
16:10 - 31/08/2023
Thị trường 24/7: Tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng chỉ đạt 1,5%; Muối ‘cháy hàng’ ở Trung Quốc sau khi Nhật Bản xả nước thải hạt nhân
Muối ‘cháy hàng’ ở Trung Quốc sau khi Nhật Bản xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển: Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ hãng tin Sputnik, ngày 30/8, cho biết một số du khách Trung Quốc mua muối từ vùng Primorsky, thuộc vùng Viễn Đông Nga, để mang về nước vì lo sợ muối “nhiễm phóng xạ” của Nhật.
Vài ngày trước, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cấm nhập khẩu tất cả các loại hải sản và những sản phẩm có nguồn gốc từ biển như rong biển hay muối từ Nhật Bản, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân trước những ảnh hưởng có thể xảy ra từ nước thải bị nhiễm phóng xạ.
Báo China Daily đưa tin nhu cầu muối của người tiêu dùng Trung Quốc tăng mạnh trong những ngày gần đây. Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu người dân không nên mua muối với số lượng lớn để ổn định thị trường của sản phẩm này. Không chỉ Trung Quốc, người dân Hàn Quốc cũng đổ xô đi mua muối biển và các mặt hàng khác do lo sợ các mặt hàng này bị nhiễm phóng xạ.
KiotViet.vn được Forbes bình chọn vào bảng xếp hạng 100 công ty nhỏ và công ty khởi nghiệp ở châu Á – Thái Bình Dương 2023: Start-up KiotViet.vn giúp những chủ cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ (không có nhiều tiềm lực kinh tế và khả năng hiểu biết công nghệ còn hạn chế) quản lý bán hàng một cách thuận tiện và đủ sức cạnh tranh với chuỗi các cửa hàng nước ngoài đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.
Forbes miêu tả ngắn gọn về KiotViet.vn như sau: “KiotViet có trụ sở tại Hà Nội và được thành lập vào năm 2014 với hệ thống phần mềm quản lý bán hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam. KiotViet hướng tới mục tiêu phục vụ như một trung tâm tổng hợp về quản lý hàng tồn kho, CRM (quản lý quan hệ khách hàng – PV), các dịch vụ quản lý nhân viên… Công ty khởi nghiệp cho biết họ đã đạt được hơn 200.000 khách hàng vào cuối năm 2022”.
Start-up KiotViet.vn là doanh nghiệp công nghệ duy nhất của Việt Nam vào top ở hạng mục Công nghệ tiêu dùng (Consumer Technology). Theo Forbes, KiotViet.vn đã nhận 45 triệu USD đầu tư vòng Serie B từ Jungle Ventures và KKR trong năm 2021.
Tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng chỉ đạt 1,5%: Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỉ đồng được kỳ vọng là “phao cứu sinh” để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng này vẫn rất thấp.
Tuy nhiên, TTXVN dẫn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết đến hết tháng 6/2023, số tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng chỉ đạt khoảng 590 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng vay, bằng gần 1,5% tổng quy mô gói hỗ trợ.
Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có hiệu lực đến hết 31/12/2023, tức là chỉ còn bốn tháng nữa. Ngân hàng Nhà nước dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đến hết năm nay cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, tương đương chưa đến 6,5% tổng gói, tức là có đến trên 90% ngân sách hỗ trợ khó có thể giải ngân, không thể đến được tay doanh nghiệp.
Country Garden – tập đoàn bất động sản Trung Quốc, lỗ kỷ lục gần 7 tỷ USD: TBKTSG dẫn nguồn tin từ Bloomberg và FT cho biết, Tập đoàn bất động sản Country Garden của Trung Quốc ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 48,9 tỷ nhân dân tệ (6,7 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay. Country Garden cũng cảnh báo rủi ro vỡ nợ khi đang chật vật tìm cách sinh tồn trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa thoát ra được cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Kết quả kinh doanh trên, công bố hôm 30/8, cho thấy sáu tháng ảm đạm đối với Country Garden – tập đoàn bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc về doanh số bán hàng và cho đến gần đây vẫn được coi là an toàn hơn nhiều công ty cùng ngành.
Khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay của Country Garden cũng báo hiệu một viễn cảnh tồi tệ đối với lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 25% sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Tập đoàn này đã báo cáo khoản lỗ 6,7 tỷ nhân dân tệ trong nửa cuối năm 2022 sau khi ghi nhận khoản lãi 612 triệu nhân tệ trong sáu tháng trước đó.
Hàn Quốc tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam: Trong khi các thị trường nhập khẩu cá ngừ chính của Việt Nam sụt giảm mạnh thì cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc lại ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, theo ĐTTC. Theo đó, tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu (XK) cá ngừ sang thị trường này đã tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 7 triệu USD.
Trong nhóm các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam, XK cá ngừ chế biến và đóng hộp sang Hàn Quốc hiện đang tăng mạnh, đặc biệt cá ngừ đóng hộp tăng 468% so với cùng kỳ năm 2022. Sự gia tăng NK này là do kinh tế suy thoái khiến cho người dân Hàn Quốc thắt chặt tiêu dùng hơn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có giá rẻ như cá ngừ đóng hộp tăng.
Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 8, nhưng lại là nguồn cung cá ngừ chế biến và đóng hộp lớn nhất trong nửa đầu năm 2023, cao hơn cả Thái Lan và Italy. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), 6 tháng đầu năm nay, trong khi tổng NK cá ngừ vào Hàn Quốc giảm 7% về khối lượng, nhưng NK từ Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần.

