
16:00 - 23/08/2023
Thị trường 24/7: Ngân hàng Thái Lan muốn mua lại Home Credit Việt Nam; Châu Á lo lạm phát gia tăng
Mỹ gia hạn kết luận điều tra lẩn tránh thuế với tủ gỗ từ Việt Nam: TTXVN dẫn nguồn tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có thông báo tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm; thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng về điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Theo Cục Phòng vệ thương mại, thông báo của DOC kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 2/10/2023. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 16/10/2023 và ngày 15/1/2024. Trước đó, ngày 17/3/2023, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.
Ấn Độ kiểm soát lạm phát bằng các giải pháp liên quan đến thương mại: Sau khi thực hiện hạn chế xuất khẩu đối với lúa mỳ và gạo, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp thuế xuất khẩu 40% với hành, khi nỗ lực sử dụng các giải pháp liên quan đến thương mại để kiểm soát lạm phát. Quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức cho đến ngày 31/12, trong động thái nhằm đảm bảo nguồn cung ở thị trường trong nước. Thông báo Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết mức thuế áp với hành xuất khẩu sẽ khiến giá hành nước này cao hơn so với Pakistan, Trung Quốc và Ai Cập, nhờ đó hạn chế lượng xuất khẩu và làm giảm giá trong nước, hạn chế lạm phát trong mùa lễ hội sắp tới. Các nước như Bangladesh, Nepal, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Arập, Sri Lanka phụ thuộc vào hành nhập khẩu của Ấn Độ. Quyết định của quốc gia xuất khẩu hành lớn nhất thế giới sẽ khiến các khách hàng ở châu Á phải chi nhiều hơn, khi các nước xuất khẩu khác trong khu vực đã hạn chế nguồn cung.
Châu Á lo ngại lạm phát cao theo đà tăng của giá gạo: Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung lương thực thiết yếu này của châu Á. CNBC dẫn lời Qingfeng Zhang, Giám đốc cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết giá gạo toàn cầu đặc biệt đáng lo ngại, và dường như biến động giá lương thực sẽ tiếp diễn trong những tháng tới. Ngoài Ấn Độ, lạm phát lương thực ở khu vực châu Á tương đối được kiểm soát trong năm nay. Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiều yếu tố đang làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng thiếu nguồn cung gạo có thể khiến tình trạng giá các mặt hàng lương thực khác ở châu Á tăng mạnh trở lại. Các yếu tố đó bao gồm khí hậu khắc nghiệt do hiện tượng nóng lên toàn cầu, cùng với sự xuất hiện của El Niño lần đầu tiên sau 7 năm, Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và các chính sách bảo hộ lương thực dưới hình thức hạn chế thương mại. ADB cho hay giá lương thực cao sẽ làm suy giảm sức mua và giá lương thực trong nước tăng 10% ở các nước đang phát triển khu vực châu Á sẽ đẩy 64,4 triệu người vào cảnh nghèo đói, dựa trên chuẩn nghèo 1,25 USD/ngày, nghĩa là tỷ lệ nghèo sẽ tăng từ 27% lên 29%.
Xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đang bùng nổ trở lại: Theo trang mạng The Strategist của Australia, nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và giá hàng hóa giảm, nhưng xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 102,5 tỷ AUD (65,75 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay nhờ các lô hàng lithium khổng lồ. Lithium đã vượt qua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Australia sang Trung Quốc sau quặng sắt, với doanh thu tăng vọt lên 11,7 tỷ AUD (7,5 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2023. Hai năm trước, doanh thu bán lithium cho Trung Quốc trong nửa đầu năm chỉ đạt 470 triệu AUD (302 triệu USD). Trung Quốc đang sử dụng gần như toàn bộ sản lượng lithium của Australia, cho thấy sự thống trị của nước này trong cả quá trình chế biến khoáng sản quan trọng và quá trình chuyển đổi năng lượng nói chung. Theo Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên của Australia, ngoài Trung Quốc, chỉ 2% lithium của Australia đến Bỉ và 1% đến Mỹ và Hàn Quốc.
