16:30 - 25/10/2023
Thị trường 24/7: 5 ‘ông lớn’ TMĐT đạt doanh thu 63.000 tỷ đồng; DN nước ngoài tăng tốc rút khỏi Hong Kong
Xuất khẩu thuỷ sản quý 4 có thể đạt 2,4 tỷ USD: Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản trong quý 3 chỉ thấp hơn 12% so với quý 3/2022, cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý đầu năm.
Nhóm 3 sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có tín hiệu tích hơn trong quý 3, với kim ngạch XK cao nhất và mức tăng trưởng âm thấp nhất từ đầu năm. Sau khi giảm 28% trong quý 3, sang quý 3, XK tôm chỉ thấp hơn 13% so với cùng kỳ. Trong khi cá tra có doanh số thấp hơn 12% và cá ngừ giảm gần 8%, so với 2 con số tương ứng là -41% và -31% trong quý 2.
VASEP đánh giá, mức độ hồi phục doanh số XK thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính: Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Với diễn biến hồi phục dần dần từ các thị trường, dự báo XK thủy sản quý 4 có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch XK cả năm 2023 lên 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.
5 “ông lớn” thương mại điện tử đạt doanh thu 63.000 tỷ đồng trong quý 3/2023: Nền tảng số liệu thị trường Metric (Metric) vừa phát hành báo cáo thị trường thương mại điện tử (TMĐT) quý 3/2023.
Theo ghi nhận, 5 sàn TMĐT lớn nhất là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop có doanh thu từ ngày 1/7 đến 30/9/2023 lên đến 63.000 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 22,66% so với quý 2/2023.
Báo cáo của Metric cho thấy 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu trên các sàn TMĐT đạt 163.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn năm 2022 là 7%, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, sàn Tiktok shop đóng góp 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý 3/2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh số lượng nhà bán với hơn 49.500 gian hàng dừng hoạt động trên sàn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khánh thành Trung tâm dữ liệu lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam: Sáng 25/10 tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức khai trương Trung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Đây là IDC có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, được VNPT đầu tư các công nghệ hiện đại nhất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. VNPT IDC Hòa Lạc sẽ là lựa chọn an toàn bậc nhất cho dữ liệu của các thương hiệu quốc tế, tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức, doanh nghiệp trên hành trình Chuyển đổi Số.
VNPT IDC Hòa Lạc có tổng diện tích sử dụng lên tới 23.000 m2 sàn, có quy mô đến 2.000 tủ racks – lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. IDC Hòa Lạc đã đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho hạng mục thiết kế (TCDD), xây dựng lắp đặt (TCCF) và sắp tới sẽ là chứng chỉ về vận hành (TCOS). Các thiết bị trong IDC được cung cấp bởi các hãng nổi tiếng như Cumin, Hitachi, Siemens…; Đặc biệt, trung tâm IDC có khả năng kết nối mạng siêu tốc, trung bình 2Gbps/rack đối với kết nối trong nước và 0.5Gbps/rack với kết nối mạng quốc tế, nhờ vào lợi thế là nhà mạng viễn thông hàng đầu Việt Nam của VNPT.
Giá vàng miếng giảm phiên thứ 3 liên tiếp: Chiều 25/10, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm về 69,6 – 70,3 triệu đồng một lượng, thấp hơn 300.000 đồng so với hôm qua. Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng miếng cũng giảm còn 69,5 – 70,3 triệu đồng.
Như vậy, sau khi vọt lên 71 triệu đồng vào tuần trước, giá vàng miếng đã quay đầu giảm hơn 800.000 đồng trong vài ngày qua. Với vàng nhẫn tròn trơn có thương hiệu, mỗi lượng cũng hạ gần 300.000 đồng so với cuối tuần trước, về dưới 59 triệu đồng. SJC yết giá nhẫn tròn trơn loại 1-5 chỉ ở mức 57,85 – 58,85 triệu đồng.
Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý cũng hạ nhiệt mấy ngày gần đây. Các nhà phân tích Phố Wall kỳ vọng giá kim loại quý sẽ có đợt điều chỉnh sau nhịp tăng đột biến kéo dài hai tuần qua. Giá vàng thế giới giao ngay đang giao dịch quanh 1.970 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, tương đương 58,7 triệu đồng (chưa kể thuế, phí).
Diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng mạnh: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích sầu riêng tăng liên tục từ 2010 đến nay. Bình quân mỗi năm, diện tích trồng sầu riêng tăng 24,5% – mức tăng trưởng rất cao. Đặc biệt, Tây Nguyên là khu vực có diện tích sầu riêng tăng nhanh nhất.
Cả nước hiện có 131.000 ha sầu riêng, tức mỗi năm tăng bình quân 24,5% – mức tăng trưởng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực. Dù canh tác sau, Tây Nguyên nhanh chóng vươn lên dẫn đầu với diện tích sầu riêng gần 70.000 ha, tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.
Năm ngoái, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với 420 triệu USD. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay, khi được xuất khẩu chính ngạch, hàng Việt đã vươn lên vị trí thứ 2 (sau Thái Lan) với kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 3,6 lần so với cả năm 2022.
Gói 120.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội, mới giải ngân 83 tỷ đồng: Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Cụ thể, 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay vốn là 24.655 tfỷ đồng, 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay vốn là 1.229 tỷ đồng.
Điều đáng nói, số vốn giải ngân đến nay tương đối khiêm tốn khi tính đến hết quý 3, Bộ Xây dựng cho hay chỉ có một số dự án nhà ở xã hội được giải ngân với số vốn khoảng 83,1/1.095 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Minh Phương tại tỉnh Phú Thọ được giải ngân 23,7/95 tỷ đồng, Công ty Kinh Bắc tại tỉnh Bắc Ninh được giải ngân 46/50 tỷ đồng, liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu tại TP Hà Nội được giải ngân 13,4/950 tỷ đồng. Đáng chú ý, các dự án này đều nằm ở khu vực phía Bắc.
Châu Âu dẫn dắt làn sóng ‘thép xanh’ nhờ thuế carbon mới: Đến năm 2030, châu Âu dự kiến có gần 50 dự án thép carbon thấp, trong khi đó, con số này ở Mỹ chỉ là 2, theo dữ liệu của LeadIT, một nhóm tập hợp các nước và công ty cam kết đưa mức phát thải ròng carbon về mức zero (Net Zero)vào năm 2050.
Một số nỗ lực thúc đẩy thép xanh ở EU được thúc đẩy bởi các chính sách như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đã bước vào giai đoạn áp dụng thử nghiệm kể từ đầu tháng 10. CBAM sẽ yêu cầu các nhà nhập khẩu trả thuế carbon đối với một số mặt hàng nhập khẩu có lượng phát thải cao trong quá trình sản xuất, bao gồm cả thép, nếu chúng đến từ những nước nơi khí thải không bị đánh thuế ở mức tương tự. Chứng chỉ phát thải carbon cấp miễn phí cho các nhà sản xuất thép của EU dần bị loại bỏ khi thuế biên giới carbon đối với thép nhập khẩu tăng dần.
Theo tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel, có trụ sở tại Brussels, cuối thập niên này, 25% nhu cầu thép của châu Âu sẽ được đáp ứng từ các nguồn cung thép carbon thấp. Tại Mỹ, các dự án tương tự chỉ cung cấp 10% nhu cầu thép vào năm 2030, theo nghiên cứu của Viện Rocky Mountain. Năm ngoái, châu Âu sản xuất 152 triệu tấn thép, trong khi Mỹ sản xuất 80 triệu tấn.
Doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc rút khỏi Hong Kong: Số lượng công ty Mỹ hoạt động tại Hong Kong đã giảm bốn năm liên tiếp, xuống còn 1.258 công ty, tính đến tháng 6/2022, thấp nhất kể từ năm 2004. Năm ngoái, số công ty Trung Quốc đại lục đặt trụ sở khu vực tại Hong Kong đông hơn các công ty Mỹ lần đầu tiên trong ít nhất ba thập niên.
Trong nhiều năm sau khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, đặc khu này đã thu hút các công ty nước ngoài nhờ nằm gần Trung Quốc về mặt địa lý, nhưng không quá gần về mặt chính trị. Nhờ mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’, Hong Kong có hệ thống pháp luật riêng biệt, tư pháp độc lập và cam kết với các quyền tự do kiểu phương Tây.
Mô hình đó đã thay đổi để đáp ứng với các hạn chế an ninh quốc gia chặt chẽ hơn ở Hồng Kông, sức ép của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp nước ngoài, suy thoái kinh tế ở đại lục và căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng. Một số lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài thừa nhận ranh giới giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục đã trở nên mờ nhạt.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này