12:31 - 17/07/2023
Cơn sốt Metaverse đã hạ nhiệt
Metaverse không còn là thứ mang lại nhiều cơ hội đầu tư và kiếm tiền như nhiều người nghĩ.
Metaverse – thế giới ảo đã gây nên một cơn sốt trong ngành công nghệ ở thời điểm hai năm trước, đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Một loạt công ty lớn đã rút khỏi cuộc đua Metaverse sau khi nhận thấy lĩnh vực này không hề dễ kiếm tiền như những gì họ đã tưởng lúc đầu.
Trước tình hình đó, công ty Meta – trước đây là Facebook – đang cải tiến ứng dụng metaverse Horizon Worlds, tập trung vào việc giữ chân người dùng hơn là tăng trưởng và xây dựng dịch vụ cốt lõi có giá trị thay vì mở rộng quy mô.
Mới đây, trong một sự kiện Brainstorm Tech diễn ra tại Utah, Mỹ, giám đốc điều hành Vishal Shah – người phụ trách giám sát dự án metaverse của Meta, tuyên bố rằng “cơn sốt” metaverse đã lắng xuống. Ông Vishal Shah nói rằng: “Chúng tôi không đầu tư vào quảng cáo metaverse một cách rầm rộ, thực chất chúng tôi đã đầu tư vào phân khúc này trong nhiều năm rồi”.
Được biết Meta đã chi hàng tỷ USD để xây dựng metaverse – tầm nhìn cho Internet nơi người dùng tương tác trong thế giới ảo. Chỉ riêng trong năm 2022, công ty này đã chi tới 15,9 tỷ USD cho bộ phận Phòng thí nghiệm thực tế Reality Labs, đơn vị có nhiệm vụ xây dựng phần cứng và phần mềm cần thiết cho siêu dữ liệu. Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg cho biết ông coi metaverse là biên giới tiếp theo cho công nghệ điện toán.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất Horizon gặp phải là nó không thể giữ chân người dùng. Người chơi tải trò chơi trên tai nghe thực tế ảo Quest, dùng thử và không tìm thấy bất kỳ trải nghiệm tích cực nào thúc đẩy họ quay trở lại. Bởi lẽ, ngay cả khái niệm “metaverse” cũng gây khó hiểu. Thuật ngữ này vốn được sử dụng để mô tả ý tưởng về một thế giới ảo của các trải nghiệm kỹ thuật số được kết nối thông qua tai nghe mô phỏng thực tế với khả năng làm việc, giao lưu, mua sắm, xem giải trí và thậm chí là mua đất ảo.
Chưa kể, khái niệm về Metaverse cũng bao hàm thêm nhiều phạm trù công nghệ khô khan khác như thực tế ảo (AR), thực tế tăng cường (VR), thực tế mở rộng (XR),… Khi tìm kiếm từ khoá Metaverse trên Internet, người dùng dễ dàng nhận ra định nghĩa và cách giải thích về vai trò của nó còn chưa rõ ràng, thiếu chi tiết và tính thực tế. Trong khi đó, những thương hiệu theo đuổi Metaverse lại chưa hoàn toàn thuyết phục người tiêu dùng tin vào giá trị thực của công nghệ này để quyết định gia nhập thế giới ảo.
Điển hình, Meta đã chi hàng tỷ USD để xây dựng thế giới ảo từ khi đổi tên từ Facebook. Tuy nhiên, trong chớp mắt sự bùng nổ của ứng dụng chủ lực về Metaverse của Meta là Horizon Worlds lại gần như “phá sản” như bong bóng xà phòng. Kể từ khi dốc toàn lực vào metaverse, cổ phiếu công ty đã giảm gần 3/4 vào nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân một phần là do công ty đã chi hàng tỷ đô la đầu tư vào metaverse mà không có doanh thu đáng kể.
Theo đó, doanh số kính thực tế ảo Quest 2, thiết bị được dùng để truy cập Horizon Worlds và các ứng dụng thực tế ảo khác, cũng giảm trong quý 1/2023.
Từng là một người rất tin tưởng vào tương lai của metaverse, Mark Zuckerberg dường như chưa hẳn “quay xe” nhưng vị CEO của Meta đã phát tín hiệu rằng đây sẽ là mảng sau AI. Hồi tháng 2, ông Zuckerberg tuyên bố: “Hai làn sóng công nghệ lớn thúc đẩy lộ trình của chúng tôi là AI ở thời điểm hiện tại và Metaverse trong dài hạn”. Trong cuộc điện đàm vị CEO của Meta đã nhắc đến từ “AI” tới 28 lần, trong khi từ “Metaverse” chỉ được nhắc đến 7 lần.
“Không có gì là khó hiểu khi nhiều công ty cảm thấy rằng nếu họ phải giảm số nhân viên hoặc chi tiêu nói chung, hạng mục metaverse chính là một mục tiêu tương đối dễ dàng để cắt giảm”, theo nhà phân tích Scott Kessler thuộc Công ty nghiên cứu Third Bridge Group. Ông Kessler nói thêm, “Đầu tư vào AI hứa hẹn mang lại lợi nhuận trong tương lai gần hơn”.
Có thể thấy, quyết tâm theo đuổi siêu AI có lẽ phù hợp hơn với hiện tại khi mà sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ nặng ký khác như ChatGPT của OpenAI, Bing của Microsoft hay Bard của Google, khiến Meta và Mark Zuckerberg phải tính toán lại.
Bên cạnh đó, Khi mà những gã khổng lồ công nghệ và giải trí đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng thế giới ảo này nhưng cuối cùng phát hiện ra hầu hết mọi người không quá hứng thú với metaverse, họ buộc phải thay đổi. Cuộc đua của metaverse trong tương lai còn lâu mới kết thúc. Tuy nhiên, xét về mặt lợi nhuận, rõ ràng, các công ty sẽ ưu tiên điều gì đó mang lại hiệu quả đầu tư hơn là một thứ mơ hồ như metaverse.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này