
16:18 - 29/09/2023
Thị trường 24/7: Khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 69% năm 2019; Malaysia thiếu gạo sản xuất trong nước

Lượng khách nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên nhưng chưa hồi phục bằng năm 2019 – thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 69% so với cùng kỳ năm 2019: Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), trong tháng 9, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1 triệu lượt người, giảm 13,4% so với tháng 8 và gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 501.400 lượt người, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 3,8 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022.
Tổng cục Thống kê cũng thông tin, trong tháng 9, cả nước có 12.684 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9,7% so với tháng 8 và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Có 5.808 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,2% và tăng 13,5% so với tháng 8 và cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,4% so với tháng 8 và tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ba Huân và FPT vận hành hệ thống số hóa trứng gia cầm: Tối 28/9, Công ty Cổ phần Ba Huân và Tập đoàn FPT chính thức công bố vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể ERP SAP cùng các ứng dụng số quản lý toàn diện từ trang trại tới chuỗi phân phối.
Đây là hệ thống quản trị theo thời gian thực, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và tiết kiệm thời gian, công sức, tăng doanh thu…, là những kết quả quan trọng trong hành trình hợp tác giữa Ba Huân và Tập đoàn FPT trong mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp.
FPT đã triển khai thành công cho Ba Huân hệ thống quản trị khép kín 3F (Feed – Farm – Food) gồm hệ thống SAP S/4HANA chuyên sâu cho ngành nông nghiệp cùng 3 bộ giải pháp đóng gói trên nền tảng SAP và 3 ứng dụng Made by FPT, áp dụng cho toàn bộ hệ thống công ty Ba Huân bao gồm: trụ sở chính, các nhà máy thuộc doanh nghiệp và các công ty con nằm ở các tỉnh, thành phố.
Việt Nam có giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên: Tập đoàn CT Group đã ra mắt Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN vào ngày 29/9 với mục tiêu chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp.
Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) sẽ cung cấp thông tin tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam về cách thức xây dựng dự án tín chỉ carbon, cách thức đăng ký, kiểm định, xác nhận cùng các cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon và áp dụng thuế carbon trong khu vực và trên toàn cầu.
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997.
8 tháng đầu năm, Nhật Bản chi 53 triệu USD mua cua ghẹ Việt Nam: Chia sẻ tại hội nghị về phổ biến các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản chiều 29/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho rằng thị trường Nhật ngày càng ưa chuộng thủy sản Việt Nam.
Theo ông Nam, 8 tháng đầu năm, Nhật Bản chi gần 1 tỷ USD để nhập thủy sản Việt Nam. “Con số này giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ bằng một nửa so với mức giảm trung bình từ các quốc gia khác”, ông nói. Hiện Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường lớn nhất đều nhập thủy sản của Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD.
Đại diện VASEP cho rằng Nhật ưa chuộng cua ghẹ Việt vì chất lượng vượt trội. Hàng đảm bảo không nhiễm kháng sinh và vi khuẩn gây bệnh. Ngoài Nhật thì Mỹ, Trung Quốc cũng thích cua ghẹ từ Việt Nam.
Malaysia thiếu gạo sản xuất trong nước: Nhiều siêu thị và cửa hàng tạp hóa nhỏ tại Malaysia đang trống kệ vì các bao gạo trắng nội địa loại 5 kg và 10 kg được khách hàng mua ngay khi có hàng. Ameer Ali Mydin, CEO chuỗi siêu thị Mydin, cho biết tình trạng thiếu hụt là do chênh lệch giá giữa gạo sản xuất trong nước và nhập khẩu ngày càng cao.
