15:26 - 25/08/2023
Thị trường 24/7: Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo; IAEA công bố chất lượng nước thải từ nhà máy Fukushima
Myanmar hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo: Theo báo Thanh Niên Myanmar sẽ hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo (trừ gạo đồ) kể từ ngày 1/9 đến 15/10/2023. Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore) – đơn vị chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới nói với báo Thanh Niên: Nguồn đáng tin cậy từ giới chức Myanmar cho biết, chính phủ nước này sẽ ra thông báo về việc hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo. Khả năng cao là lệnh hạn chế sẽ có thời hạn từ ngày 1/9 – 15/10/2023.
Thời điểm 15/10 được xem là lúc Myanmar sẽ cơ bản kết thúc vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm. Hiện tại, Myanmar và Indonesia đang có thỏa thuận (chưa được ký kết) mua bán gạo lớn nhất từ trước tới nay với sản lượng lên đến 80.000 – 100.000 tấn. Tuy nhiên, nếu lệnh hạn chế được ban bố, Myanmar sẽ phải cân đối lại sản lượng và giá cả cho phù hợp với thị trường.
Myanmar cùng với một số nước Đông Nam Á như Campuchia đang nổi lên là nguồn cung gạo quan trọng của thế giới sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào 20/7/2023; bên cạnh nguồn cung lớn từ Việt Nam và Thái Lan, vốn đang có sản lượng hạn chế.
IMF dự báo giá ngũ cốc có thể tăng từ 10 đến 15%: Theo tin từ VITIC, trong một cuộc họp báo về Triển vọng kinh tế thế giới, nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết: “Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã kết thúc và điều đó có khả năng gây áp lực tăng giá lương thực”, trong bối cảnh thời tiết El Nino ảnh hưởng tới sản lượng ở khắp nơi trên thế giới, tạo ra nhiều bất ổn hơn cho nhà nhập khẩu ngũ cốc.
“Chúng tôi đang xem xét một số ước tính về tác động từ việc lượng cung cấp bị giảm sút và mức độ biến động giá giá đối với việc giảm bao nhiêu nhu cầu? Và chúng tôi vẫn đang đánh giá mức độ giá sẽ tăng? Chúng tôi nghĩ rằng đâu đó sẽ ở mức tăng 10-15% là hợp lý, mặc dù sẽ cần xem xét kỹ càng hơn nữa”, ông Gourinchas nói.
Giá phẩm trên toàn cầu, nhất là gạo và dầu thực vật, đã lần đầu tiên tăng trở lại sau nhiều tháng ổn định đến giảm, sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc ra thế giới và Ấn Độ hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu gạo.
Đề xuất nhập khẩu bổ sung 600.000 tấn đường vì nguồn cung hiện chỉ đáp ứng 50%: Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT về việc điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2023, theo báo Pháp luật TP.HCM. Công văn nêu rõ xét đề nghị của Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (LTTP), Thủ tướng chỉ đạo các bộ nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định, thẩm quyền và cam kết quốc tế.
Theo Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, tổng lượng đường sản xuất trong nước và đường dự kiến nhập khẩu chính ngạch chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ năm 2023. Để giải quyết khó khăn trên và tiếp tục triển khai đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập 119.000 tấn đường theo cam kết với WTO, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước. Hiện tại, giá đường thế giới đang tăng cao nhất trong 11 năm qua và tăng rất nhanh. Điều này kéo theo doanh nghiệp sản xuất đường Việt Nam chịu giá và chi phí nhập khẩu rất cao.
Một công ty gia dụng của Mỹ bị phạt 11,5 triệu USD vì mặt bếp lỗi: Công ty sản xuất và tiếp thị thiết bị gia dụng của Mỹ Whirlpool đã đồng ý nộp phạt dân sự 11,5 triệu USD để giải quyết cáo cuộc của Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) rằng Whirlpool đã không báo cáo ngay về việc mặt bếp bằng kính công ty này có thể tự bật lên, gây rủi ro cháy nổ.
