
16:22 - 19/12/2023
Thị trường 24/7: Vàng SJC tiến sát mốc 75 triệu đồng một lượng; Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi vượt 1,1 tỷ USD
Vàng SJC tiến sát mốc 75 triệu đồng một lượng: Chiều 19/12, giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đã tăng vọt lên 73,9 – 74,9 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – giá bán ở mức 1 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 400.000 đồng so với giờ mở cửa và tăng 500.000 đồng so với chốt phiên trước, đồng thời vàng xác lập kỷ lục mới trong lịch sử. Giá vàng nhẫn SJC 99,99 loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ tăng nhẹ 50.000 đồng so với buổi sáng giao dịch ở mức 61 – 62,05 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI điều chỉnh giá vàng miếng SJC mức 73,75 – 74,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng so với buổi sáng. Nhẫn tròn 9999 được mua – bán tăng 150.000 đồng lên ở mức 61,3 – 62,2 triệu đồng/lượng. CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 73,8 – 74,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng. Nhẫn trơn PNJ 999.9 được mua – bán với mức giá 60,95- 62 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước bật tăng sau khi thị trường vàng thế giới tăng mạnh trong phiên trước bất chấp nền kinh tế Mỹ có tín hiệu tăng tốc trong tháng 12.
Tháng 11, lượng ô tô nhập khẩu giảm sâu: Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023, lượng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc trong tháng 11 giảm sâu. Cụ thể, trong tháng 11 cả nước chỉ nhập 7.508 xe ô tô các loại. So với cùng kỳ năm 2022, con số này giảm tới hơn 3 lần. Còn so với tháng 1/2023, lượng xe ô tô nhập về giảm tới một nửa.
Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc là 3 thị trường ô tô chính mà Việt Nam nhập khẩu trong 11 tháng qua. Thái Lan dẫn đầu với 50.144 xe, kim ngạch đạt 1,074 tỷ USD; Đứng thứ 2 là thị trường Indonesia với 40.474 xe, kim ngạch 574,38 triệu USD; Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3, với 9.843 xe, chủ yếu là xe tải, kim ngạch là 360,27 triệu USD.
Tính hết 11 tháng, cả nước chi 2,65 tỷ USD để nhập 111.278 chiếc ô tô.
Tăng giá vé tại 47 trạm thu phí BOT: Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam và các doanh nghiệp dự án BOT về việc điều chỉnh giá vé tại các hợp đồng BOT do Bộ quản lý. Theo đó, sẽ điều chỉnh tăng giá vé tại 47 trạm thu phí BOT. Dự kiến từ 0 giờ ngày 29/12/2023, sẽ thực hiện điều chỉnh tăng giá vé tại 41 dự án BOT đường bộ với 47 trạm thu phí BOT.
Lý giải về tăng giá vé các dự án BOT, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm).
Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019-2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2 nhưng vẫn chưa được tăng giá làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
Giá thép tiếp tục tăng: Mỗi tấn thép tăng khoảng 200.000 đồng vào dịp cao điểm xây dựng cuối năm và là đợt tăng thứ tư liên tiếp trong một tháng qua.
Như vậy, giá vật liệu này đã tăng bốn lần liên tiếp trong khoảng một tháng qua với mức tăng lũy kế hơn 300.000-500.000 đồng mỗi tấn. Đợt điều chỉnh giá bắt đầu từ cuối tháng 11 khi các hãng cộng thêm 150.000 đồng mỗi tấn. Đó là lần đầu thép tăng giá sau gần ba tháng đứng yên. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả loại vật liệu này cũng chỉ ngang mức tháng 7 năm nay và tiệm cận tháng 8/2022, tức vẫn nằm trong vùng giá thấp của khoảng ba năm gần đây.
Tuy các dự án bất động sản dân cư vẫn còn đình trệ, thói quen xây và sửa chữa nhà ở của người dân giúp ngành xây dựng ấm dần lên. Thêm vào đó, các công trình công cộng cũng được gấp rút triển khai để kịp hoàn thành trước năm mới.
