nước khác. Kết quả gây bất ngờ: Người giàu và siêu giàu ở Indonesia có tỷ lệ đầu tư vào tiền ảo cao nhất 77%, so với 59% ở Hong Kong và 55% tại Đài Loan.
Nghiên cứu của Lombard cho thấy người giàu ở Indonesia có xu hướng đầu tư lớn vào tiền mã hóa, thậm chí còn nhiều hơn người dân ở các trung tâm tài chính châu Á như Singapore và Hong Kong, bất chấp sự trồi sụt thất thường về giá trị của các đồng tiền này trong nhiều tháng qua. Gần 40% những người được hỏi ở Indonesia – quốc gia đông dân nhất, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – có kế hoạch tăng tỷ trọng của tài sản kỹ thuật số trong danh mục đầu tư của họ. Điều này trái ngược hoàn toàn với con số 20% ở Singapore và Hong Kong. Kết quả khảo sát của Lombard vẽ ra bức tranh về “sự thèm khát” của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro trong bối cảnh được gọi là “mùa đông tiền mã hóa”.
Hồi tháng 5/2022, đồng TerraUSD, còn được gọi là UST khi đó, đạt đỉnh cao khi tổng giá trị thị trường chạm gần ngưỡng 19 tỷ đô la. Sự sụp đổ bất ngờ của UST và mã token Luna song hành đã khiến cả hai hiện nay trở nên gần như là vô giá trị. Được gọi một cách mỉa mai là “stablecoin” – đồng coin ổn định, các mã token dự kiến sẽ duy trì giá trị ở mức 1 đô la, nhưng lại chúi mũi, khiến các loại tiền điện tử khác từ bitcoin đến Ethereum đồng loạt giảm giá trị. “Có lẽ ngay từ đầu, người dân Indonesia đã quan tâm rất nhiều đến việc đầu tư vào tiền điện tử. Vì thế, xu hướng này trở nên nổi bật hơn ở Indonesia”, theo lời Jean-françois Aboulker, người phụ trách nhóm thị trường người siêu giàu của Lombard ở châu Á.
Ông Aboulker gợi ý rằng các cách tiếp cận khác nhau đối với quy định tiền điện tử có thể dẫn đến thái độ khác nhau đối với loại tài sản. Nhưng ông nhìn nhận rằng ông không có câu trả lời chính xác cho lý do tại sao những người ở Indonesia có vẻ “hăng máu” hơn các nơi khác.
Việc mua bán hay đầu tư tiền điện tử tại Indonesia được cho phép, với bitcoin được công nhận là hàng hóa – theo hãng tư vấn Cekindo Business International của Indonesia. Ở Singapore và Hong Kong, việc giám sát kỹ lưỡng tiền điện tử đã được siết chặt hơn. Sự sụp đổ của các đồng tiền mã hóa trong năm nay đã gây tổn hại với nhiều nhà đầu tư và nơi cung cấp dịch vụ mã token. Tình trạng này buộc nhà chức trách hai trung tâm tài chính châu Á phải xem xét các động thái tiếp theo để kiểm soát rủi ro chặt hơn.
So với các nước ASEAN khác, Singapore là nơi thu hút nhiều nhất các công ty kinh doanh tiền mã hóa toàn cầu đến mở văn phòng trong các năm qua. Nhiều công ty trong số này đã lao đao trong các đợt bán tháo tiền điện tử vào đầu năm. Việc chính phủ siết chặt việc cấp phép và gia tăng kiểm soát với các hoạt động kinh doanh tiền ảo cũng khiến số công ty đóng cửa và rời bỏ hòn đảo này.
Theo hãng luật Norton Rose Fulbright, một số cơ quan quản lý tài chính của Hong Kong đã ban hành hướng dẫn liên quan đến tài sản tiền điện tử, bao gồm Ủy ban chứng khoán và hợp đồng tương lai hay Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong (HKMA). Hồi tháng 6, đặc khu này đã ban hành cơ chế cấp phép cho những công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo, các quy định chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố – tương tự như Singapore đã làm trong hai năm qua.
“Mỗi quốc gia tiếp cận với tiền mã hóa theo cách khác nhau. Khi tiền điện tử mới xuất hiện – ban đầu là bitcoin rồi Ethereum và các đồng khác, tất nhiên chúng ta thấy có động lực để hào hứng đầu tư. Giờ đây, sự hào hứng đang được thử thách”, theo lời Jean-Françis Aboulker, người phụ trách nhóm thị trường người siêu giàu của Lombard ở châu Á.
Ricky Hồ (theo TGHN)
———–
Nguồn: Bloomberg, Nikkei Asia và Chainalysis.
Có thể bạn quan tâm
Google sẽ trả nhuận bút cho các hãng truyền thông
Thị trường Đông Nam Á sẽ cứu Tesla?
Google đối mặt với vụ kiện chống độc quyền tại Ấn Độ
Nền tảng Blockchain mở của JD.com có gì đặc biệt?
Baemin ngừng hoạt động tại Việt Nam từ 8/12
Tags:người Việttiền ảo
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này