Ở Malaysia, gạo trắng nội địa là mặt hàng được kiểm soát với giá trần ở mức 26 ringgit (5,54 USD) mỗi 10 kg. Tuy nhiên, ngành sản xuất gạo chỉ có thể đáp ứng 70% nhu cầu. Do đó, nước này nhập gạo trắng chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Gạo nhập khẩu nhìn chung đắt hơn nội địa kể từ trước khi giá toàn cầu tăng gần đây. Khoảng cách càng mở rộng đáng kể sau khi Padiberas Nasional (Bernas), tập đoàn kiểm soát việc phân phối, quyết định tăng giá bán lẻ gạo nhập khẩu lên 36% từ 1/9 để phù hợp với đà tăng giá toàn cầu. Hiện giá gạo trắng nhập khẩu đang bán ở mức từ 30 đến 70 ringgit (6,37 đến 14,87 USD) cho 10 kg.
Nhà sản xuất trò chơi điện tử Capcom chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ: Theo Giám đốc điều hành công ty phát triển và phát hành trò chơi điện tử Nhật Bản Capcom Haruhiro Tsujimoto, công ty này có thể bán được nhiều bản sao trò chơi ở Ấn Độ hơn ở Trung Quốc trong vòng 10 năm trong bối cảnh nhà phát hành tựa game Resident Evil tìm kiếm các thị trường mới để tăng trưởng dài hạn.
Chìa khóa cho chiến lược của công ty có trụ sở tại Osaka này là đảm bảo các mối quan hệ hợp tác trong nước để nâng cao danh tiếng và doanh số bán trò chơi PC tại các thị trường mới nổi, đồng thời mở rộng việc cung cấp các tựa game chất lượng cho điện thoại thông minh. Ông Haruhiro Tsujimoto nhấn mạnh Ấn Độ là một khu vực trọng điểm.
Capcom, công ty sở hữu các tựa game đình đám như Street Fighter và Monster Hunter, đang tìm kiếm quan hệ đối tác để tiếp thị các tựa game của họ ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Ông Tsujimoto cho biết các nhà sản xuất thiết bị địa phương và những người có ảnh hưởng có thể giúp Capcom mở rộng hơn nữa về lượt tải xuống kỹ thuật số, hiện chiếm 90% tổng doanh số bán trò chơi điện tử.
Thương mại điện tử giá rẻ sẽ thống trị toàn cầu trong mùa mua sắm cuối năm nay: Các nhà phân tích cho biết, thương mại điện tử giá rẻ sẽ thống trị toàn cầu trong mùa mua sắm quan trọng sắp tới ở phương Tây và Ngày lễ Độc thân ở Trung Quốc.
Các nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc – thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới – được mô tả như đang gặp “cuộc chiến về giá trị đồng tiền” do bất ổn kinh tế và ngành bán lẻ phục hồi chậm hơn dự kiến sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 vào cuối năm ngoái.
TikTok Shop đã chuẩn bị nền tảng cho các thương nhân đưa ra các chương trình giảm giá và khuyến mại sâu trong kỳ nghỉ lễ ở Mỹ. Công ty đang miễn phí cho người bán để bù đắp chi phí cho những khoản giảm giá đó và khuyến khích người bán mang nhiều hàng hóa hơn đến TikTok Shop và tránh xa Amazon.
Việt Nam sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024: Cơ quan thường trực của Quốc hội đã cho ý kiến dự án Nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, dự án sân bay Long Thành và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại phiên họp, các ý kiến đã nhất trí về sự cần thiết ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của Thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam (theo các quy định, hướng dẫn của OECD – Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế).
Nghị quyết sẽ thể hiện rõ việc Việt Nam sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024 để các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng có thể yên tâm về môi trường pháp lý, thuận tiện hoạch định chiến lược đầu tư và kinh doanh. Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định, quy định cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng các nội dung; phấn đấu ban hành trong tháng 12 để áp dụng thuế này từ 1/1/2024.
Có thể bạn quan tâm
Thời trang Uniqlo được sản xuất với 50% vật liệu tái chế từ năm 2030
Đài Loan thần tốc hóa giải cú ‘boom hàng’ triệu đô của Trung Quốc
Goût Français mang văn hóa ẩm thực Pháp đến với người Việt
Vàng trong nước đảo chiều giảm tới 200.000 đồng một lượng
Các hãng hàng không quốc gia Đông Nam Á chật vật tìm cách hồi sinh
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng RON95 giảm 34 đồng mỗi lít; Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này