
09:32 - 24/05/2017
Thực phẩm – theo bước chân người tiêu dùng thế giới
Hội thảo quốc tế về “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” do bộ Khoa học và công nghệ, hội DN.HVNCLC và ban dự án xây dựng Bộ tiêu chí “HVNCLC – chuẩn hội nhập” đã diễn ra tại Hà Nội sáng 23/5.

Rồi đây nông sản Việt phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung quy định bởi USDA, FDA của Hoa Kỳ, tiêu chuẩn BRC của hiệp hội Bán lẻ Anh quốc, IFS của hiệp hội Thực phẩm Đức và Pháp, hay tiêu chuẩn GlobalGAP của tổ chức Food Plus…
Hơn 100 doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Hà Nội đã đến dự.
Thực phẩm kém an toàn, tỷ lệ ung thư ngày càng tăng và nhu cầu nhập khẩu thực phẩm cao, là những thách thức đang đặt ra trong bối cảnh thế giới hiện nay. Đối với các quốc gia phát triển, việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu đang có sự thay đổi to lớn.
Cách kiểm soát thực phẩm đầu vào của Mỹ và các nước phát triển đang thay đổi từ cách kiểm tra sản phẩm cuối cùng tại cảng, sang phòng ngừa rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, cung cấp nguyên liệu, chế biến, dán nhãn, đóng gói, vận chuyển và đưa ra sản phẩm ra thị trường. Tại thị trường Mỹ, đạo luật mới về an toàn thực phẩm có tên là FSMA có hiệu lực từ tháng 6/2016.
Cũng từ năm 2002, ở EU đã có quy định 178/2002/EC – khung pháp lý tổng quát về việc kiểm soát an tioàn thực phẩm trong cộng đồng chung châu Âu – yêu cầu nhà sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi phù hợp với yêu cầu luật định tại tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối.
Trong tình hình chung về thực phẩm xuất khẩu qua Mỹ và EU đang ngày càng chặt chẽ và yêu cầu cao vể nhiều mặt như vậy, thì Nhà nước và doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam phải làm gì để ứng phó với tình hình hiện tại?
Việc cập nhật thông tin quốc tế liên quan tới những quy định mới về an toàn thực phẩm đang là yêu cầu bức thiết của các doanh nghiệp thực phẩm đối với Nhà nước. Phải chăng Nhà nước cần lập ra một bộ phận chuyên để theo dõi, cập nhật những quy định mới, các chất mới đưa vào danh mục cấm của các quốc gia phát triển như Mỹ, EU, cập nhật thông tin những doanh nghiệp đang “nằm trong danh sách đen” để từ đó có những quyết sách, nhằm hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam nói chung.
Bộ tiêu chí mới của hội DN.HVNCLC giúp được gì cho doanh nghiệp?
Một trong những nỗ lực của hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC)trong hơn 20 năm qua là bền bỉ đứng bên cạnh doanh nghiệp, thông qua danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn.
Trong những năm gần đây do yêu cầu của thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao. Nên để đáp ứng những yêu cầu đó, hội khuyến khích doanh nghiệp quan tâm hơn tới việc tuân thủ Việt Nam và quốc tế, chú trọng thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế để đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn ổn định. Đây cũng là cách xây dựng lòng tin vững chắc cho người tiêu dùng qua sự cam kết, minh bạch về chất lượng khi doanh nghiệp ứng dụng tiêu chí này.
Riêng với ngành nông sản, thực phẩm thì tổng hợp các tiêu chuẩn chung quy định bởi USDA, FDA của Hoa Kỳ, tiêu chuẩn BRC của hiệp hội Bán lẻ Anh quốc, IFS của hiệp hội Thực phẩm Đức và Pháp, hay tiêu chuẩn GlobalGAP của tổ chức Food Plus…
Tuyết Hồ
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này