
10:02 - 25/03/2023
Nông trại và ‘Thượng đế’
Tôi thích sự chân thực, tự nhiên diễn ra ở La Ferme Du Château. Gia đình 6 nông dân này có cuộc sống nhiều đam mê đã lôi cuốn tôi. Họ đón khách mỗi tuần nhưng lại không “làm” du lịch.
Với cố tật tò mò, tôi cố tìm hiểu họ mong đợi gì và được gì trong những chuyến đi về miền châu thổ này. Hình như có gì đó chưa thật sự hoàn hảo nên mới có chuyện bạn bè ở xa về Cần Thơ chơi vài ngày không biết dẫn đi đâu. Nhiều sao vẫn thiếu.Gần đây có thêm loại hình du lịch nông nghiệp, tưởng mới nhưng lại là những sản phẩm cũ khoác áo mới. Áo mới quá chưa kịp bén mùi nhà quê, lại na ná nhau, nên thấy buồn. Được dịp làm khách trong hai lần đi Pháp, tôi lặn lội tới lui hoài ở vùng nông thôn, thăm nhiều ngôi làng cổ có tuổi đời tính bằng thế kỷ; dự những sinh hoạt, hội hè dân dã, la cà hết quán café tới lò bánh mì… cũng bởi bệnh nghề nghiệp và cái tật tò mò. Thấy có vài chuyện hay hay xin được kể lại.
Cueillette và nông trại
Vài lần thăm nông trại ở ngoại ô Paris, các nơi đều đông khách.Ở Plesis, người bạn dẫn đường nhận xét, dạo cái chợ farm này, nhìn sản phẩm và giá cả là biết khách của họ toàn người có tiền.Giá rau củ được niêm yết trên những bảng hướng dẫn không hề rẻ. Rau trái xanh mướt no tròn căng mọng, qui trình trồng tỉa bài bản, sạch sẽ tinh tươm từ đường đi tới luống rau bờ cải lẫn dụng cụ thu hái hỏi sao không hấp dẫn. Không thấy người của nông trại, mọi việc khách tự tìm hiểu qua bảng hướng dẫn thông tin chi tiết.
Khách cứ dạo chơi, thích thì hái, thoải mái “cueillette” rồi sau đó xếp hàng tính tiền.Tôi thấy dường như ai cũng ghé chợ sau một vòng nông trại.
Chợ bán trong nhà, bài trí như một siêu thị nhỏ, từ rau củ, bánh mứt, nước ép, xúc xích, pho mát cho tới rượu bia… và cả những món nấu sẵn, đều là sản phẩm của nông trại. Công của được tính đủ hết, giá cao hơn ở siêu thị khoảng 30%, nhưng có vẻ như cả chủ lẫn khách ai cũng hài lòng… Nhớ cái câu anh bạn Phong Cantho Farm hay nói, là mình đang bán cảm xúc, thiệt là hay trong hoàn cảnh này.
Trang trại của lâu đài
Vùng Bourgogne ở Tây Bắc nước Pháp gắn liền với lâu đài và rượu.Người ta còn nói champagne được sản xuất ở đây đầy ngẫu hứng. Tôi tìm tới Château de Saint-Fargeau ở đó, được xây dựng từ thế kỷ X, bởi nghe đồn có một trang trại của lâu đài rất dễ thương, tên La Ferme Du Château.
Là một phần của château trang trại chắc hẳn là nơi các lãnh chúa ngày xưa tổ chức hậu cần. Được gìn giữ gần như nguyên vẹn với kiến trúc vuông vức, bốn cạnh bố trí khu nhà ở cho gia nhân, chuồng nuôi gia súc, xưởng cơ khí, mộc, lò bánh mì, bếp… Khoảnh đất rộng ở giữa để trống, nuôi thả các loài vật hiền lành như dê, heo, gà vịt,… thảy đều dạn dĩ và thân thiện với khách tham quan. Giống như bất cứ điểm du lịch nào ở toàn nước Pháp, lối ra vô là một cửa hàng bán đủ thứ, từ đồ lưu niệm, thực phẩm cho tới café giải khát. Điều đặc biệt được khai thác triệt để là sản phẩm bày bán ở đây chỉ duy nhứt có ở chỗ này, hoàn toàn tạo tác thủ công, do chính người dân trong vùng thực hiện, kể cả các loại bánh kẹo, bia rượu. Tôi chưa thấy sự trùng lắp sản phẩm nào ở những điểm tham quan đã ghé, và cũng chưa hề nghe nói tới câu mỗi làng một sản phẩm.
