15:47 - 05/01/2024
Thị trường 24/7: Vàng nhẫn 24K ‘ngược dòng’ tăng mạnh; An Giang xuất 6 tấn xoài tượng sang Úc – Mỹ
Vàng nhẫn 24K “ngược dòng” tăng mạnh: Trong khi giá vàng SJC ổn định, vàng thế giới giảm thì giá vàng nhẫn 24K lại vượt 63 triệu đồng/lượng.
Lúc 9 giờ 30, ngày 5/1, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 72 triệu đồng/lượng, bán ra 75 triệu đồng/lượng, ổn định so với cuối ngày hôm qua. Một số doanh nghiệp khác như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán ra vàng SJC cao hơn ở mức 75,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng 24K các loại được giao dịch 61,95 triệu đồng/lượng mua vào, 63 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm qua. Đáng chú ý, giá vàng nhẫn 24K các loại tăng trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm tiếp xuống 2.045 USD/ounce, mất khoảng 5 USD/ounce so với phiên trước. Trong 3 ngày qua, giá vàng thế giới đã mất khoảng 30 USD/ounce (tương đương 900.000 đồng/lượng).
Kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD: Báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2023 ước đạt 1,5 tỷ USD (đạt 100% kế hoạch đề ra). Trong đó, thủy sản đạt 925 triệu USD (đạt 80,43% kế hoạch, giảm 11,14% so với cùng kỳ), gạo đạt 450 triệu USD (tăng 33,93% so với cùng kỳ), may mặc đạt 120 triệu USD (bằng cùng kỳ 2022).
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, về xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, EU… và khai thác tốt các lợi thế do FTA mang đến.
Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu năm 2023 của tỉnh Sóc Trăng là gạo xuất khẩu tăng trưởng rất tốt, với kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD (tăng 33,93% so với năm 2022) chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thị trường xuất khẩu truyền thống và trọng điểm tiếp tục giữ vững, như: Philippines, Trung Quốc…
Carrefour dừng bán sản phẩm ‘tăng giá quá cao’: Ngày 4/1, Carrefour – một trong các chuỗi siêu thị lớn nhất Pháp – cho biết các kệ bày sản phẩm của PepsiCo tại Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ sẽ được họ dán nhãn không nhập thêm hàng “do giá tăng ở mức khó chấp nhận”, người phát ngôn của Carrefour cho biết.
Động thái của Carrefour sẽ tác động đến hơn 9.000 cửa hàng tại 4 quốc gia này, tương đương hai phần ba số siêu thị toàn cầu của hãng, theo báo cáo năm 2022. Reuters cho biết tại một siêu thị của Carrefour ở Pháp hôm qua, một số sản phẩm của PepsiCo, như nước ngọt có gas và snack, đã không còn trên kệ.
Carrefour là chuỗi bán lẻ tích cực nhất trong việc đấu tranh về giá với các hãng thực phẩm và hàng tiêu dùng lớn. Năm ngoái, họ dán cảnh báo lên 26 sản phẩm không tăng giá nhưng lại bị nhà sản xuất giảm kích thước.
Giá cà phê xuất khẩu diễn biến trái chiều: Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 4/1, giá Arabica giảm thêm 0,38% về mức thấp nhất trong gần một tháng, trong khi giá Robusta khởi sắc với mức tăng 1,13%, sau ba phiên giảm liên tiếp trước đó.
Diễn biến trái chiều từ hoạt động xuất khẩu cà phê tại các quốc gia cung ứng chính đã đưa đến những tác động khác nhau đối với diễn biến giá.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. “Năm 2024, có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu. Quý 1/2024, giá cà phê Robusta và Arabica sẽ duy trì ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định
An Giang xuất khẩu 6 tấn xoài tượng da xanh sang Úc và Mỹ: Ngày 5/1, UBND huyện Chợ Mới (An Giang) phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh này tổ chức lễ công bố xuất khẩu 6 tấn xoài tượng xanh của huyện Chợ Mới sang thị trường Úc và Mỹ.
6 tấn xoài tượng da xanh có cấp mã số vùng trồng được Công ty Vina T&T mua của Hợp tác xã sản xuất Gap Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) để xuất khẩu sang thị trường Úc và Mỹ.
Ông Đoàn Thanh Lộc, Phó chủ tịch UBND H.Chợ Mới cho biết, huyện hiện có hơn 6.400 ha xoài và là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh An Giang. Trong đó, xoài tượng da xanh tập trung chủ yếu ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân với tổng diện tích hơn 4.200 ha.
Ngân hàng Thái Lan tăng hiện diện tại Việt Nam: Kasikornbank (KBank) – ngân hàng cho vay lớn thứ hai của Thái Lan tính theo tổng tài sản – cho biết ngân hàng đang tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh ngân hàng quốc tế trong năm nay tại Việt Nam và Indonesia dựa trên tiềm năng tăng trưởng cao của hai nền kinh tế cùng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Giám đốc điều hành KBank, Kattiya Indaravijaya, cho biết Việt Nam và Indonesia dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ so với các nước trong khu vực.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dài hạn của Thái Lan là 3%. Việc mở rộng khu vực dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng khi các công ty Thái Lan đã mở rộng sang các thị trường khu vực. KBank hiện có mặt tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Myanmar và Lào.
Trung Quốc cần hơn 10 năm để giải quyết hàng tồn kho bất động sản: Theo nhà kinh tế trưởng tại GROW Investment Group, Hao Hong, nguồn cung nhà ở sẵn có tại Trung Quốc sẽ mất khoảng 2 năm mới có thể được bán hết với tốc độ bán như hiện tại. Số lượng nhà đang được xây dựng với 6 triệu m2 có thể mất hơn 10 năm để bán hết.
Tăng trưởng doanh số bán nhà vẫn thấp khi các công ty bất động sản chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ kể từ năm 2020, khi Trung Quốc bắt đầu giảm cho vay trong lĩnh vực bất động sản vốn có đóng góp trực tiếp và gián tiếp 1/3 hoạt động kinh tế của nước này.
Trung Quốc đã thực hiện chính sách “ba lằn ranh đỏ” về huy động vốn đối các công ty bất động sản vào tháng 8/2020. Theo ông Hong, cần tìm các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, không chỉ phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản và đầu tư vào lĩnh vực này.
Hàn Quốc xúc tiến mở trung tâm logistics tại Việt Nam: Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc ngày 5/1 cho biết đã thành lập cơ quan mang tên K-UPA ở Việt Nam nhằm mục tiêu chuẩn bị cho việc mở một trung tâm logistics tại đây.
Thông tin cho biết sự ra mắt của K-UPA diễn ra trong bối cảnh Bộ Đại dương và Thủy sản đang hợp tác với Cảng vụ Ulsan thuộc sở hữu nhà nước để mở trung tâm logistics tại Đồng Nai, miền Nam Việt Nam, nhằm giúp các công ty Hàn Quốc bảo quản hàng hóa ở nhiệt độ phòng hoặc nhiệt độ thấp. Công ty logistics KCTC có trụ sở tại Hàn Quốc là bên phối hợp thực hiện dự án này.
Dự án ước tính trị giá 18,8 tỷ won (14,3 triệu USD), tập trung vào việc xây dựng trung tâm logistics rộng 12.000 m2, có khả năng lưu trữ 4,3 triệu pallet hàng hóa. Cảng vụ Ulsan nắm giữ 80% cổ phần trong dự án. Chi nhánh KCTC của Việt Nam chiếm 20% còn lại.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này