Trung Quốc tăng nhập, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi vượt 1,1 tỷ USD: Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng qua kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của cả nước đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong số các nhà nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam. Trong 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt gần 540 triệu USD tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc hiện chiếm gần 49% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Đứng thứ 2 sau Trung Quốc là thị trường Campuchia, trong 11 tháng đạt kim ngạch tới 155,5 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt gần 109 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường Trung Quốc tăng nhập, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tăng mạnh. Ảnh: Chí Nhân/Thanh Niên.
Anh áp dụng thuế carbon với hàng nhập khẩu: Anh cho biết sẽ đánh thuế carbon nhập khẩu vào năm 2027 với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có phí carbon thấp hơn hoặc không có phí carbon.
Quyết định của Chính phủ Anh ngày 18/12 cho biết khoản thuế này như một phần của nỗ lực khử carbon của Anh. Cơ chế nói trên được gọi là Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), sẽ áp dụng cho các sản phẩm sử dụng nhiều carbon trong lĩnh vực sắt, thép, nhôm, phân bón, hydro, gốm sứ, thủy tinh và xi măng nhập khẩu.
Theo Reuters, khoản phí áp dụng sẽ phụ thuộc vào lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu và khoảng cách giữa giá carbon áp dụng tại quốc gia xuất xứ (nếu có) và giá carbon mà các nhà sản xuất ở Anh phải chịu.
VinFast và Marubeni hợp tác tái sử dụng pin xe điện: Ngày 18/12, tại Tokyo, VinFast và Tập đoàn Marubeni (Marubeni) đã chính thức công bố Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác tái sử dụng pin xe điện hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Theo thỏa thuận, VinFast và Marubeni sẽ hợp tác nghiên cứu, sản xuất các hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) từ pin xe điện đã qua sử dụng. Trong đó, VinFast sẽ là đơn vị cung ứng pin xe điện; Marubeni đảm nhiệm việc đánh giá khả thi, tư vấn kỹ thuật và triển khai lắp đặt BESS. Hai bên cũng đồng thời hợp tác thúc đẩy các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực pin xe điện đã qua sử dụng, nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn.
Dự kiến, Marubeni sẽ ứng dụng công nghệ độc quyền từ đối tác chiến lược để tái sử dụng pin xe điện VinFast, phát triển thành BESS với giá cả phải chăng, sản xuất dễ dàng mà không cần tháo dỡ, xử lý và đóng gói lại pin.
Trung Quốc sẽ xuất đi 287 triệu chiếc smartphone trong năm 2024: Theo Công ty nghiên cứu thị trường IDC, năm 2024 Trung Quốc sẽ xuất đi 287 triệu chiếc smartphone, tăng 3,6% so với năm 2023 nhờ nhu cầu của người tiêu dùng đối với các thiết bị điện tử.
Nếu thành hiện thực, đó sẽ là lần đầu tiên thị trường smartphone Trung Quốc đạt mức tăng trưởng hàng năm kể từ năm 2021 tới nay. Theo IDC, lượng smartphone do Trung Quốc xuất đi trong quý 4/2023 có thể sẽ tăng lần đầu tiên sau 10 quý đình trệ.
IDC nhận định, người tiêu dùng ngày càng chú ý đến việc nâng cấp lên các mẫu smartphone có bộ nhớ lớn hơn. Ngoài ra, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu smartphone trong nước sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp Trung Quốc tung ra các sản phẩm cạnh tranh hơn vào năm tới. Lĩnh vực smartphone của Trung Quốc đã chịu áp lực trong những năm gần đây do nhu cầu tiêu dùng yếu hơn, những khó khăn về kinh tế vĩ mô và sự gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường 24/7: Vàng miếng rớt khỏi mốc 91 triệu đồng/lượng; Mỹ chi 1 tỷ USD đối phó khủng hoảng trứng
Bản tin hội nhập số 119
Nền kinh tế ‘slow motion’ sẽ khiến Thái Lan tụt hậu trong 10 năm tới
Tập đoàn dầu khí Thái Lan nhắm đến thị trường đạm thực vật
Thị trường 24/7: Du khách Việt có nhu cầu xuất ngoại tăng cao nhất khu vực ĐNÁ; Novaland bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng dầu giảm lần thứ ba liên tiếp; Thái Lan tăng cường quản lý nguồn cung trái cây

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này