Chính phủ Malaysia xem xét Kế hoạch Tổng thể Công nghiệp mới 2030: Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) thông báo Chính phủ nước này dự kiến xem xét phê duyệt Kế hoạch Tổng thể Công nghiệp mới (NIMP) 2030 vào ngày 23/8. Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn lời Bộ trưởng MITI Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz cho biết Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim ngày 22/8 đã xem xét và chia sẻ ý kiến với nhóm tham gia xây dựng NIMP 2030, đồng thời nhất trí rằng kế hoạch có thể sẽ được công bố vào cuối tháng 8. Theo ông Zafrul, NIMP 2030 được xây dựng nhằm đưa nền kinh tế Malaysia lên mức độ phát triển cao hơn, trong đó thúc đẩy chuyển đổi số hóa/tự động hóa, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới một nền kinh tế toàn diện, công bằng hơn. Bộ trưởng MITI chia sẻ: “Kế hoạch này sẽ góp phần thúc đẩy xu hướng đầu tư, kinh doanh theo tiêu chí ESG (môi trường – xã hội – quản trị) bền vững trong các ngành công nghiệp của chúng ta, giúp Malaysia tăng cường năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư và có tác động tích cực đến nền kinh tế. NIMP 2030 đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Malaysia trong chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó cung cấp thêm nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người dân”.
Bộ trưởng Kinh tế số và Xã hội Thái Lan đề nghị tòa án đóng cửa Facebook: Ngày 21/8, Bộ trưởng Kinh tế số và Xã hội Thái Lan Chaiwut Thanakamanusorn đã đề nghị tòa án đóng cửa Facebook tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này, nếu Facebook không tìm cách ngăn chặn các vụ lừa đảo đang ảnh hưởng đến khoảng 200.000 người. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Chaiwut Thanakamanusorn nêu rõ bộ trên đang đề nghị tòa án ngăn Facebook cung cấp dịch vụ tại Thái Lan, nếu mạng xã hội này còn tiếp tục để những trang web giả mạo lừa đảo người dân. Bộ Kinh tế số và Xã hội Thái Lan khẳng định đã nhiều lần yêu cầu Facebook gỡ bỏ những quảng cáo mà bộ xác định là lừa đảo, song vấn đề này vẫn tồn tại. Do đó, cơ quan này quyết định nhờ tòa án can thiệp. Theo bộ trên, các hình thức lừa đảo trên Facebook bao gồm dụ dỗ người dùng đầu tư vào các công ty “ma”, giao dịch tiền kỹ thuật số, giả mạo các cơ quan chính phủ như Ủy ban giao dịch và chứng khoán.
Quốc vương Thái Lan phê chuẩn ông Srettha Thavisin làm thủ tướng thứ 30: Người phát ngôn của chủ tịch Hạ viện Thái Lan, ông Khumpee Ditthakorn, thông báo tin trên với báo chí ngày 23/8. Sắc lệnh phê chuẩn được Vua Maha Vajiralongkorn ban ra sau khi ông Srettha Thavisin giành được tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu chung của lưỡng viện Quốc hội Thái Lan ngày 22/8. Cụ thể, trong cuộc bỏ phiếu ngày 22-8, ông Thavisin nhận được 482 phiếu thuận, vượt quá con số 375 phiếu cần thiết. Có 165 nghị sĩ bỏ phiếu chống, 81 người khác chọn phiếu trắng. Tân Thủ tướng Thavisin cảm ơn tất cả những người đã ủng hộ mình. Ông cam kết sẽ làm việc hết sức, không mỏi mệt để cải thiện điều kiện sống của nhân dân Thái Lan. Theo báo Bangkok Post, phần lớn phiếu chống là của nghị sĩ thuộc Đảng Tiến bước (MFP), đảng giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện sau cuộc bầu cử ngày 14/5.
Mỹ áp thuế phạt 254%đối với công ty pin mặt trời Trung Quốc hoàn thiện sản phẩm ở Đông Nam Á. Báo Thanh Niên dẫn nguồn tin từ Reuters cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp thuế nhập khẩu lên tới 254% đối với các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc được hoàn thiện ở các nước Đông Nam Á. Mức thuế nhập khẩu 254% được áp dụng từ tháng 6/2024. Theo hãng tin Reuters, động thái của Bộ Thương mại Mỹ có khả năng đẩy chi phí năng lượng tái tạo lên cao và làm chậm quá trình phát triển năng lượng sạch ở Mỹ, nếu các nhà phát triển năng lượng mặt trời không tìm được nguồn cung thay thế. Cuối năm ngoái, Bộ Thương mại đã công bố kết quả điều tra, chỉ ra rằng các công ty Trung Quốc như BYD Trina Solar, Vina Solar và Canadian Solar đã né thuế của Mỹ đối với tấm pin mặt trời của bằng cách tiến hành gia công nhỏ để hoàn thiện sản phẩm tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu từ Đông Nam Á, lên tới 75% nguồn cung tấm pin mặt trời.
