15:33 - 14/10/2020
Sacombank và nỗi ám ảnh nợ xấu
Nỗ lực tái cơ cấu đã phần nào giúp NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã CK STB) vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh với HĐQT và cả NĐT trên TTCK, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu của NH này đang có dấu hiệu tăng trở lại.
“Đội sổ” nợ xấu
STB tiến hành IPO và đưa CP lên sàn trong năm 2006 (NH đầu tiên được niêm yết trên TTCK). Năm 2015, STB sáp nhập NHTMCP Phương Nam (PNB), với tỷ lệ chuyển đổi 1:0,75. Đây chính là thời kỳ STB bước vào giai đoạn khó khăn do phải gánh khoản nợ xấu của PNB. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của STB từ 1,19% đầu năm tăng vọt lên 5,85%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu cũng tăng mạnh, từ 5.000 tỷ đồng năm 2014 lên 25.000 tỷ đồng cuối năm 2015. Khoảng thời gian này, STB được ví von là NH “đội sổ” về nợ xấu.
Chưa hết, trích lập dự phòng rủi ro của STB tăng chóng mặt từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý cuối cùng năm 2015, tương đương dự phòng tăng gấp hơn 6 lần và cả năm phần dự phòng cũng tăng gấp hơn 2 lần. Việc trích lập dự phòng khiến lợi nhuận ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ riêng trong quý IV-2015, STB bất ngờ lỗ trước thuế 738 tỷ đồng và lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý này đã khiến lợi nhuận của STB sụt giảm đáng kể, sau thành quả đạt được trong 9 tháng năm 2015 là 2.140 tỷ đồng.
Có thể nói, rủi ro từ thương vụ sáp nhập với PNB đã được HĐQT của STB trù liệu bằng kế hoạch kinh doanh cho những năm kế tiếp. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 là 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng), năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (sau thuế 1.039 tỷ đồng). Con số này giảm khá mạnh so với quy mô từ 2.800-3.000 tỷ đồng của STB thời điểm chưa “đón nhận” PNB. Tuy nhiên, giới phân tích thời điểm đó cũng có cái nhìn hết sức tiêu cực về thương vụ này. Theo dự báo của một CTCK công bố cuối năm 2015, STB có thể mất tới 4 năm để giải quyết khoản nợ xấu so với lợi ích chưa mấy rõ ràng từ việc mở rộng mạng lưới và quy mô tài sản. Đặc biệt, lợi nhuận của STB sẽ bị bào mòn đáng kể trong giai đoạn 2015-2016 do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh. Cho dù có những dự báo tăng trưởng cao sau đó, nhưng ít nhất phải đến năm 2019 lợi nhuận trước thuế của STB mới có khả năng hồi phục về mức của năm 2014.
Luồng gió mới
Ngay sau khi sáp nhập với PNB, HĐQT của STB đã bắt tay vào tái cơ cấu hoạt động bằng việc tập trung giải quyết vấn đề như tăng thu nhập, nguồn vốn, cải thiện hệ số an toàn. Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ giúp STB duy trì được mức tăng trưởng tài sản đạt 13,7% cuối năm 2016 so với thời điểm đầu năm, trong khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ đạt 156 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng nợ phải trả của STB vẫn là con số khủng 307.436 tỷ đồng (tăng 14,4% so đầu năm), tỷ lệ nợ xấu vẫn đứng ở mức cao 6,68%.
Năm 2017, sự xuất hiện của Chủ tịch HĐQT mới là ông Dương Công Minh, cộng với Đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt, STB đã ghi nhận những kết quả cực kỳ ấn tượng: lợi nhuận trước thuế đạt 1.492 tỷ đồng, (tăng gấp 9,6 lần so với năm 2016), tổng tài sản hơn 368.000 tỷ đồng (tăng 11% so với đầu năm). Đặc biệt, STB đã xử lý 19.665 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm 2017 mà 15.365 tỷ đồng trong số đó thuộc đề án tái cơ cấu. Với kết quả này, tỷ lệ nợ xấu của STB giảm từ 6,68% xuống còn 4,59% cuối năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được STB kéo giảm xuống 2,11% cuối năm 2018 và 1,9% cuối năm 2019.
Như vậy, sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, STB đã thu hồi và xử lý gần 38.400 tỷ đồng, bình quân thu hồi gần 13.000 tỷ đồng/năm. Qua đó, lành mạnh hóa tình hình tài chính, kéo giảm tỷ trọng tài sản tồn đọng so với tổng tài sản từ 29,3% xuống còn 13,8%, giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ 7,25% (30-6-2017) xuống chỉ còn 1,76%, tỷ lệ nợ xấu bao gồm trái phiếu VAMC giảm từ 21,38% xuống chỉ còn 11,23%.
Chiến lược… lạc hậu
Từ kết quả đáng ghi nhận trong năm 2019, HĐQT của STB đã mạnh dạn đặt ra chỉ tiêu cho cả giai đoạn 2020-2025: tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, cho vay tăng 15%/năm, thu dịch vụ tăng 13%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng 26%/năm. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên 2020 được tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, HĐQT của STB đặt chỉ tiêu lợi nhuận giảm 20% (đạt 2.573 tỷ đồng), tăng trưởng tín dụng 11%, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%. Việc HĐQT giảm chỉ tiêu lợi nhuận là điều dễ hiểu khi dịch Covid-19 diễn biến bất thường, nhưng chỉ tiêu nợ xấu ở dưới mức 3%, thay vì dưới 2% khiến nhiều cổ đông bất ngờ.
Trong năm 2020, STB đặt kế hoạch xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng chỉ trong 5 tháng đầu năm, doanh số bán đấu giá thành công các tài sản đã vượt 9.700 tỷ đồng. Từ thực tế này, có ý kiến cho rằng HĐQT của STB đang gặp 2 vấn đề trong điều hành. Thứ nhất, HĐQT không đủ tự tin khi lên kế hoạch. Thứ hai, đề án tái cơ cấu đã bị lạc hậu so với thực tế. Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc STB, thừa nhận tiến độ thu hồi và xử lý nợ tại đề án chưa phù hợp với thực trạng hiện nay, do phụ thuộc vào thị trường bất động sản và các vướng mắc pháp lý về tài sản bảo đảm.
Trên thực tế, dù đạt được nhiều kết quả trong công tác xử lý, nhưng tỷ lệ nợ xấu của STB đã có dấu hiệu tăng trở lại. Theo báo cáo tài chính bán niên 2020, kết thúc quý 2 tổng tài sản của STB tăng trưởng 6,2% (thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước là 8,2%); tỷ lệ nợ tăng từ 1,9% tại cuối năm 2019 lên mức 2,2%; tỷ lệ nợ xấu mở rộng, bao gồm nợ nhóm 2 tăng lên mức 2,6%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu đi ngang ở mức trên 69%. Đáng chú ý, nợ xấu nội bảng tại ngày 30-6 của STB lên đến 6.682 tỷ đồng, tăng gần 950 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương mức tăng gần 17%. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng mạnh 185% lên 851 tỷ đồng.
Theo Kim Giang/SGGP-ĐTTC (link bài gốc)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này