09:25 - 13/05/2021
Thực phẩm hữu cơ, đầy tiềm năng nhưng khó phát triển ồ ạt
Thực phẩm hữu cơ mới chỉ chiếm 1- 2% thị trường thực phẩm nói chung, bởi giá cả quá cao. Nhưng đó chỉ là lý do phụ, cái chính là người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa đủ quan tâm đến những gì mình hấp thụ vào cơ thể hàng ngày.
Hiện tại, giá cả thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam vẫn rẻ hơn các nước láng giềng như Singapore hay Nhật Bản, bởi nhu cầu của người Việt vẫn chưa cao.
Lượng người tiêu dùng ít ỏi
“Tôi dùng thực phẩm hữu cơ đã nhiều năm, từ khi nó xuất hiện nhiều trên thị trường là tôi đã mua chúng.
Thường thì tôi mua rau củ và trái cây hữu cơ từ Farmer Market, còn mua cá, hải sản hay các loại thịt ở siêu thị. Đầu tiên, vì các loại cá – hải sản hay thịt hữu cơ rất ít chỗ bán, thêm nữa, tôi nghĩ cá – hải sản hay thịt ở các siêu thị đã là đồ sạch. Tôi cũng có nghe về chuyện có nhiều chỗ đưa rau quả canh tác vô cơ ở bên ngoài, vào cửa hàng hữu cơ để bán, nhưng tôi cũng không quan tâm lắm về vấn đề đó.
Vì nhà tôi ở gần Farmet Market, đây là một thương hiệu lớn bán thực phẩm organic và thực phẩm sạch, nên tôi cứ thế đến mua”, cô Nguyễn Thị Thu Hương ở quận 10 chia sẻ.
Mặc dù mức chi tiêu của gia đình cô nhiều hơn gia đình khác khoảng 1/3 hoặc 1/2, song cô không quan tâm lắm, vì nghĩ cái gì tốt cho sức khỏe thì đáng để đầu tư. Cô không chắc, sức khỏe của các thành viên trong gia đình mình có được cải thiện hay không sau khi ăn thực phẩm hữu cơ, vì lúc bắt đầu tiêu dùng hoàn toàn bằng rau củ – trái cây hữu cơ thì con cái của cô cũng đã lớn và sức khỏe là tổng hòa từ nhiều yếu tố chứ không chỉ mỗi thức ăn; nhưng cô không ngần ngại đầu tư cho chi tiêu, vì nhà có vài em bé.
Tuy nhiên, theo quan sát của cô, thì không có nhiều người chung quanh cô hay dùng thực phẩm hữu cơ hoặc quan tâm nhiều đến thực phẩm sạch – hoặc dơ và không ít người trong số đó cũng có nhiều tiền.
Khác với cô Thu Hương, chị Mai Phương nhà ở quận 8, dù hay mua thực phẩm hữu cơ, song không chỉ đến Farmer Market, mà còn mua ở Ajuma Garden. Chị đến với Farmer Market vì đây là một thương hiệu uy tín trên thị trường, còn mua ở Ajuma Garden là vì gần chỗ học Anh văn vào buổi tối. Ngoài ra, chị cũng thỉnh thoảng mua rau củ quả và cá – thịt tại các siêu thị như VinMart, Bách Hóa Xanh.
“Do làm trong ngành truyền thông, nên tôi được tiếp xúc và nghe thông tin về thực phẩm organic cách đây khá lâu, kể từ khi nó bắt đầu manh nha xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, tôi mới thường xuyên sử dụng thực phẩm organic hay thực phẩm sạch chỉ trong khoảng hai năm trở lại đây, khi thu nhập tốt hơn và cảm thấy chuyện ăn uống cũng đáng để đầu tư.
Tôi thường mua rau củ quả hữu cơ hoặc đặc sản sạch từ Farmer Market hay Ajuma Garden, còn mua thịt cá tại VinMart. Tôi có nghe đến những nhốn nháo trong thị trường organic, nên tôi thường chỉ chọn thương hiệu có uy tín hoặc những cửa hàng mà tôi cảm thấy họ làm ăn tử tế để mua; chứ ít khi dám mua đại”, chị Mai Phương cho biết.
Đầu tư để “giáo dục” thị trường
Vậy thế nào là thực phẩm hữu cơ? Thực phẩm hữu cơ có thể có nhiều tiêu chuẩn khác nhau, song tựu trung dựa trên 3 điều kiện của môi trường canh tác như sau: đất sạch, nước sạch và không khí sạch. Do trong vài chục năm trở lại đây, nền nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu canh tác bằng hóa chất cộng với sự phát triển ồ ạt của công nghiệp hóa, khiến vùng đất đạt ba tiêu chuẩn nói trên cực hiếm.
Có một thực tế thế này: chỉ khi đi đến những vùng sâu vùng xa chưa được bàn tay con người khai hoang trước đó, chúng ta mới có thể tìm thấy vùng đất “trong sạch tuyệt đối” từ không khí đến đất; song điều đó đồng nghĩa với việc chi phí nhân công – logistic sẽ tăng cao đột biến.
Ngược lại, ở những khu vực gần các thành phố trung tâm, thuận lợi cho giao thông và nguồn nhân lực, thì rất khó để có thể cùng lúc đạt 3 chuẩn nói trên, đặc biệt về mặt không khí. Và muốn có “3 sạch” cũng phải đầu tư rất nhiều tiền của để cải tạo môi trường đất, nước và không khí.