Vụ dàn xếp này liên quan đến 17 mẫu mặt bếp bức xạ nhiệt bằng điện thuộc các thương hiệu JennAir, KitchenAid và Whirlpool. Theo CPSC, từ tháng 11/2017 đến năm 2019, nhiều người tiêu dùng đã thông báo với Whirlpool về sự cố mặt bếp tự bật, một lỗi có nguy cơ khiến người dùng bị thương nặng hoặc tử vong. Nhưng CPSC cho biết, phải đến khi ghi nhận 157 trường hợp gặp sự cố thì Whirlpool mới báo cáo về vấn đề này. CPSC và Whirlpool đã tiến hành thu hồi khoảng 26.300 mặt bếp vào tháng 8/2019.
Theo thỏa thuận dàn xếp nói trên, Whirlpool đồng ý duy trì các biện pháp kiểm soát để đảm bảo công ty này tuân thủ luật an toàn sản phẩm liên bang. Whirlpool không thừa nhận trách nhiệm trong vấn đề trên, nhưng đồng ý dàn xếp để tránh các chi phí và những rắc rối của việc kiện tụng.
Moody’s công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với Agribank: Theo TTXVN tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) ở mức Ba2 đối với các xếp hạng Nhà phát hành và Tiền gửi ngân hàng nội tệ và ngoại tệ dài hạn. Đồng thời, Moody’s cũng giữ nguyên xếp hạng Rủi ro đối tác nội tệ và ngoại tệ dài hạn ở mức Ba2 và Ba2 (CR) đối với Đánh giá rủi ro đối tác dài hạn. Triển vọng xếp hạng của Agribank cũng được giữ nguyên ở mức Ổn định.
Kết quả xếp hạng và triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Agribank được giữ nguyên so với lần đánh giá gần nhất (07/9/2022) và bằng với mức xếp hạng và triển vọng xếp hạng quốc gia của Việt Nam (Ba2 Ổn định).
Theo Moody’s, tỷ lệ nợ xấu của Agribank tính đến cuối tháng 6/2023 vẫn giữ ở mức ổn định so với cùng kỳ năm trước cùng tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, tốt hơn mặt bằng chung các ngân hàng Việt Nam, củng cố bộ đệm dự phòng vững chắc giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro nợ xấu.
Giá thực phẩm và nước giải khát ở nhiều nước OECD tăng mạnh: Theo kết quả khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Utility Bidder có trụ sở tại Vương quốc Anh, lạm phát tại Cộng hòa Czech (Séc) trong tháng 7 cao thứ năm trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sau Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Ba Lan và Slovakia. Nghiên cứu cũng cho thấy giá thực phẩm và nước giải khát tại OECD tăng 17,37% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tất cả các mặt hàng khác, trong khi mức tăng thấp nhất là chi phí vận tải, với 1,68%.
Lạm phát tại Cộng hòa Czech trong tháng 7 là 9,7%. Lạm phát cao nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ là 38,21%, trong khi thấp nhất là tại Thụy Sỹ với 1,7%. Giới phân tích Cộng hòa Czech nhìn nhận nguyên nhân quốc gia này thuộc nhóm có lạm phát cao nhất trong OECD là do áp lực đáng kể vể nguồn cung cũng như chính sách tiền tệ yếu kém. Ngoài ra, theo các chuyên gia, các quốc gia có lạm phát cao về cơ bản đều có đặc điểm chung là có vị trí địa lý gần với Nga và càng gần Nga thì phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung năng lượng.