Do sản lượng đánh bắt của các đội tàu giảm nên Hàn Quốc phải tăng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm trên 53%: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 8, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 1.721, đã tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này vẫn giảm mạnh.
Cụ thể, trong 8 tháng, cả nước có 3.066 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, giảm tới 53,4 % so với cùng kỳ năm 2022. Cùng đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 855 doanh nghiệp, cũng tăng 10,8%. Điều này cho thấy, những khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám lĩnh vực bất động sản.
TTXVN dẫn lời ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, có tới 20% sàn giao dịch đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao. Theo VARS, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Baidu ra mắt công cụ trò chuyện sử dụng trí tuệ nhân tạo: “Đại gia” công nghệ Baidu của Trung Quốc ngày 31/8 đã chính thức ra mắt công chúng đối thủ của ứng dụng ChatGPT – ERNIE Bot, theo TTXVN. Đây được đánh giá là bước nhảy vọt lớn đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc khi các doanh nghiệp nước này muốn tham gia vào “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
ERNIE Bot là ứng dụng AI nội địa đầu tiên được cung cấp đầy đủ cho công chúng ở Trung Quốc. Trước đó, ERNIE Bot đã được phát hành vào tháng Ba nhưng tính năng và quy mô khi đó còn hạn chế. Baidu cho hay ngoài ứng dụng ERNIE Bot, công ty còn chuẩn bị tung ra một bộ ứng dụng gốc AI mới cho phép người dùng trải nghiệm đầy đủ bốn khả năng cốt lõi của AI tạo sinh: hiểu, thu thập thông tin, lý luận và ghi nhớ.
Thành công nhanh chóng của ChatGPT của OpenAI có trụ sở tại Mỹ đã làm dấy lên một cuộc chạy đua quốc tế phát triển các ứng dụng cạnh tranh, bao gồm cả trình tạo hình ảnh và video. Nhưng chúng cũng làm dấy lên những cảnh báo rộng rãi về khả năng lạm dụng và thông tin sai lệch của các công cụ AI.

Lĩnh vực AI của Trung Quốc đã nhận được đầu tư và các công ty của nước này, trong đó có Baidu và Alibaba, đã tung ra hàng chục mô hình AI.
Công bố Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Sáng 31/8, Viện Chiến lược phát triển (VIDS), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS) công bố Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) trong giai đoạn 2021-2022, giai đoạn nền kinh tế gặp cú sốc Covid-19.
Tại thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 nghìn doanh nghiệp tư nhân, chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân phần lớn là các doanh nghiệp được thành lập sau đổi mới, có quy mô nhỏ và vừa. Vào cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 19,52% của doanh nghiệp nhà nước.
So sánh giữa hai năm Covid-19 và một năm trước đó, có biến động khá lớn về số doanh nghiệp ra vào trong danh sách VPE500. Năm 2020, có tới 97/500 doanh nghiệp (19,4%) đã không còn trong xếp hạng VPE500 của năm 2019. Những doanh nghiệp này tập trung vào nhóm ngành mà bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 như bất động sản và xây dựng (23/89), thương mại (15/73), dệt may (7/32), chế biến thực phẩm (9/70). Chỉ có một số ít ngành vẫn giữ được số lượng thuộc VPE500 là những ngành được đánh giá là hưởng lợi trong Covid-19 như thông tin truyền thông, bưu chính, sản xuất và phân phối điện.
Có thể bạn quan tâm
Giá dầu thế giới ngày 14/3: dầu Brent giảm về mức 110,7 USD/thùng
‘Sân nhà’ không chỉ dành cho hàng Việt
Tân Sơn Nhất đã quên cải thiện chất lượng dịch vụ trong nhiều năm?
Lập đỉnh mới, giá vàng SJC lên mức gần 68 triệu đồng/lượng
Giá dầu xuống dưới 100 USD/thùng
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá vàng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm; Gạo 25% tấm của Việt Nam rớt mốc 600 USD/tấn

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này