Ngân hàng lớn thứ ba Thái Lan muốn mua lại Home Credit Việt Nam: KBBank, ngân hàng lớn thứ ba Thái Lan, đang đàm phán mua lại công ty tài chính Home Credit Việt Nam với giá lên đến 1 tỷ USD, theo Reuters.Nếu giao dịch này thành công, đây có thể là thương vụ sáp nhập lớn thứ hai ngành tài chính Việt Nam, sau thương vụ FE Credit bán 15% vốn cho ngân hàng Nhật Bản với giá trị 1,5 tỷ USD.Tại Thái Lan, Kasikornbank (KBank) thuộc top ba ngân hàng lớn nhất xét về tổng tài sản, với 122,9 tỷ USD tính đến cuối năm 2022. KBank đã nói chuyện với các cố vấn tài chính để tìm kiếm cơ hội sáp nhập tiềm năng, tuy nhiên chưa có quyết định nào được đưa ra.Một nguồn tin của Reuters cho biết, KBBank đang triển khai dịch vụ tín dụng cho các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Vì thế, thỏa thuận với Home Credit có thể giúp nhà băng này đẩy mạnh dịch vụ đó cho các tiểu thương tại thị trường Việt Nam.
Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực bất động sản có chiều hướng gia tăng: Theo ĐTTC, tại hội thảo về tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 22/8 tại Hà Nội, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước. Cụ thể, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).
Các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất tiết kiệm: Ngày 23/8, các ngân hàng thương mại nhà nước gồm BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank đã công bố các mức lãi suất huy động mới, theo báo Người Lao Động. Cụ thể, tại VietinBank, Vietcombank và BIDV, khách hàng gửi lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng còn 3%/năm; gửi kỳ hạn dưới 6 tháng là 3,8%/năm; gửi kỳ hạn dưới 12 tháng chỉ còn 4,7%/năm và các kỳ hạn dài trên 12 tháng được ngân hàng này áp dụng là 5,8%/năm. Các mức lãi suất mới này tại VietinBank giảm từ 0,1 – 0,5 điểm % so với trước đó. Agribank cũng áp dụng biểu lãi suất giảm tương tự như 3 ngân hàng trên, riêng các kỳ hạn dài trên 12 tháng giảm sâu hơn. Theo đó, khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tại ngân hàng này chỉ còn 5,5%/năm. Lãi suất cao nhất tại Agribank là 5,8%/năm duy nhất kỳ hạn 12 tháng. Trước đó, ngày 22/8, một loạt ngân hàng (NH) thương mại cũng đã giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Lãi suất tiền gửi hiện tại của các NH thương mại cổ phần, kể cả NH quy mô nhỏ, còn thấp hơn cả các NH thương mại cổ phần nhà nước, trái ngược với những tháng trước. Đơn cử, Techcombank huy động lãi suất cao nhất còn 5,85%/năm; MSB lãi suất tiền gửi cao nhất 5,6%/năm; ACB lãi suất cao nhất 5,7%/năm hay ABBANK lãi suất huy động cao nhất chỉ 5,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động cao nhất tại 4 NH nhà nước là 6,3%/năm.
Lao động Singapore áp dụng kỹ năng AI nhanh nhất thế giới: TBKTSG dẫn một báo cáo của LinkedIn, công bố trong tuần qua cho biết, theo thu thập dữ liệu từ 25 quốc gia thì Singapore có tốc độ thành viên (người dùng LinkedIn) bổ sung các kỹ năng AI vào hồ sơ của họ nhanh nhất, tăng 20 lần kể từ tháng 1/2016. Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 8 lần, Theo báo cáo, trong cùng kỳ, 5 nước có tỷ lệ người lao động áp dụng kỹ năng AI tăng mạnh tiếp theo là Phần Lan (16 lần), Ireland (15), Ấn Độ (14) và Canada (13). Pooja Chhabria, chuyên gia nghề nghiệp và trưởng ban biên tập khu vực châu Á-Thái Bình Dương của LinkedIn, cho biết Singapore từ lâu đã là “mảnh đất màu mỡ” cho sự đột phá của AI. Bà nói điều này là nhờ Singapore có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, Singapore cũng là nơi có hệ sinh thái phát triển của các công ty đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, những bên cung cấp vốn đầu tư cho AI.
Có thể bạn quan tâm
Tập đoàn dầu khí Thái Lan nhắm đến thị trường đạm thực vật
Bitcoin vẫn tiếp tục lên đỉnh, nhưng rủi ro vẫn còn
Thời trang Uniqlo được sản xuất với 50% vật liệu tái chế từ năm 2030
BSA: Quý 1/2022 xuất khẩu trái cây tăng trưởng ổn định
Tự động hóa đe dọa cỗ máy kiếm ngoại tệ lớn thứ hai của Philippines
Tags:Thị trường 24/7
Tin khác


Thị trường 24/7: Người Việt chi 33,3 triệu USD mua tôm hùm Australia; Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Singapore giảm mạnh

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này