16:34 - 02/01/2024
Thị trường 24/7: EVN lỗ năm thứ 2 liên tiếp; Hàn Quốc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%
EVN lỗ năm thứ 2 liên tiếp: Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra sáng 2/1, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, doanh thu bán điện của toàn EVN năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022; nộp ngân sách ước đạt 21.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tổng tài sản của EVN năm 2023 lại giảm 6,3%.
EVN và các đơn vị nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí và tiếp tục thực hiện các giải pháp để cố gắng cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh. Cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần (tăng 3% vào ngày 4-5 và tăng 4,5% vào ngày 9/11). “Tuy nhiên các lần tăng này vẫn không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Lãnh đạo EVN cho rằng, nguyên nhân thực trạng này là do chi phí khâu sản xuất điện vẫn tăng cao (chiếm tới 80% giá thành). Đặc biệt, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng. Điều này dẫn đến tình trạng tổng chi phí bình quân cho các khâu: phát điện, truyền tải và phân phối trong năm 2023 lên tới 2.092,78 đồng/kWh, nhưng giá bán điện bình quân chỉ 1.950,32 đồng/kWh.
3,2 triệu lượt khách du lịch dịp Tết Dương lịch: Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 diễn ra với thời tiết thuận lợi ở cả ba miền, vì vậy hoạt động du lịch ghi nhận tín hiệu khá tích cực. Trong 3 ngày nghỉ lễ ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt gần 50%, tại một số trung tâm du lịch trên cả nước ghi nhận công suất cao hơn, khoảng 70%. Tuy nhiên, lượng khách nhìn chung vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Tại một số địa bàn du lịch trọng điểm tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực, đặc biệt là khách tàu biển – dòng khách du lịch cao cấp. Nguồn khách quốc tế đến chủ yếu từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Thái Lan, Ấn Độ.
Khách đi tour outbound (người Việt Nam đi du lịch nước ngoài) đang chia sẻ bớt lại thị phần khách nội địa. Lượng tour khởi hành và điểm đến khá đa dạng như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…
Giá vàng miếng tăng 2,5 triệu đồng một lượng: Mở cửa ngày 2/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) yết giá vàng miếng tại 71 – 74 triệu đồng, đi ngang so với chốt phiên cuối năm 2023. Sau nhiều lần điều chỉnh, giá tăng 2,5 triệu đồng một lượng so với đầu giờ sáng, lên 73,5 – 76,5 triệu đồng.
Tại các nhà vàng khác, giá vàng miếng cũng đi lên. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng nâng giá vàng lên 71 – 76 triệu đồng và giữ khoảng cách mua bán rộng 5 triệu đồng một lượng.
Trong khi đó, vàng nhẫn và nữ trang gần như đi ngang so với tuần trước. Nhẫn trơn của SJC mua vào 61,9 triệu đồng; bán ra 63 triệu. Vàng nữ trang 99,99% yết tại 61,8 – 62,7 triệu đồng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay quanh 2.069 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank (chưa thuế, phí) tương đương 61 triệu đồng một lượng. Hiện, giá vàng nhẫn trong nước cao hơn thế giới gần 2 triệu đồng một lượng còn vàng miếng chênh 15 triệu đồng, thu hẹp so với khoảng cách 18-20 triệu đồng vào đầu tuần trước.
Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 15% trong 2024: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Văn bản số 10167/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng về tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu TCTD kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) đến cuối năm 2024 không vượt quá mức dư nợ tín dụng được nêu trên. Còn các TCTD còn lại kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) không vượt quá mức dư nợ tín dụng nêu trên trong suốt cả năm 2024.
Gas tăng giá ngay ngày đầu năm mới 2024: Chiều 31/12, các công ty kinh gas khu vực phía Nam thông báo, giá bán lẻ gas từ 7 giờ sáng ngày đầu năm mới, 1/1/2024, sẽ tăng thêm 450 – 500 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mỗi bình gas tăng thêm 3.000 đồng/6kg, 6.000 đồng/bình 12kg, 22.500 đồng/bình 45kg và 25.000 đồng/bình 50kg.
Sau điều chỉnh tăng, gas của Saigon Petro có giá bán lẻ ra thị trường là 436.000 đồng/bình; gas City Petro thông báo giá bán lẻ 266.500 đồng/bình 6kg, 474.000 đồng/bình 12kg, 1.777.500 đồng/bình 45kg.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá gas có 6 lần tăng với tổng mức tăng 150.000 đồng/bình 12kg, 5 lần giảm với tổng mức giảm là 158.000 đồng/bình 12kg và 1 lần giữ nguyên.
Các sản phẩm sữa của New Zealand được miễn thuế vào Trung Quốc: New Zealand thông báo tất cả các sản phẩm sữa của nước này từ nay sẽ được miễn thuế vào Trung Quốc vì quy định áp thuế tự vệ đối với sữa bột đã kết thúc vào ngày 31/12/2023, đánh dấu việc loại bỏ tất cả các mức thuế bảo lưu đã thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước.
New Zealand là nước phát triển đầu tiên ký FTA với Trung Quốc vào năm 2008, tuy nhiên việc nhập khẩu sữa bột phải trải qua thời gian bảo lưu lâu nhất. Đến năm 2022, Thủ tướng New Zealand khi đó, bà Jacinda Ardern đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký thỏa thuận mở rộng quan hệ thương mại.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều vượt 37 tỷ NZD (23,40 tỷ USD). Theo số liệu chính thức, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc đạt trung bình 1,4 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 8 tỷ NZD/năm trong 3 năm qua, trong đó một nửa là sữa bột.
Hàn Quốc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%: Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông báo của Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 31/12 cho biết, Hàn Quốc quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hàng năm từ 750 triệu euro (800 triệu USD) trở lên.
Quy định này phù hợp với Trụ cột 2 về Khuôn khổ hợp tác ngăn chặn những hành động làm xói mòn hệ thống thuế nội địa và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) đã được 143 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) thông qua.
Dự kiến, có khoảng 200 công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận toàn cầu này. Trước đó vào năm 2021, cộng đồng quốc tế đã nhất trí về một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về “Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số và toàn cầu hóa nền kinh tế”.
Indonesia áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điện tử: Indonesia ngày 1/1/2024 chính thức áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điện tử, hay còn gọi là vape, nhằm kiểm soát số lượng tiêu thụ trên thị trường.
Cục trưởng Cục Dịch vụ thông tin và Truyền thông của Bộ Tài chính, ông Deni Surjantoro cho biết, chính sách thuế đối với mặt hàng thuốc lá điện tử được áp dụng từ năm 2018, đây là giai đoạn chuyển tiếp nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và là công cụ kiểm soát, điều tiết thị trường.
Ông Deni Surjantoro cho biết, doanh thu từ thuế thuốc lá điện tử vào năm 2023 lên tới 1.750 tỷ Rp (113,7 triệu USD), tương đương khoảng 1% tổng doanh thu từ thuốc lá đặc biệt hàng năm. Hơn 50% doanh thu từ thuế thuốc lá sẽ được hướng tới các dịch vụ y tế công cộng và thực thi pháp luật, hỗ trợ các dịch vụ công tốt hơn.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này