16:10 - 16/01/2024
Thị trường 24/7: Thấp thỏm vụ hoa Tết; Giá gạo Việt vững ngôi ‘cao nhất thế giới’
Thấp thỏm vụ hoa Tết: Các làng hoa ở Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đang tất bật công việc bón phân, tưới nước, làm cỏ và tìm đầu ra cho vụ hoa tết năm 2024. Dù giảm diện tích trồng hoa nhưng nhiều nhà vườn vẫn lo lắng bị ế hàng vì kinh tế khó khăn, người dân chắt bóp chi tiêu, thị trường thu hẹp dần.
Anh Ngô Hồng Khánh có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa cho biết, trước đây các hộ trồng đa dạng loại hoa hơn, năm nay số lượng trồng giảm khoảng 20%-30% và chỉ trồng một số loại như tulip, mồng gà, vạn thọ, cúc… để bán cho khách hàng truyền thống…
Còn tại xã Láng Lớn (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có khoảng 50 hộ trồng hoa tết với diện tích khoảng gần 30ha, dự kiến sẽ bán ra thị trường khoảng 200.000 chậu hoa các loại. Người trồng hoa ở đây cũng đang thấp thỏm âu lo vì thị trường tiêu thụ nhận định khá ảm đạm.
Xuất khẩu ớt tăng đột biến: Theo số liệu vừa được Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam công bố, năm 2023, xuất khẩu ớt đạt 20 triệu USD, tương đương 10.173 tấn, tăng 107% so với năm trước đó.
Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính của quả ớt Việt Nam, lần lượt đạt hơn 8.600 tấn và 1.100 tấn, chiếm 85% và 10,9% thị phần.
Hai năm trở lại đây, Việt Nam được xuất khẩu ớt chính ngạch sang Trung Quốc giúp kim ngạch quả này tăng vọt. Giá ớt bán ra cũng tốt hơn nhiều so với năm 2022, giúp nông dân có lợi nhuận ổn định.
Trung bình, mỗi sào trồng ớt sẽ cho thu hoạch trên 1 tấn quả một năm. Với giá bán 8.000-12.000 đồng một kg, nông dân sẽ thu 8-15 triệu đồng mỗi sào, còn với mức giá 30.000-40.000 đồng, họ có doanh thu 30-50 triệu đồng.
Hàng không tăng chuyến bay Tết: Sáng 16/1, Vietnam Airlines Group cho biết sẽ tăng hơn 310 chuyến bay nội địa trong giai đoạn cao điểm Tết từ ngày 25/1 đến 24/2 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Đợt tăng này nâng tổng số chuyến bay toàn mạng nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines Group trong cao điểm Tết lên 2,64 triệu ghế, tương đương 12.374 chuyến bay, tăng 10% so với Tết năm ngoái.
Trước đó, Cục Hàng không cũng đề nghị các hãng tăng thêm các chuyến bay đêm và đảm bảo an toàn bay cho hành khách. Lượng khách đặt chỗ vẫn tăng dần nên tỷ lệ đặt chỗ đang ở mức cao tại một số ngày sát Tết và chiều ngược lại sau Tết Nguyên đán.
Báo cáo mới đây của cơ quan này cũng cho thấy, dù các hãng đã tăng 472 chuyến bay với hơn 92.000 ghế, vé máy bay Tết trên nhiều đường bay đã được mua gần hết.
Giá USD ngân hàng giảm: Sáng 16/1, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.987 đồng, giảm 5 đồng so với hôm qua.
Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng quay đầu đi xuống như Eximbank giảm 30 đồng so, đưa giá mua xuống 24.240 đồng và giá bán ra xuống 24.630 đồng…
Giá USD thế giới nhích nhẹ. Chỉ số USD-Index hiện ở mức 102,8 điểm, tăng 0,6 điểm so với hôm qua. Nhìn chung, đồng bạc xanh trong những ngày gần đây đang duy trì xu hướng đi ngang do không có nhiều thông tin mới.
