11:16 - 08/04/2024
Làn sóng đầu tư đang quay lại các startup Đông Nam Á?
Những công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á có thể sẽ chứng kiến lượng vốn đầu tư tăng trở lại trong năm nay khi các quỹ đầu tư mạo hiểm tìm kiếm sự đảm bảo về lợi nhuận.
Hàng tỷ USD vốn đã rút khỏi các công ty khởi nghiệp trong khu vực vào năm 2023, khi nền kinh tế toàn cầu chao đảo vì xung đột địa chính trị, cú sốc giá dầu, lãi suất cao và lạm phát gia tăng.
Các chuyên gia nhận định trong năm nay, một phần số tiền vốn đó sẽ quay trở lại các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, nhưng có thể các nhà đầu tư sẽ tìm cách đầu tư thận trọng hơn.
“Hiện nay có xu hướng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp không chỉ thể hiện sự đổi mới mà còn mang lại lợi nhuận. Edward Ismawan, thuộc Hiệp hội đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp Indonesia, nói với This Week in Asia rằng những ai đã chứng tỏ được khả năng phục hồi của mình sẽ gặt hái được nhiều lợi ích.
Trong một thế giới không sử dụng tiền mặt, công nghệ tài chính, thanh toán điện tử, bán hàng trực tuyến và gọi xe thống trị các vòng cấp vốn trong khu vực, trong khi nền kinh tế xanh mang đến những cơ hội mới trong các lĩnh vực có sự tăng trưởng rõ ràng. Nhưng những ý tưởng mới có thể khó nhận được khoản đầu tư cần thiết trong những tháng tới.
Lawrence Loh, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Do môi trường đầu tư ngày càng trở nên thách thức, các nhà đầu tư ngày càng chọn lọc hơn và đầu tư vào các công ty đã qua giai đoạn hình thành ý tưởng”.
Ông Loh cho biết thêm: “Gần đây đã có một làn sóng ý tưởng trong lĩnh vực không gian công nghệ và kỹ thuật số, nhưng đã có sự chuyển đổi sang ưu tiên tài trợ ở giai đoạn sau vì đây là những ý tưởng dễ thương mại hóa hơn”.
“Các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến các công ty khởi nghiệp, nhưng hầu hết đã trở nên “chọn lọc” hơn và thích gắn bó với những thương vụ an toàn hơn”, ông Loh chia sẻ.
Singapore – nơi có khoảng 4.000 công ty khởi nghiệp công nghệ, trong đó có 18 công ty kỳ lân và hơn 400 công ty đầu tư mạo hiểm – vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất cho các công ty khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á.
Được thành lập vào năm 2020, Bolttech, kỳ lân công nghệ bảo hiểm có trụ sở tại Singapore, gần đây đã huy động được 246 triệu USD trong vòng cấp vốn series B sau khoản đóng góp 50 triệu USD từ một công ty đầu tư.
Điều hành một sàn giao dịch cho phép các công ty bảo hiểm, nhà phân phối và khách hàng mua bán các sản phẩm bảo hiểm, công ty này đã nhận được giấy phép hoạt động ở tất cả các bang của Hoa Kỳ và vào tháng 10/2023 đã bắt đầu xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 300 triệu USD tại Mỹ, theo các nguồn tin nói với Bloomberg.
Một thị trường khác trong khu vực được đánh giá tích cực là Malaysia. Chính phủ Malaysia đang quảng bá quốc gia này như một bệ phóng lý tưởng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tiềm năng phát triển nhờ dân số có trình độ học vấn, đa ngôn ngữ và cơ sở hạ tầng phát triển.
“Vai trò chiến lược của Malaysia là cung cấp bến đỗ cho các công ty khởi nghiệp nước ngoài xây dựng hoạt động trong khu vực, làm quen với các sắc thái văn hóa của thị trường ASEAN và kiểm tra mức độ phù hợp của sản phẩm với thị trường trước khi mạo hiểm sang các khu vực khác”, ông Eric Lee, chuyên gia của Digital Districts, một công ty xây dựng hệ sinh thái công nghệ ASEAN, nói với This Week in Asia.
Ông cho biết, thủ đô Kuala Lumpur và các bang Penang, Johor, Sabah và Sarawak là những nơi thử nghiệm độc đáo với mức độ đô thị hóa, ngôn ngữ và sự phát triển khác nhau. Điều này cho phép các công ty khởi nghiệp nước ngoài thử nghiệm các dịch vụ của họ ở Malaysia trước tiên và đạt được những hiểu biết sâu sắc về văn hóa, giúp tăng cơ hội thâm nhập thành công vào quốc gia ASEAN tiếp theo.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, vẫn có một số rào cản khi thực hiện kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á như nhiều thủ tục hành chính phức tạp và quan liêu có thể cản trở kế hoạch mở rộng hoạt động…
Theo Cẩm Anh/DĐDN
Ngày đăng: 8/4/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này