09:15 - 11/12/2018
Cân nhắc việc kiểm toán tất cả doanh nghiệp ngoài nhà nước
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều Luật kiểm toán nhà nước.
Cụ thể, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/12, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán nhà nước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.
Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị bổ sung đối tượng kiểm toán gồm người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Lý do cần sửa đổi, theo ông Phớc là Luật kiểm toán nhà nước có những bất cập, hạn chế như thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán… Một số đối tượng như cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; các đơn vị, tổ chức… chưa phải là đơn vị được kiểm toán.
Trong khi đó, qua hoạt động kiểm toán ngân sách, Kiểm toán Nhà nước đối chiếu thuế đã phát hiện và kiến nghị số thuế truy thu rất lớn. Như năm 2016, qua đối chiếu hơn 1.600 người nộp thuế, số thuế được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị phải nộp hơn 2.060 tỷ đồng.
Năm 2017, qua đối chiếu gần 2.500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hơn 2.300 trường hợp có sai phạm, tương đương 94%, và kiến nghị nộp thêm hơn 1.300 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, qua đối chiếu thuế hơn 1.400 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 24 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước phát hiện gần 1.300, tương đương 90% trường hợp có sai phạm và kiến nghị nộp thêm 443 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Phớc nhấn mạnh tình trạng trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, gây thất thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Như thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Unilever, Sabeco… và kiến nghị truy thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng.
Để khắc phục hạn chế trên, ông Phớc đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật kiểm toán nhà nước theo hướng bổ sung các đơn vị được kiểm toán như nêu trên.
Tuy nhiên, cho ý kiến về đề xuất của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu nghiên cứu lại Hiến pháp, Luật kiểm toán nhà nước và thực tế hiện hành để xem cần mở rộng kiểm toán cái gì và mở đến đâu.
“Và có nhất định mở rộng phạm vi kiểm toán tới tất cả doanh nghiệp ngoài nhà nước hay không? Đây là vấn đề cần phải cân nhắc? Về phạm vi đối tượng mà kiểm toán đang làm, chỉ cần làm cho tốt, cho đúng là cũng mệt lắm rồi chứ chưa cần phải mở rộng”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.
Cũng băn khoăn về đề xuất sửa Luật kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải lo ngại khi luật này vừa mới được sửa 3 năm nay. Nếu tiếp tục sửa trong năm tới sẽ rơi vào tình trạng luật không có tính ổn định khi kỳ này làm luật, kỳ sau lại sửa, kỳ tới không biết có sửa hay không.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này