
15:41 - 19/10/2023
Thị trường 24/7: Đà Lạt rớt khỏi Top 5 điểm đến của khách Việt; Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới
Đà Lạt rớt khỏi Top 5 điểm đến của khách Việt: The Outbox Company tiếp tục công bố bảng xếp hạng các thương hiệu được du khách Việt bình chọn – Most Loved Ranking quý 3.
Tương tự như 2 quý trước đó, bảng xếp hạng của quý 3 tiếp tục công bố những hạng mục quen thuộc như Top các điểm đến trong nước, điểm đến quốc tế, hãng hàng không nội địa, đại lý du lịch trực tuyến (OTAs), đại lý du lịch/nhà điều hành tour (TAs/TOs) và khách sạn quốc tế được biết đến nhiều nhất.
Đối với các điểm đến trong nước, Bà Rịa – Vũng Tàu xuất sắc khi chiếm lĩnh vị trí đầu bảng xếp hạng liên tiếp 3 quý của năm 2023. Tỷ lệ bình chọn cho Bà Rịa – Vũng Tàu trong quý 3 là 16,5%. Thành phố “cầu rồng” Đà Nẵng và Hà Nội đồng hạng 2 với 10,2%. Tỷ lệ bình chọn và vị trí thứ 4 thuộc về TP.HCM. Ngược lại, Đà Lạt (Lâm Đồng) tiếp tục rớt hạng, không còn nằm trong Top 5 điểm đến trong nước được yêu thích nhất mà thay vào vị trí này là Nha Trang (Khánh Hòa).
170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 18/10.
Theo đó, có 170 thương nhân lọt danh sách này. Trong đó, TP.HCM là địa phương có nhiều thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhất với 37 thương nhân. Tiếp theo là TP Cần Thơ với 36 thương nhân, Long An với 22 thương nhân, An Giang với 16 thương nhân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lũy kế 9 tháng năm, cả nước đã xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo, kim ngạch thu về đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong lịch sử xuất khẩu ngành lúa gạo 34 năm, đây lần đầu tiên ghi nhận con số này.
Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới 58,3 triệu đồng một lượng: Sáng 19/10, các điểm kinh doanh vàng tiếp tục điều chỉnh tăng giá vàng miếng và nhẫn thêm khoảng 200.000 đồng một lượng so với hôm qua.
Tới 11h, giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC lên 57,3 – 58,3 triệu đồng một lượng. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng nhẫn cũng lên 57,4 – 58,3 triệu đồng. Còn Công ty Bảo Tín Minh Châu, niêm yết nhẫn tròn trơn 24K thương hiệu Vàng rồng Thăng Long quanh 57,38 – 58,33 triệu đồng một lượng.
Hiện, giá mua bán vàng miếng SJC dao động 69,55 – 70,45 triệu đồng một lượng, cách đỉnh lịch sử hơn 3 triệu đồng. Giá vàng trong nước tăng theo diễn biến thế giới, trước xung đột leo thang tại Trung Đông. Giá vàng thế giới giao ngay đang giao dịch quanh 1.945 USD một ounce, tương đương 58 triệu đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank.

Giá vàng nhẫn trong nước hiện chỉ cao hơn khoảng 300.000 đồng so với giá thế giới, còn giá vàng miếng vênh hơn 12,4 triệu đồng một lượng.
VPBank nộp thuế nhiều nhất Việt Nam năm 2022: Trong năm 2022, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác của VPBank nộp ngân sách đạt hơn 6.400 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2021. Điều này giúp VPBank đứng đầu danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2022 (V.1000) vừa được Tổng cục Thuế công bố.
Theo thống kê của Tổng cục thuế, trong danh sách nộp thuế nhiều nhất 2022, nhóm ngân hàng chiếm vị thế áp đảo. Cụ thể, trong top 10 có tới 5 ngân hàng đóng thuế nhiều nhất. Còn trong top 20 có 8 nhà băng xuất hiện trong danh sách, gồm VPBank, Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, Sacombank.
Một nửa còn lại trong Top 10 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất năm qua là Viettel, PVGas, Thế Giới Di Động, Honda Việt Nam và Samsung Thái Nguyên.
Hàng nghìn tỷ đồng sắp được bơm lại hệ thống ngân hàng: Đợt phát hành tín phiếu gần đây bắt đầu đáo hạn từ hôm nay, với lượng tiền được đẩy lại hệ thống ở mức 10.000-20.000 tỷ mỗi phiên, chưa tính lượng phát hành mới.
