10:11 - 14/09/2021
eWTP châm đợt vốn ‘7 chữ số’ cho chuỗi phân phối thực phẩm Homefarm
Theo DealStreet Asia, Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP được Alibaba hậu thuẫn đã đầu tư một khoản tiền ‘chưa được tiết lộ’ vào chuỗi cửa hàng thực phẩm Homefarm của Việt Nam.
Giám đốc điều hành Homefarm Trần Văn Trường cho biết, khoản đầu tư này có trị giá là ” bảy chữ số”. Theo thông tin, khoản đầu tư mới nhất này được thực hiện thông qua Quỹ ReDefine Capital, một tổ chức đầu tư đã đăng ký tại Singapore do eWTP kiểm soát.
“Số tiền thu được từ vòng tài trợ này sẽ được sử dụng để phát triển và mở rộng chuỗi cửa hàng của chúng tôi với mục tiêu là 1.000 cửa hàng vào năm 2025”, Văn Trường cho biết thêm.
Được thành lập vào năm 2014 bởi Văn Trường và các đối tác, Homefarm là chuỗi cửa hàng bán thực phẩm nhập khẩu tại Việt Nam, một sự kết hợp giữa các kênh mua sắm hiện đại, bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà. Tính đến tháng 7/2021, Homefarm hiện có 150 cửa hàng trên toàn quốc tại Việt Nam.
Được biết, ngoài các kênh bán hàng hiện có, Homefarm sẽ tiếp tục phân phối hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Khoản đầu tư này sẽ giúp Homefarm nhanh chóng tham gia vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, cũng như tiếp cận và phát triển các phương thức bán hàng hiện đại hơn.
Theo thông tin từ Homefarm, trong thời gian tới, công ty sẽ chính thức đưa ra các thông báo và chi tiết về khoản đầu tư này.
Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP của Alibaba là một quỹ đầu tư có trị giá 600 triệu USD được thành lập vào năm 2018 với Alibaba và Ant Group của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma là những nhà đầu tư chính. Mục tiêu chính của quỹ đầu tư này khai thác các cơ hội khởi nghiệp tại các thị trường mới nổi cũng như hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đang để mắt tới các thị trường này.
Mới đây, DealStreetAsia đã cho biết rằng eWTP đã tăng số tiền đầu tư vào công ty bán lẻ của Việt Nam Ficus Asia Investment bằng cách đầu tư thêm 10 triệu đô la. Trước đó, Quỹ eWTP đã đầu tư 50 triệu đô la vào Ficus vào năm ngoái. Ngoài ra, vào tháng 7 năm nay, eWTP cũng đã đầu tư 2 triệu đô la vào Tập đoàn Educa có trụ sở tại Việt Nam, nhà điều hành chính của công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục Edupia.
1/ Sáng ngày 13/9, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 56,6 – 57,3 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào và bán ra vẫn đang ở mức 700 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.788,1 USD/ounce, tăng nhẹ 1,3 USD, tương đương 0,07% so với chốt phiên trước.
2/ Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội tại 19 tỉnh khu vực phía Nam trong 2 tháng qua, các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản đã bị tác động xấu, điều này kéo theo kết quả xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh. Theo đó, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Mỹ, châu Âu trong tháng 8/2021 đã giảm từ 16% đến 50% so với cùng kỳ năm 2020. Được biết, Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại khu vực trọng tâm của thủy sản Việt Nam, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của toàn quốc cũng như lực lượng lao động của ngành hàng, đã gây khó khăn và áp lực ngày càng tăng đối với cộng đồng doanh nghiệp. So với tháng 7/2021 (là tháng vẫn duy trì kim ngạch tăng nhờ lượng hàng dự trữ), tổng xuất khẩu tháng 8 đã giảm 31%, trong đó tôm giảm mạnh nhất (giảm 36%), mực, bạch tuộc giảm 23%…
3/ Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, giá cua biển tại các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bến Tre giảm mạnh. Có thời điểm cua biển mang lên bán tại các vựa thủy hải sản ở Cần Thơ chỉ còn giao động từ 160 – 180 ngàn đồng/kg đối với cua thịt, còn cua gạch giá còn 260 – 270 ngàn đồng/kg. Do giá rẻ nên rất nhiều người đổ xô đi mua cua ăn, vì thế giá cua những ngày qua đã tăng mạnh trở lại. Đặc biệt trong 2 ngày vừa qua, khi người dân ra các vựa hải sản tìm mua cua biển về ăn, giá cua bất ngờ tăng vọt từ 40 – 100 ngàn đồng/kg (tùy từng loại cua). Đặc biệt, giá cua biển đã không ngừng tăng mạnh do nguồn nhu cầu cung cấp cho thị trường các tỉnh ĐBSCL và TP. HCM khi chợ đầu mối Bình Điền bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại. Được biết, thực tế nguyên nhân chính giá cua biển thương phẩm bất ngờ tăng mạnh trở lại một phần do hiện nay đang là mùa nghịch nên sản lượng lượng ít hơn mùa thuận
4/ Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt tài xế container, xe tải, đã khiến các địa phương này gặp khó, làm tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu. Được biết, do nhiều địa phương phía Nam đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa nông sản (chủ yếu là thóc, gạo hàng hóa) từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy đến các cảng xuất khẩu. Một phần nguyên nhân là do thiếu hụt lực lượng lái xe container cho công đoạn vận chuyển, tiêu thụ.