Các cửa hàng bách hóa Nhật Bản phục hồi nhờ mức chi tiêu mạnh mẽ trong nhóm người trẻ “khá giả”: Cụ thể, doanh thu tổng hợp của 167 cửa hàng bách hóa do 66 doanh nghiệp Nhật Bản điều hành và khai thác đạt 5.100 tỷ yen (35 tỷ USD) trong năm tài chính 2022 (bắt đầu từ 1/4/2022 đến hết 31/3/2023), cao hơn 19,8% so với cùng kỳ năm tài chính trước và là năm tài chính thứ hai liên tiếp tăng trưởng. Doanh số bán hàng cũng tăng 16% so với năm tài chính trước, phục hồi tới 88% mức doanh số của năm tài chính 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Trong số các cửa hàng bách hóa, trung tâm Isetan, thuộc công ty Isetan Mitsukoshi Holdings ở vùng Shinjuku của thủ đô Tokyo, đã tạo ra doanh thu 327,6 tỷ yen trong năm tài chính 2022, tăng 29% so với năm tài chính trước. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục của Isetan, vượt qua con số kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm tài chính 1991.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, chi tiêu của nhóm người tiêu dùng “khá giả” là động lực chính, thúc đẩy doanh số bán hàng tại các cửa hàng bách hóa. Một điểm đáng chú ý là trong số những người được xếp vào diện khá giả của Nhật Bản, nhóm người có độ tuổi từ 40 đổ xuống đang ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là nhóm người có xu hướng tiêu dùng cao nhất.
IAEA công bố chất lượng nước thải từ nhà máy Fukushima ra biển: Ngày 24/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết nồng độ tritium trong nước thải được xả ra Thái Bình Dương từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
Tuyên bố của IAEA nêu rõ trong tuần này, các chuyên gia của cơ quan này đã lấy mẫu từ lô nước thải đã pha loãng chuẩn bị được xả ra biển trong đợt đầu tiên. Qua phân tích độc lập tại chỗ, IAEA xác nhận nồng độ tritium trong lượng nước thải này thấp hơn nhiều so với mức giới hạn cho phép là 1.500 becquerel (bq)/l.
Giới hạn trên cũng thấp hơn 40 lần so với tiêu chuẩn an toàn quốc gia Nhật Bản về hàm lượng tritium trong nước, tương đương với tiêu chuẩn quốc tế là 60.000 becquerel/l (bq/l). Giới hạn này cũng thấp hơn khoảng 7 lần so với ngưỡng do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra đối với nước uống là 10.000 bq/l.
Úc tài trợ 2 triệu USD cho các dự án đối mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp: Theo TBKTSG, trong khuôn khổ Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Úc – Việt Nam (Aus4Innovation) của chính phủ Úc, hợp phần tài trợ đối tác đổi mới sáng tạo sẽ dành ra 2 triệu đô la Úc để tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Tại vòng tài trợ lần này, các khoản tài trợ trị giá từ 250 nghìn đến 700 nghìn đô la Úc sẽ được trao trên cơ sở chấm điểm cạnh tranh cho các dự án hợp tác giữa Úc và Việt Nam. Dự án được nhận tài trợ sẽ có tối đa 24 tháng để thực hiện các hoạt động đề xuất.
Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo công nghệ cao nhằm giải quyết các thách thức trong nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững”, vòng tài trợ này sẽ hướng đến các ý tưởng ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức như nâng cao năng suất trong sản xuất và chế biến, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên nông nghiệp, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản, góp phần thích ứng/giảm thiểu và tăng sức chống chịu với biến đổi khí hậu và đảm bảo quyền lợi cho nhóm yếu thế.
Liên danh Vietur trúng thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành: Theo báo Tuổi Trẻ TP.HCM, tối 24/8, thông tin từ ACV cho biết trong cùng ngày, doanh nghiệp này đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu số 5.10. Đây là gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Vietur. Cùng ngày, ACV đã đăng tải quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đồng thời ACV có văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu đến tất cả nhà thầu tham dự.
Theo nội dung thông báo, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Vietur gồm: Tập đoàn công nghiệp và thương mại xây dựng IC Ictas (thành viên đứng đầu liên danh), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Ricons, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng SOL E&C, Công ty cổ phần kết cấu ATAD, Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP, Công ty cổ phần HAWEE cơ điện, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty cổ phần xây dựng Phục Hưng Holdings, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này