Hôm nay là ngày đáo hạn đợt phát hành tín phiếu đầu tiên sau chuỗi phiên “hút tiền” được Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ 21/9. Lượng trái phiếu đáo hạn hôm nay có quy mô 9.995 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu là 0,69% trên năm.
Liên tiếp từ ngày 21/9 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đều đặn phát hành tín phiếu mỗi ngày, với kỳ hạn đều là 28 ngày. Tổng quy mô tín phiếu đang lưu hành sau đợt hút tiền về gần đây là hơn 255.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2014. Hoạt động này, theo các chuyên gia, là cách cơ quan điều hành gián tiếp tác động lên tỷ giá – vốn diễn biến căng thẳng. Hút tiền qua kênh tín phiếu có thể giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh lãi suất, còn được gọi là “carry trade” khi chênh lệch lãi suất VND – USD duy trì ở mức cao.
Ấn Độ xuất hơn 1 triệu tấn gạo cho 7 nước: Ngày 18/10, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ chính thức thông báo xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo trắng non-basmati cho 7 nước theo kênh ngoại giao. Điều này cho thấy nguồn cung gạo trong thời gian tới vẫn tiếp tục căng thẳng.
Theo văn bản vừa được ký, Ấn Độ đồng ý xuất khẩu gạo trắng (non-basmati) cho Nepal với số lượng 95.000 tấn, Bờ Biển Ngà 142.000 tấn, Cộng hòa Guinea 142.000 tấn, Malaysia 170.000 tấn Philippines 295.000 tấn, Cameroon 190.000 tấn và Cộng hòa Seychelles 800 tấn. Tổng lượng gạo xuất đợt này là trên 1,034 triệu tấn.
Đây là lần thứ 2 Ấn Độ quyết định xuất khẩu gạo theo đường ngoại giao kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati được ban hành ngày 20/7/2023. Hồi cuối tháng 8/2023, Ấn Độ đồng ý xuất cho Bhutan 79.000 tấn, Singapore 50.000 tấn và Mauritius 14.000 tấn.
Doanh nghiệp điện tử Đài Loan rót 135 triệu USD vào Đà Nẵng: Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd của Đài Loan sẽ đầu tư nhà máy sản xuất tai nghe, trạm sạc, mạch điện tử vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng, đây là một trong các dự án có quy mô lớn và hàm lượng công nghệ cao được thu hút vào Đà Nẵng. Trước đó, TP Đà Nẵng đã thu hút thành công dự án xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn quy mô 110 triệu USD và dự án nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ 170 triệu USD từ các doanh nghiệp Mỹ.
TP Đà Nẵng đang định hướng phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, vi mạch với mục tiêu đưa lĩnh vực này thành một trong các trụ cột phát triển chính.
Fed “úp mở” về khả năng tạm dừng lộ trình nâng lãi suất: Phát biểu tại Hội thảo Trung tâm Tài chính & Kinh tế châu Âu tại London, Thống đốc Fed Christopher Waller nói: “Tôi tin rằng chúng ta có thể chờ đợi, theo dõi và xem nền kinh tế diễn biến như thế nào trước khi đưa ra những động thái dứt khoát về lộ trình điều chỉnh lãi suất”.
Ông Waller cho biết, “câu hỏi hóc búa” là các hộ gia đình Mỹ không giảm chi tiêu mặc dù tốc độ tăng lương chậm lại. Điều đó được minh họa bằng sức nóng trong hoạt động kinh tế, bên cạnh việc hạ nhiệt lạm phát. Thống đốc Fed nhấn mạnh, còn quá sớm để biết các dữ liệu sẽ theo hướng nào. Ông nói: “Nếu nền kinh tế dịu lại, chúng ta có thể giữ chính sách lãi suất ổn định”.
Là một trong những nhà hoạch định chính sách có quan điểm “cứng rắn” nhất của Fed, nhận định của ông Waller gần như là một sự đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo của Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp sắp diễn ra vào ngày 31/10 tới, song đồng thời họ sẽ để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Có thể bạn quan tâm
AirAsia thâu tóm mảng kinh doanh của Gojek ở Thái Lan
Bitcoin vẫn tiếp tục lên đỉnh, nhưng rủi ro vẫn còn
Hội An muốn tiếp bước Phú Quốc mở cửa đón khách quốc tế
Thị trường 24/7: Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cao nhất trong 6 tuần; VN Index thủng mốc 1.200 điểm
Việt Nam dự kiến đạt miễn dịch cộng đồng từ giữa năm 2022
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng dầu giảm lần thứ ba liên tiếp; Thái Lan tăng cường quản lý nguồn cung trái cây

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này