5/ Theo Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam tiết lộ tại Hội thảo “Cơ hội và thách thức của ngành thực phẩm và đồ uống đóng gói tại Việt Nam trong đại dịch”, trong 2 năm tới, Nestlé Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động bằng việc đầu tư thêm hơn 130 triệu USD, đưa tổng đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam lên trên 730 triệu USD, để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và mở rộng nhà máy sản xuất cà phê khử cafein (decaf) tại Trị An (Đồng Nai). Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đạt 730 triệu USD, 2.200 lao động và vận hành 4 nhà máy. Được biết, Tập đoàn này hiện đang nỗ lực để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm Maggi dạng lỏng và trở thành trung tâm chuyên môn về các sản phẩm phục vụ nấu ăn dạng lỏng tại châu Á.
6/ Mới đây, các chính trị gia Hà Lan đã xem xét kế hoạch buộc hàng trăm nông dân bán bớt và cắt giảm số lượng vật nuôi, để giảm ô nhiễm do amoniac gây ra. Theo đó, chất thải của vật nuôi, khi trộn với nước tiểu, giải phóng amoniac, một hợp chất chứa nitơ. Khi đi vào các hồ và suối qua dòng chảy của trang trại, nitơ quá mức có thể làm hỏng các môi trường sống tự nhiên nhạy cảm, chẳng hạn, khuyến khích tảo nở hoa làm cạn kiệt oxy ở mặt nước. Hiện tại, Bộ Tài chính và Nông nghiệp Hà Lan đã đưa ra các đề xuất, bao gồm cắt giảm số lượng vật nuôi xuống 30%, một trong những kế hoạch cấp tiến nhất thuộc loại này ở châu Âu. Hai kịch bản khác cũng được đề xuất bao gồm buộc một số nông dân bán quyền phát thải và thậm chí cả đất đai của họ cho nhà nước, nếu cần. Được biết, Hà Lan có một trong những ngành công nghiệp chăn nuôi lớn nhất châu Âu, với hơn 100 triệu con gia súc, gà và heo. Đây cũng là nước xuất khẩu thịt lớn nhất của EU.
7/ Theo dữ liệu của Clarkson Research Services, bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới tàu biển lớn nhất thế giới, ngành vận tải biển đang có mức thu nhập cao nhất kể từ năm 2008 khi nhu cầu hàng hóa bùng nổ kết hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do Covid-19 khiến giá cước vận tải tăng vọt. Hiện chi phí để vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc tới châu Âu đã tăng 500% so với một năm trước đó lên 14.287 USD. Điều này khiến chi phí vận chuyển mọi thứ từ đồ chơi đến xe đạp, cà phê đều tăng lên. Thêm vào đó, cước phí tăng khiến đã giúp các hãng tàu ghi nhận lợi nhuận tăng vọt. Tháng trước, hãng tàu container lớn nhất thế giới A.P. Moller-Maersk A/S đã ước tính lợi nhuận năm nay sẽ tăng gần 5 tỷ USD so với năm ngoái.
8/ Theo Tokyo Shoko Research, trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp phá sản do Covid-19 tại Nhật Bản đã tăng mạnh, trong đó, nhà hàng và quán bar bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 8, đã có tới 1.026 vụ phá sản vì Covid-19, chiếm khoảng 26% tổng số vụ phá sản tại Nhật giai đoạn này. Ngành kinh doanh nhà hàng, quán bar bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi có tới 204 đơn vị, tương đương 20%, đã phải đóng cửa vì doanh thu giảm mạnh. Được biết, Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 đã không thể tạo thêm thu nhập cho các chủ nhà hàng và quán bar. Nguyên nhân là họ bị hạn chế phục vụ rượu và bị giới hạn giờ hoạt động; các vận động viên cũng không được phép rời khỏi làng Olympic còn khán giả không được phép tham dự sự kiện.
9/ Văn phòng Ngân sách Quốc hội Canada (PBO) vừa công bố một báo cáo cho biết đã phát hiện gần 1.000 tỷ CAD được chuyển từ các tập đoàn của Canada ra nước ngoài. Theo đó, các “thiên đường thuế” và thông qua các nghiệp vụ “lách thuế” hợp pháp vào năm 2016, đã khiến Canada thất thu 25 tỷ CAD (19,7 tỷ USD) tiền thuế trong năm này. Trước đó, Cơ quan Thuế vụ Canada (CRA) cũng cho biết rằng nước này đã thất thu 26 tỷ CAD tiền thuế mỗi năm. Hai nghiên cứu này kết hợp với nhau cho thấy Canada có thể thất thu tới 51 tỷ CAD tiền thuế hàng năm. Số tiền này đủ để tài trợ cho chương trình bảo hiểm dược phẩm và chương trình chăm sóc trẻ em trên toàn quốc mà không phải tăng thuế. Nhìn chung, PBO tỏ ra bi quan về khả năng của Canada và các nền kinh tế lớn khác trong việc trấn áp hoạt động trốn thuế doanh nghiệp.
10/ Vừa qua, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) đã buộc các sàn giao dịch tiền mã hóa trong và ngoài nước phải đăng ký hợp pháp trước ngày 24/9, khiến hàng loạt sàn nhỏ sẽ bị đóng cửa. Theo Financial Times, phần lớn sàn giao dịch địa phương ở Hàn Quốc không đáp ứng đủ điều kiện của chính phủ để được đăng ký là nền tảng giao dịch hợp pháp. Theo đó, để trở thành nền tảng giao dịch hợp pháp, các sàn giao dịch tiền mã hóa ở Hàn Quốc phải hợp tác với ngân hàng địa phương, mở tài khoản ngân hàng với tên thật của khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng Hàn Quốc đã từ chối hợp tác vì lo ngại nguy cơ dính líu tới hành vi rửa tiền và các hoạt động tội phạm tài chính khác. Được biết, nhiều khả năng gần 40 trên tổng số 60 sàn giao dịch tiền mã hóa tại Hàn Quốc sẽ bị đóng cửa sau ngày 24/9.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này