Theo một số nhà phân tích, các nhà đầu tư bắt đầu có động thái về việc đặt cược vào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới sau khi số liệu công bố vào tuần qua cho thấy chỉ số PMI sản xuất ở Mỹ giảm bất ngờ trong tháng 12/2023 và làm giảm lợi suất trái phiếu Mỹ.
Lãi suất giảm sâu nhưng lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn cao: Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15/1 cho thấy tính đến tháng 10/2023, người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng thêm 422 tỷ đồng so với tháng 9, đạt hơn 6,44 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, người dân và doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin bị sụt giảm.
Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng… Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường cũng như môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn.
Đức lần đầu tăng trưởng âm sau đại dịch: Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) hôm 15/1 cho biết GDP nước này giảm 0,3%, đánh dầu lần đầu nền kinh tế co lại kể từ sau Covid-19.
Năm 2020, GDP Đức giảm 3,8%, do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, hai năm sau đó, quốc gia này đã tăng trưởng trở lại, với lần lượt 3,2% và 1,8%.
Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế nói chung đi xuống, do môi trường vẫn chịu tác động từ nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc”, Ruth Brand – người đứng đầu Destatis nhận xét. Bà cho biết lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng giá cả vẫn ở mức cao trong tất cả lĩnh vực, khiến tăng trưởng chịu sức ép.
Gần như tất cả lĩnh vực của kinh tế Đức đều đi xuống, đặc biệt là ngành sản xuất. Ngành này chịu tác động khi nhu cầu của Trung Quốc giảm, chi phí năng lượng tăng và lãi suất cao.
Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn Bỉ: Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với thịt lợn Bỉ. Đây là một trong những kết quả chuyến thăm tới Bắc Kinh tuần qua của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Bộ trưởng Ngoại giao Hadja Lahbib.
Lệnh cấm vận này được ban hành sau khi dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến miền Nam Trung Quốc vào năm 2018 cản trở đáng kể hoạt động xuất khẩu của ngành thịt lợn của Bỉ, trong đó Trung Quốc chiếm một nửa sản lượng thịt sản xuất và tiêu thụ trên thế giới.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu sẽ cho phép nối lại quá trình đã bắt đầu từ 7 năm trước. Năm 2016, sau chuyến thăm Brussels, giới chức Trung Quốc đã cho phép Bỉ xuất khẩu thịt lợn vào quốc gia này. Lĩnh vực chăn nuôi lợn ở Bỉ tạo ra khoảng 7.000 việc làm, chưa kể 4.000 việc tại các trang trại chăn nuôi lợn, chủ yếu ở vùng Flanders. Khoảng 7% lượng xuất khẩu thịt lợn của Bỉ là bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Giá gạo Việt ‘vững ngôi’ cao nhất thế giới: Theo Oryza, sau khi giảm đến 14 USD vào tuần trước, giá gạo 5% của Thái Lan đã tăng lại 6 USD về mức 645 USD/tấn. Đáng chú ý, gạo 5% tấm của Pakistan tuần trước giảm 3 USD nay đã tăng đến 27 USD lên 617 USD/tấn. Gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam vẫn đứng yên ở mốc 653 USD/tấn, cao nhất thế giới.
Tương tự, gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam vẫn đang ở mức cao nhất thế giới dù giảm 6 USD, xuống còn 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Thái Lan là 581 USD/tấn và Pakistan là 558 USD/tấn.
Thị trường gạo thế giới ấm lại là do nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu đang ở mức cao. Cụ thể, nguồn cung lớn nhất thế giới là Ấn Độ tiếp tục siết chặt ít nhất cho đến sau cuộc bầu cử vào giữa năm. Bên cạnh đó, nước nhập khẩu lớn là Indonesia cũng chuẩn bị nhập khẩu gạo nhằm ổn định an ninh lương thực trước kỳ bầu cử và đối phó với hiện tượng thời tiết khô hạn vì El Nino.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này