Ly café quả là có khác. Khác ở chỗ, ngồi uống café nhìn ra khoảng đất nuôi thả rong gia súc, ly café có thêm mùi… cỏ mục phân hoai đặc trưng trang trại, và thỉnh thoảng những cái mũi ướt của mấy chú dê con cứ chạm vào cổ tay bạn đòi ăn.
Chất trang trại cổ kính đậm đặc ở lò bánh mì, nhà bếp, xưởng rèn, chuồng bò… Đúng giờ, khách chứng kiến nhồi bột nướng bánh; bếp nướng có không gian vừa tối vừa thấp; với nguyên liệu, thao tác, vật dụng và trang phục đúng kiểu đâu chừng… thế kỷ XVIII. Khu nhà bếp được lấy sáng từ các ô cửa nhỏ, và chính thứ ánh sáng ấy đã gia tăng sự huyền hoặc, đẹp lung linh với dấu vết thời gian. Qui trình làm pho mát, các loại bánh nướng hay nấu ăn được diễn giải trên các poster treo tường. Phòng ăn cũng vậy. Bạn ngắm hiện vật và đọc các ghi chú trong sự yên tĩnh nên dễ liên tưởng, thả bay trí tưởng tượng hết mức có thể.
Dạo một vòng các xưởng mộc, cơ khí, rèn, để ngắm và hình dung vài trăm năm trước những đôi giày gỗ được làm ra thế nào, cái móng ngựa được rèn ra sao.Cũng một mình, không hướng dẫn thuyết trình.Tôi thoáng thấy cô gái nướng bánh mì hồi nãy đang xách xô đi về hướng chuồng dê và liên tưởng ngay lập tức hình vẽ thiếu nữ trên hộp sữa Cô Gái Hà Lan.
Nhiều gia đình dẫn con cháu tới thăm trang trại và theo đúng lịch hoạt động, họ gần như tụ lại khu vực vắt sữa dê. Những ánh mắt háo hức tò mò lẫn e ngại. Có vài đứa bé dạn dĩ đã uống thử sữa dê mới vắt và thích thú cầm bình sữa cho dê con bú. Có lẽ trừ tôi tới La Ferme Du Château để quan sát chi li rồi liên tưởng này nọ, hầu hết khách tới đây đều đi theo nhóm gia đình và họ coi như một chuyến dã ngoại mang tính giáo dục. Nhiều đứa bé lần đầu được ôm cổ dê cho dê ăn bánh mì, được chạy giỡn với bầy ngỗng hiền lành, được thọc chân xuống bùn ở vũng nước nuôi vịt. Còn tôi, biết bao lâu mới thấy lại mấy con heo cỏ đen thui lưng cong bụng phệ khoan khoái tắm bùn. La Ferme Du Château chỉ mở cửa vào cuối tuần và những ngày nghỉ học với giá vé tham quan 8 euro/người lớn, 6 euro/trẻ em. Đặc biệt chú trọng con nít với khoá học sinh hoạt trang trại và chăm sóc thú nuôi trọn một ngày, học phí 50 euro.
Trong site của trang trại tôi đọc được lời giới thiệu đại ý là trong gần 20 năm, Emilie, Arnaud và bốn người con của họ mời bạn khám phá trang trại một cách chân thực và ấm áp. Bằng kinh nghiệm và bí quyết của mình, họ sẽ truyền cảm hứng và đam mê thiên nhiên, động vật cho con bạn trong môi trường gia đình.
Ở những nơi mở cửa đón khách không hề có chuyện khách hàng là thượng đế. Vậy mà sao thấy dễ chịu.
Đỗ Khuê (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này