Đó là nguyên do khiến thực phẩm hữu cơ luôn đắt gấp 2 – 3 lần thực phẩm bình thường và chỉ những cá nhân hoặc tập thể có tiềm lực tài chính mạnh cộng với quyết tâm cao độ, mới dám nhảy vào ngành nông nghiệp hữu cơ và sau đó không bị “chết chìm”. Hiện tại, trên thị trường, chúng ta có thể đếm trên đầu ngón tay những nông trại làm hữu cơ với quy mô lớn như gạo Trung An, Vinamit, Happy Vegi… và vài trang trại rau củ hữu cơ lớn tập trung tại Đà Lạt.
Ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch Vinamit nhận định: “Đã có nhiều người trẻ khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ thất bại như những con thiêu thân. Nên tôi khuyên các bạn cần có thời gian tích luỹ kinh nghiệm, tiền bạc, định hướng rõ ràng về thị trường”. Bản thân ông Nguyễn Lâm Viên, người có nông trường mới đầu tư từ năm 2019, đến nay đã hòa vốn. Tuy nhiên, cũng có nông trường hữu cơ làm từ năm 2003 đến giờ vẫn lỗ.
Vì thị trường thực phẩm hữu cơ khan hiếm và giá lại cao, muốn chứng nhận hữu cơ từ Mỹ (USFDA) hoặc châu Âu (EU) cần rất nhiều thời gian và vật lực; nên giải pháp của những nhà sản xuất và phân phối trong thị trường này là bán đồng thời cả thực phẩm organic lẫn thực phẩm sạch. Những thực phẩm sạch hoặc đặc sản mà Farmer Market, Dalat Foodie hay Ajuma Garden phân phối, có thể đã đạt chuẩn organic, chỉ là không muốn/không đủ điều kiện làm giấy chứng nhận.
Ví dụ, mặc dù Dalat Foodie định vị thương hiệu là nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ hàng đầu cho phân khúc mẹ và bé, song khi giới thiệu sản phẩm họ không nói hẳn là thực phẩm của mình được trồng trong môi trường thuần organic (đất – nước – không khí sạch) hoặc vườn trồng có giấy chứng nhận hữu cơ USDA hay EU.
“Dalat Foodie cung cấp rau củ quả trái cây hữu cơ từ nông trại đến bàn ăn đảm bảo tiêu chí chất lượng cốt lõi: không dùng giống biến đổi gen, không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ hóa học, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng, không dùng hóa chất bảo quản sau thu hoạch”, đại diện Dalat Foodie cho biết.
Dalat Foodie là thương hiệu thực phẩm hữu cơ có chỗ đứng hơn 6 năm tại thị trường TP.HCM và hiện đã có chi nhánh tại Hà Nội và được tập đoàn Intracom của Shark Nguyễn Thanh Việt đầu tư trong năm 2020.
Chủ một thương hiệu thực phẩm sạch giấu tên khác cũng cho hay: “Trong cửa hàng của tôi không phải tất cả thực phẩm đều được chứng nhận organic, tôi chỉ bảo đảm chúng đều là hàng sạch. Hơn nữa, nhiều lúc tôi cũng không muốn đề cập đến chữ organic, bởi nhiều khách hàng nghe đến chữ ‘thực phẩm hữu cơ’ sẽ nghĩ đến ngay rằng: chúng rất đắt. Điều này phần nào tạo rào cản cho người tiêu dùng mua sản phẩm của chúng tôi.
Với những điều kiện để nuôi trồng thực phẩm hữu cơ như hiện nay, tất cả vật tư nông nghiệp – máy móc đều nhập khẩu, tôi cho rằng, giá thực phẩm hữu cơ sẽ ngày càng mắc hơn chứ không rẻ. Hơn nữa, thật ra giá cả thực phẩm hữu cơ của Việt Nam vẫn đang rẻ hơn các nước láng giềng như Singapore và Nhật Bản, do nhu cầu tại Việt Nam chưa cao.
Thế nên, giải pháp để thực phẩm hữu cơ tiếp xúc với người tiêu dùng gần hơn chỉ thông qua việc ‘giáo dục’ thị trường chứ không phải giảm giá sản phẩm. Vấn đề lớn nhất của người Việt Nam bây giờ không phải là không đủ tiền để tiêu dùng thực phẩm hữu cơ hay thực phẩm sạch, chỉ là họ chưa có ý thức đầu tư cho chuyện ăn uống một cách tử tế”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Viên cũng cho biết: việc đưa nông sản hữu cơ đến người tiêu dùng không dễ. Giai đoạn 2017 – 2018, ông phải đi thuyết phục các siêu thị cho đặt quầy bán sản phẩm hữu cơ và kiên trì tiếp thị. Thế nên, chi phí để giáo dục người dùng bằng hoặc hơn giá trị sản phẩm nhưng không làm tư vấn thì không bán được. Mỗi điểm bán, Vinamit phải cử người đi tư vấn và cho khách trải nghiệm thử sản phẩm.
“Con đường bán hàng cũng khó khăn như sản xuất, mà có khi còn hơn. Tạo ra sản phẩm từ năm 2013, nhưng để làm thương hiệu, xây hệ thống, đưa nó đến tay người tiêu dùng, chỉ trong 3 năm 2017 – 2020, tôi đã đốt thêm 30 tỷ”, ông Trần Phong Lan, giám đốc công ty phát triển nông nghiệp Hải Âu, tiết lộ.
Quỳnh Như (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này